1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Video hành quyết nhà báo Mỹ "có thể đã bị dàn dựng"

(Dân trí) - Các nhà phân tích tin rằng kẻ thánh chiến quốc tịch Anh trong đoạn video do Nhà nước Hồi giáo (IS) tung ra mới đây có thể không phải là kẻ sát hại James Foley, mặc dù nhà báo Mỹ được tin là đã thực sự bị hành quyết.

Nhà báo Mỹ James Foley trong đoạn video hành quyết của IS.
Nhà báo Mỹ James Foley trong đoạn video hành quyết của IS.

Theo các chuyên gia, video vụ hành quyết Foley có thể đã bị dàn dựng, và vụ giết người thực sự không được ghi hình.

Một cuộc phân tích pháp y về đoạn video ghi lại vụ chặt đầu Foley đã cho thấy kẻ thánh hiến người Anh trong đoạn băng hình có thể chỉ là người giới thiệu chứ không phải kẻ giết người.

Đoạn video, vốn miêu tả cảnh chặt đầu man rợ nhà báo Mỹ, được xem là một công cụ tuyên truyền cho nhóm phiến quân.

Nhưng một cuộc nghiên cứu đoạn video dài gần 5 phút, được một công ty khoa học pháp y quốc tế - vốn hợp tác với các lực lượng cảnh sát trên khắp nước Anh - tiến hành đã chỉ ra rằng các kỹ xảo hình ảnh dường như đã được sử dụng.

Một nhà phân tích pháp y cho biết với tờ The Times của Anh rằng không vệt máu nào được nhìn thấy, dù con dao bị cứa qua vùng cổ của Foley ít nhất 6 lần.

Các tiếng kêu được cho là của Foley dường như không ăn khớp với hình ảnh trong đoạn video.

Trong khi Foley phát biểu, dường như đã có một tiếng lách tách, điều chứng tỏ rằng nhà báo Mỹ có thể đã phải nhắc lại một câu nói.

Một chuyên gia được giao kiểm tra đoạn video nói: "Tôi nghĩ rằng đoạn video đã bị dàn dựng. Cảm giác của tôi là vụ hành quyết có thể diễn ra sau khi camera ngừng ghi hình".

Tuy nhiên, công ty giấu tên trên tin rằng vụ hành quyết đã thực sự diễn ra ở một thời điểm nào đó.

Ngày 19/8, IS đã tung ra một đoạn video dài 5 phút quay cảnh một phần tử của nhóm này hành quyết nhà báo Mỹ James Foley, người bị bắt cóc tại Syria hồi năm 2012.

Mỹ cho biết video là thật và đang điều tra hình sự vụ việc này.

An Bình
Theo Telegraph