1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc: Nhân dân nhật báo cảnh cáo cựu lãnh đạo thao túng hậu trường

(Dân trí) - Tờ Nhân dân nhật báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 10/8 đã có bài bình luận với những chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào các quan chức đã về hưu tiếp tục gây ảnh hưởng tới các cơ quan chính phủ. Bài viết thu hút nhiều bình luận của giới quan sát.

jiang-zemin-2-61cbb

Theo hãng tin AFP, bài bình luận trên tờ Nhân dân nhật báo ngày 10/8 đã chỉ trích “những lãnh đạo về hưu” vẫn cố bấu víu lấy quyền lực và gây bất bình trong nội bộ đảng.

“Một số nhà lãnh đạo không chỉ sắp đặt những người thân cận (vào các vị trí chủ chốt) để tạo điều kiện cho mình tiếp tục có ảnh hưởng về sau, mà còn muốn can thiệp vào những vấn đề quan trọng của tổ chức mà họ từng công tác, cho dù họ đã nghỉ hưu nhiều năm”, AFP trích dẫn bài viết trên tờ Nhân dân nhật báo.

Những hành động đó khiến những lãnh đạo mới cảm thấy “tay và chân” họ bị bó buộc do phải làm việc với những “mối bận tâm không cần thiết”.

Họ “cũng đã khiến một số cơ quan…chia rẽ thành nhiều nhóm và mất nhuệ khí…gây tổn hại tới tinh thần đoàn kết và sức mạnh của đảng”, bài bình luận được ký tên Gu Bochong khẳng định.

Theo trang web của Hội nhà văn Trung Quốc, ông Gu là thành viên của Tổng cục chính trị, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Bài viết còn đưa ra một so sánh đầy hình tượng, khi xem việc các nhà lãnh đạo về hưu giống như nhiệt độ của ly trà. “Ly trà phải nguội đi khi khách đã ra về, nếu không sẽ không tốt”, bài báo viết. “Cần phải có một nguyên tắc đó là khi ai đó đã rời nhiệm sở, họ bỏ lại phía sau những quan điểm của mình”.

Theo AFP, cách dùng từ ẩn dụ như trên đang tạo ra đồn đoán dữ dội trong cộng đồng mạng của Trung Quốc.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu một ly trà gừng vẫn muốn tiếp tục nóng như trước”, một cư dân mạng bình luận. “Trong trường hợp đó, nó phải bị đổ đi!”

Trong tiếng Hoa, “gừng” được phát âm là Giang, AFP viết, trước khi cho biết có nhiều tin đồn về việc cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân là đối tượng tiếp theo có thể bị Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc nhắm tới.

“Chiến dịch chống tham nhũng thu hút nhiều chú ý của Chủ tịch Tập Cận Bình đã hạ bệ một loạt các quan chức từ cấp thấp đến cấp cao, bao gồm cả cựu “trùm” an ninh Chu Vĩnh Khang, người đã bị kết án tù chung thân hồi tháng 6”, bài báo viết.

“Chu được xem như một đồng minh của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, người nắm quyền từ năm 1989 – 2002, nhưng được tin là vẫn duy trì quyền lực đáng kể suốt một thập niên sau đó, khi ông Hồ Cẩm Đào là chủ tịch.

Đã xuất hiện tin đồn về việc liệu ông Giang có thể là người tiếp theo bị ông Tập và cơ quan điều tra nội bộ đảng Cộng Sản - Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) - nhắm tới”, AFP cho biết thêm.

Ngay sau bài viết trên, trong ngày 11/8, Nhân dân nhật báo tiếp tục có bài bình luận, nêu gương những cựu lãnh đạo Trung Quốc gồm Đặng Tiểu Bình và Trần Vân, những người từng có công lớn trong việc xây dựng một hệ thống từ những năm 1980, trong đó các lãnh đạo đảng và nhà nước phải về hưu khi đến tuổi. Bản thân họ cũng không lưu lại khi đến tuổi về hưu, tờ SCMP trích dẫn.

Bài bình luận được ký bút danh “Xiakedao”, trên trang web của Nhân dân nhật báo xuất hiện đúng thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 35 năm, bài phát biểu của ông Đặng Tiểu Bình tại một cuộc họp của Bộ chính trị Trung Quốc, ngày 18/8/1980, rằng “không quan chức nào được nắm quyền vô thời hạn”.

Quan điểm của ông Đặng và ông Trần khi đó là các lãnh đạo đảng lớn tuổi sẽ trao lại trọng trách cho những người trẻ hơn khi đã về hưu.

Trái lại, Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, đã sắp đặt nhiều cấp dưới vào các cơ sở quyền lực của mình như Tập đoàn dầu khí quốc gia và tỉnh Tứ Xuyên, để họ có thể can thiệp vào những vấn đề hệ trọng, gây tổn thất lớn cho tài sản quốc gia, bài báo viết.

Thanh Tùng

Theo AFP, SCMP

 

Trung Quốc: Nhân dân nhật báo cảnh cáo cựu lãnh đạo thao túng hậu trường - 2