1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Trung Quốc lo ngại Triều Tiên thành quốc gia hạt nhân?

(Dân trí) - Sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12/6, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên rằng Trung Quốc sẽ “không vui nếu có ai đó sở hữu vũ khí hạt nhân ở gần họ”. Ông chủ Nhà Trắng có thể đã ngụ ý tới Triều Tiên.

Quân đội Triều Tiên diễu binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Quân đội Triều Tiên diễu binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Nhiều chuyên gia đồng tình với nhận định trên của Tổng thống Trump. Họ cho rằng với vũ khí hạt nhân trong tay, Triều Tiên hiện nay là mối quan ngại về ngoại giao lớn hơn và là mối đe dọa tiềm tàng với Trung Quốc. Bắc Kinh ngay từ đầu đã không muốn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân.

Là quốc gia có tác động rất lớn tới Triều Tiên bằng sức mạnh kinh tế và ô bảo hộ hạt nhân, Trung Quốc luôn muốn duy trì tầm ảnh hưởng của nước này với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo Sandip Kumar Mishra, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, Ấn Độ, một khi Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân, nước này sẽ không còn nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Năng lực hạt nhân đã trao cho Triều Tiên nhiều quyền lực hơn, không chỉ với Mỹ mà còn với Trung Quốc. Trung Quốc muốn Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước này và phụ thuộc vào ô hạt nhân của Trung Quốc. Vậy nhưng, Trung Quốc hiện nay có ít lợi thế hơn về chiến lược và quân sự với Bình Nhưỡng”, Giáo sư Mishra nói với Korea Times.

“Triều Tiên muốn nước này sẽ tự lo liệu vấn đề an ninh của mình và Trung Quốc sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ khi Triều Tiên cần hoặc khi Triều Tiên đề nghị. Thậm chí ngay từ trước khi có trong tay vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã chơi quân bài cẩn trọng với Trung Quốc. Triều Tiên đã và đang hiểu rằng Trung Quốc cần Triều Tiên nhiều tương tự, nếu không muốn nói là hơn Triều Tiên cần Trung Quốc”, ông Mishra nhận định.

Ngoài ra, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng tạo ra những nguy cơ về an ninh đối với Trung Quốc.

“Mỗi quốc gia đều có lý do để lo sợ kho vũ khí hạt nhân của một quốc gia khác. Nguy cơ chính đó là có thể xảy ra một vụ tai nạn hạt nhân, dẫn tới việc một quốc gia có thể vô tình phóng vũ khí hạt nhân vào một quốc gia khác. Nguy cơ thứ hai là sự hiểu lầm nghiêm trọng khiến các nhà lãnh đạo cho rằng có khả năng một nước nào đó chuẩn bị phóng vũ khí hạt nhân vào nước mình. Việc một quốc gia là đồng minh của một quốc gia khác cũng không đảm bảo rằng sẽ bảo vệ lẫn nhau trong những tình huống này”, Aaron M. Hoffman, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Purdue, nhận định.

Đối với Trung Quốc, tình huống xấu nhất có thể xảy ra là kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên sẽ trở thành mối đe dọa quân sự trực tiếp tới các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải hay Bắc Kinh. Nếu muốn, Triều Tiên có thể tấn công các thành phố này mà không cần đến tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Xét ở bối cảnh hiện tại, khó có thể tưởng tượng chuyện hai quốc gia đồng minh như Trung Quốc và Triều Tiên có thể tấn công lẫn nhau. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng không có bạn bè vĩnh cửu và cũng không có kẻ thù vĩnh viễn trong quan hệ quốc tế.

Lo ngại của Trung Quốc

kim jong un

Chủ tịch Tập Cận Bình đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Đối với Triều Tiên, một lợi ích rõ ràng của nước này khi sở hữu vũ khí hạt nhân là có thể bảo đảm sự tồn tại trước các đối thủ, bao gồm cả đối thủ tiềm tàng.

“Sở hữu kho vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với việc các quốc gia hạt nhân như Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn nếu muốn chi phối Triều Tiên”, Giáo sư Hoffman nhận định.

Theo Giáo sư David Graff chuyên nghiên cứu về an ninh tại Đại học Kansas, Trung Quốc nhận thức được những nguy cơ trên. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng đặt ra những ưu tiên trước mắt cần thiết hơn, bao gồm việc ngăn chặn không để chính quyền Triều Tiên sụp đổ.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải là không nhận ra những nguy cơ tiềm tàng, mà họ dường như bị thôi thúc bởi nỗi lo ngại về các thảm họa trước mắt, bao gồm khả năng sụp đổ của chính quyền (Triều Tiên), hơn là những mối lo ngại dài hạn”, ông Graff cho biết.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Khi được hỏi liệu ông Kim Jong-un có khả năng thực hiện đúng cam kết này không, cả 6 chuyên gia quan hệ quốc tế đều nói với Korea Times rằng họ nghi ngờ về điều này.

“Trong lịch sử vũ khí hạt nhân, chưa quốc gia nào trên thế giới từng sở hữu loại vũ khí này chấp nhận từ bỏ chúng. Mới chỉ có một trường hợp của Ukraine khi nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng về cơ bản đó là kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô do Ukraine tiếp quản. Do vậy, khả năng xảy ra cao nhất là Triều Tiên, thực tế đã là một quốc gia hạt nhân, sẽ tìm kiếm sự chấp thuận và hợp thức hóa từ cộng đồng quốc tế”, Giáo sư Mishra nhận định. Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc Vishnu Prakash cũng đồng ý với quan điểm này.

“Ông Kim Jong-un (và các bậc tiền nhiệm) nhận thức sâu sắc về sức mạnh thực tế và năng lực răn đe. Ông ấy không tin tưởng bất kỳ ai, đặc biệt là Mỹ. Do vậy ông ấy sẽ không bao giờ từ bỏ phương án hạt nhân cũng như đề xuất CVID của Mỹ. Tại thượng đỉnh ở Singapore, ông Kim Jong-un thực chất đàm phán trên thế mạnh và bỏ qua luôn CVID”, ông Prakash cho biết, đề cập tới cách tiếp cận phi hạt nhân hóa “toàn bộ, có thể xác minh và không thể đảo ngược” (CVID).

Cựu Đại sứ Ấn Độ cho rằng Tổng thống Trump có thể tìm cách kiểm soát kho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên để đảm bảo rằng các vũ khí này sẽ được hủy hỏ hoàn toàn. Ông Kim Jong-un có thể chấp thuận với yêu cầu này của Mỹ. Tuy nhiên, nếu xung đột xảy ra, Bình Nhưỡng vẫn có thể nhắm mục tiêu tấn công tới Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ, mà không cần sử dụng ICBM.

“Chưa ai yêu cầu họ phải từ bỏ các tên lửa tầm trung hay tầm ngắn”, ông Prakash nói thêm.

Thành Đạt

Theo Korea Times