1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Trung Quốc bắt giữ Tổng biên tập Nhân dân Nhật báo điện tử?

(Dân trí) - Giới chức Trung Quốc ngày 28/8 cho biết sẽ tiến hành điều tra 2 lãnh đạo cấp cao của Nhân dân Nhật báo điện tử, trong đó có Tổng biên tập, với cáo buộc “nhận hối lộ” và “lợi dụng chức vụ để tống tiền”. Thông báo được đưa ra sau khi 2 người này bị bắt giữ cách đây 2 ngày.

 

Vì sao Trung Quốc bắt giữ Tổng biên tập Nhân dân Nhật báo điện tử? - 1

Ông Liêu Hồng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhân dân Nhật báo điện tử (Ảnh: SCMP)

Trong một tuyên bố đăng trên website chính thức, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc xác nhận, ông Liêu Hồng, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhân dân Nhật báo điện tử, và bà Trần Trí Hà, Phó giám đốc cơ quan này, đang phải chịu “những biện pháp cưỡng chế” vì bị tình nghi nhận hối lộ.  Đây là thuật ngữ thường được sử dụng ám chỉ việc bị bắt buộc triệu tập, kiểm soát và bắt giữ.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin hai lãnh đạo cấp cao của Nhân dân Nhật báo điện tử - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra, song không nêu rõ lý do.

Theo một số nguồn tin, ông Liêu Hồng bị cáo buộc sử dụng “quyền lực báo chí” để tống tiền các doanh nghiệp. Cáo buộc được đưa ra hồi đầu năm nay khi có thông tin cho rằng ông Liêu từng ủng hộ việc đăng một bộ phim tài liệu gây tranh cãi về tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc - việc làm đã khiến ông chịu rất nhiều áp lực và bị cách chức Tổng biên tập hồi tháng 4 vừa qua.

Ông Liêu Hồng, 52 tuổi, là một trong những người sáng lập Nhân dân Nhật báo điện tử và đã làm việc cho Nhân dân Nhật báo gần 20 năm. Ông này đã từng đạt giải thưởng của báo chí Trung Quốc năm 2009.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã khởi tố một vụ tham nhũng trong ngành báo chí, trong đó có Giám đốc Công ty truyền thông Thế kỷ 21 Trần Hạo. Các bị cáo bị cáo buộc đe doạ các doanh nghiệp trả tiền để viết bài quảng cáo hoặc “tiền bảo hộ” để che giấu các thông tin tiêu cực, nếu không sẽ phanh phui những “mảng tối”, gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức này.

Nhức nhối nạn tham nhũng trong báo chí

Việc hai lãnh đạo của Nhân dân Nhật báo điện tử bị bắt giữ chỉ là một trong số nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng trong ngành báo chí. Phát biểu về vấn đề này, ông Xu Xiang, một cựu phóng viên của Tân Hoa xã cho biết, tham nhũng là hiện tượng phổ biến trong các cơ quan truyền thông, thông tấn do nhà nước Trung Quốc kiểm soát.

“Truyền thông, báo chí thường được nhắc tới như một “quyền lực thứ 4”, nhưng ở một đất nước như Trung Quốc, tự do ngôn luận, tự do báo chí vẫn phải nằm trong khuôn khổ. Vì vậy, việc quản lý và kiểm soát thông tin có thể dễ dàng trở thành con dao hai lưỡi.”, ông Xu Xiang cho biết.

“Việc hai lãnh đạo của Nhân dân Nhật báo điện tử bị bắt không phải là điều quá ngạc nhiên. Họ đã lên đến đỉnh cao quyền lực của một trang báo. Điều đó dễ khiến họ cảm thấy mình có thể ép buộc người khác làm mọi điều họ muốn. Các hành vi tiêu cực cũng từ đó mà dễ nảy sinh”, ông Xu cho hay.

Sau hàng loạt quan chức chính phủ Trung Quốc bị “sờ gáy” vì những hành vi tham nhũng và nnhận hối lộ, nhiều lãnh đạo và nhân viên trong ngành truyền thông nước này cũng bị đưa vào tầm ngắm. Điều này một lần nữa thể hiện quyết tâm của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch đấu tranh quét sạch tệ nạn này ra khỏi xã hội Trung Quốc.

Nhật Minh

Theo Financial Times

 

Vì sao Trung Quốc bắt giữ Tổng biên tập Nhân dân Nhật báo điện tử? - 2