1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao vắc xin Covid-19 Trung Quốc "đắt hàng" ở Singapore?

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhu cầu tiêm vắc xin Covid-19 do hãng dược Trung Quốc sản xuất tăng vọt tại Singapore.

Vì sao vắc xin Covid-19 Trung Quốc đắt hàng ở Singapore? - 1

Nhiều người xếp hàng để hỏi tiêm vắc xin Sinovac bên ngoài một phòng khám ở Singapore (Ảnh: Reuters).

Trong ngày đầu tiên vắc xin Covid-19 của hãng dược Sinovac được cung cấp cho người dân Singapore hôm 18/6, nhiều phòng khám tư nhân tại nước này đã ghi nhận nhu cầu rất lớn đối với vắc xin do Trung Quốc sản xuất.

Singapore cho phép các cơ sở y tế tư nhân sử dụng vắc xin Sinovac theo hướng tiếp cận đặc biệt, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin này hồi đầu tháng. Các nhà chức trách Singapore đã chọn 24 phòng khám tư nhân để triển khai tiêm 200.000 liều vắc xin Sinovac trong kho dự trữ.

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 18/6 cho biết chính phủ vẫn đang chờ dữ liệu quan trọng từ Sinovac trước khi đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng quốc gia.

Trong số những người tiêm vắc xin Sinovac vào ngày đầu tiên sản phẩm này được sử dụng ở Singapore, một số người là công dân Trung Quốc. Họ cho rằng việc tiêm vắc xin Sinovac giúp họ về nhà dễ hơn và không phải cách ly.

Serena Wee, giám đốc điều hành Trung tâm Ung thư Icon, cho biết khoảng 1.000 người đã đăng ký tiêm vắc xin Sinovac, vượt quá 200 liều dự trữ ban đầu của cơ sở này.

Vì sao vắc xin Covid-19 Trung Quốc đắt hàng ở Singapore? - 2

Một phụ nữ đọc thông báo "quá tải" đăng ký vắc xin Sinovac tại một phòng khám ở Singapore (Ảnh: Reuters).

Wee Healthfirst, một phòng khám khác được chính phủ Singapore cho phép tiêm vắc xin, đã đặt một thông báo trước cổng vào ngày 18/6, cho biết họ đã ngừng nhận đặt trước vắc xin Sinovac cho tới ngày 24/6, do "nhu cầu quá lớn". Một nhân viên lễ tân của Wee Healthfirst cho biết khoảng 1.000 người đã đăng ký tiêm vắc xin tại đây.

Leong Hoe Nam, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại phòng khám Rophi Clinic, cũng cho biết ông đã bị "choáng ngợp" bởi số người muốn tiêm vắc xin Sinovac.

Tang Guang Yu, kỹ sư 49 tuổi, là một trong số công dân Trung Quốc tại Singapore quyết tâm chờ vắc xin Sinovac hơn là tiêm một loại vắc xin do nước khác sản xuất, vì lo ngại chúng có thể không được các cơ quan chức năng tại Trung Quốc công nhận.

"Không ai muốn bị cách ly suốt một tháng. Tôi không có nhiều ngày nghỉ phép đến vậy", Tang nói khi xếp hàng bên ngoài một phòng khám.

Theo thông tin trên trang web của chính phủ Trung Quốc, những người tới Trung Quốc phải cách ly tại cơ sở tập trung và tại nhà trong tối đa một tháng, tùy thuộc vào nơi đến, bất kể đã tiêm chủng hay chưa.

Những người khác cho biết họ tin tưởng vắc xin Sinovac hơn vì vắc xin này sử dụng công nghệ truyền thống, trong khi những vắc xin do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển sử dụng công nghệ mRNA mới được phát triển.

Một số thông tin xuất hiện trên mạng xã hội trong những tuần gần đây cho rằng vắc xin Covid-19 bất hoạt, giống như Sinovac, có khả năng chống lại các biến thể tốt hơn so với vắc xin mRNA. Các thông tin khác nghi ngờ rằng vắc xin mRNA kém an toàn hơn. Tuy nhiên, giới chức Singapore bác bỏ những thông tin này khẳng định các vắc xin mRNA vẫn an toàn và hiệu quả cao.

Gần một nửa trong số 5,7 triệu dân Singapore đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna. Cả hai vắc xin này đều cho thấy hiệu quả hơn 90% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng.