Vị trí cấp cao do người Trung Quốc nắm giữ tại các tổ chức quốc tế
(Dân trí) - Ngoài chức Chủ tịch Interpol, các công dân Trung Quốc cũng đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Kể từ khi chấm dứt các chính sách “tự lực cánh sinh” từ năm 1978, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc tham gia vào các tổ chức toàn cầu mà Bắc Kinh muốn nhận được các khoản viện trợ phát triển lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc.
Nhiều quan chức Trung Quốc đã đảm nhận các vị trí hàng đầu trong các lĩnh vực tài chính, ngoại giao và công nghiệp. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại các cơ quan vốn chủ yếu do người phương Tây lãnh đạo.
Vụ bắt giữ Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) Hoành Mạnh Vĩ gần đây đã thu hút sự chú ý của dư luận vì ông Mạnh là một trong những công dân Trung Quốc đang nắm giữ vị trí cao nhất tại một tổ chức quốc tế. Ngoài ông Mạnh, một số vị trí cấp cao khác tại các tổ chức quốc tế cũng do người Trung Quốc đảm nhiệm.
Liu Zhenmin - Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế xã hội của Liên Hợp Quốc (UN)
Ông Liu Zhenmin đã đảm nhận vị trí Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế xã hội của Liên Hợp Quốc từ năm 2017, thay thế một nhà ngoại giao khác của Trung Quốc là Wu Hongbo - người nắm giữ vị trí này từ năm 2012.
Theo thông tin trên trang web của Liên Hợp Quốc, ông Liu chịu trách nhiệm cố vấn cho tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường, đồng thời hướng dẫn cho Ban Thư ký Liên Hợp Quốc tham gia hỗ trợ các quy trình theo Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Sự nghiệp ngoại giao của ông Liu bắt đầu từ năm 1982 và ông từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc phụ trách các vấn đề hàng hải, biên giới và châu Á. Ông cũng từng tham gia vào các cuộc đàm phán quốc tế đa phương, bao gồm các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu như Nghị định thư Kyoto và Hiệp định Paris.
Zhangtao - Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc điều hành IMF vào năm 2016, ông Zhang Tao từng giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Người tiền nhiệm của ông Zhang tại IMF là Zhu Min - cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Trung Quốc nắm giữ 6,09% quyền bỏ phiếu của IMF, đứng thứ 3 sau Mỹ và Nhật Bản.
Yi Xiaozhun - Phó Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Ông Yi Xiaozhun đang trong nhiệm kỳ thứ hai với vai trò là một trong 4 Phó Tổng giám đốc của WTO. Trước đó, ông từng là Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và là đại sứ Trung Quốc tại WTO.
Là người Trung Quốc đầu tiên được bầu làm Phó Tổng giám đốc WTO, ông Yi là nhà đàm phán quan trọng trong tiến trình gia nhập WTO của Trung Quốc. Ông cũng tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại đa phương và khu vực trong thời gian công tác tại Bộ Thương mại Trung Quốc.
Liu Fang - Tổng thư ký Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO)
Từng là cựu quan chức thuộc cơ quan hàng không Trung Quốc, bà Liu Fang đang giữ vị trí Tổng thư ký ICAO nhiệm kỳ thứ 2. Bà Liu đã đảm nhận công việc này từ năm 2015.
Bà Liu bắt đầu làm việc cho ICAO, tổ chức đặt trụ sở tại Montreal, Canada từ năm 2007 và trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau. Bà là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người Trung Quốc đầu tiên được bầu làm Tổng thư ký ICAO trong lịch sử 70 năm của tổ chức này.
ICAO là tổ chức chịu trách nhiệm thiết lập các quy chuẩn an toàn và các quy tắc cho ngành hàng không quốc tế.
Zhao Houlin - Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU)
Từng là kỹ sư cấp cao của Trung Quốc, ông Zhao Houlin được bầu làm Tổng thư ký ITU từ năm 2014. Ông là người Trung Quốc đầu tiên được đảm nhận vị trí dẫn dắt tổ chức có tuổi đời 150 năm của Liên Hợp Quốc này.
ITU có sứ mệnh thúc đẩy, hợp tác và tiêu chuẩn hóa công nghệ thông tin và truyền thông trên toàn cầu.
Xue Hanqin - Phó Chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ)
Sinh ra tại Thượng Hải và từng theo học ở cả Trung Quốc và Mỹ, bà Xue được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch ICJ từ tháng 2 năm nay. Bà cũng là người phụ nữ châu Á đầu tiên nắm giữ vị trí này.
Năm 2010, bà Xue là thẩm phán nữ đầu tiên từ Trung Quốc tuyên thệ trở thành thành viên của ICJ, thay thế ông Shi Jiuyong - một thẩm phán khác của Trung Quốc và là cựu Chủ tịch Tòa ICJ. Đặt trụ sở tại The Hague, Hà Lan, tòa ICJ chuyên giải quyết các tranh chấp pháp lý giữa các quốc gia và đưa ra lời khuyên cho những câu hỏi pháp lý do các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc đề xuất.
Là học giả luật cao cấp và từng giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan, bà Xue từng tham gia vào nhiều cuộc đàm phán pháp lý cấp cao, bao gồm các vấn đề pháp lý giữa Anh và Hong Kong, mối quan hệ giữa chính quyền Bồ Đào Nha và Macau, vấn đề thiệt hại tài sản sau vụ Mỹ đánh bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade vào năm 1999 hay các vấn đề liên quan tới phân định ranh giới trên biển.
Thành Đạt
Theo SCMP