1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Tổng thống Mỹ bác dự án xây dựng đường ống Keystone XL?

Theo hãng tin AP, trong cuộc họp báo diễn ra tại Nhà Trắng hôm 6-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bác việc xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối Canada và Mỹ, kết thúc 7 năm tranh cãi về dự án này.

Về lý do bác dự án trên, ông Obama cho biết dự án Keystone XL sẽ không phục vụ cho các lợi ích quốc gia của Mỹ, không đóng góp vào tăng trưởng kinh tế dài hạn và có ý nghĩa hay làm giảm giá khí đốt cũng như bảo vệ môi trường. Theo lý giải của ông Obama, nước Mỹ giờ đây có vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, do vậy việc thông qua dự án này sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Washington.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh một hội nghị thượng đỉnh của LHQ về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Paris vào tháng tới, nơi ông Obama dự kiến sẽ hối thúc các quốc gia chấp thuận những biện pháp mạnh mẽ hơn để giúp làm chậm lại tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.

Vì sao Tổng thống Mỹ bác dự án xây dựng đường ống Keystone XL? - 1

Những người phản đối dự án Keystone XL ăn mừng sau quyết định bác dự án của Tổng thống Obama hôm 6-11. (Ảnh: AP)

Dự án Keystone XL do Tập đoàn TransCanada Corp của Canada và Tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008, với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD. Với chiều dài 3.462km chạy qua 6 bang của Mỹ, tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo 2 giai đoạn và khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu ở Canada tới những nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ.

Từ khi bắt đầu, dự án đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia  này đã trở thành vấn đề chính trị gây tranh cãi tại Mỹ. Thậm chí, đã có một “cuộc chiến” giữa Nhà Trắng với lưỡng viện Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát vốn ủng hộ xây dựng đường ống Keystone XL liên quan đến vấn đề này.

Các nhà lập pháp của phe Cộng hòa coi dự án Keystone XL là ưu tiên hàng đầu, cho rằng đây là dự án giúp tạo thêm việc làm cũng như tăng sự độc lập về năng lượng của Mỹ. Trong khi đó, chính quyền Obama, vốn phải chịu sức ép từ các tổ chức bảo vệ môi trường, trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu đang là chủ đề nóng bỏng, đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ tính hiệu quả của dự án này.

Bên cạnh đó, dự án Keystone XL cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nhà hoạt động môi trường, vì lo ngại đường ống sẽ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ. Theo họ, dự án này sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng để chiết xuất dầu và có thể dẫn tới thảm họa sinh thái nếu xảy ra sự cố tràn dầu, đe dọa tầng nước ngầm tại các bang thuộc khu vực cao nguyên rộng lớn ở miền Trung nước Mỹ, gây nguy hiểm cho các thị trấn ở nông thôn cũng như người dân địa phương.

Năm 2011, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường từng tổ chức cuộc biểu tình ngay trước Nhà Trắng. Do đó, chính quyền Mỹ đã nhiều lần trì hoãn phê duyệt dự án này trong năm 2011 và 2012.

Chính vì thế, sau phát biểu của Tổng thống Obama, các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã phản ứng mạnh mẽ. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã chỉ trích quyết định này là “hết sức sai trái”. Đăng trên Twitter, ông Ryan cho rằng Tổng thống Obama về cơ bản đang khước từ những công ăn việc làm trả lương tốt, đối tác thương mại và nước cung cấp năng lượng lớn nhất của Mỹ, cũng như ý nguyện của người dân Mỹ.

Trong khi đó, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ, bao gồm ứng cử viên Tổng thống Bernie Sanders, hoan nghênh quyết định này.

Đáp trả lại những chỉ trích từ phía phe Cộng hòa, Tổng thống Obama nói rằng dự án Keystone XL đã bị chính trị hóa, và vấn đề này được cả 2 đảng sử dụng quá thường xuyên như một thứ vũ khí trong chiến dịch tranh cử chứ không phải là vấn đề chính sách nghiêm túc. Tổng thống Obama cũng tuyên bố rằng, việc phê chuẩn đường ống Keystone XL sẽ làm suy yếu sự lãnh đạo toàn cầu về môi trường của Mỹ.

Quyết định hôm 6-11 của Tổng thống Mỹ Obama được cho là đòn bất ngờ đối với tân Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người mới nhậm chức cách đây 2 ngày và cam kết cải thiện quan hệ với Washington.

Tuy bày tỏ sự thất vọng trước quyết định trên, song Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Canada - Mỹ và hy vọng về sự khởi đầu mới với chính quyền Tổng thống Obama, nhằm tăng cường mối quan hệ song phương trên tinh thần hợp tác và hữu nghị.

“Chúng tôi lấy làm thất vọng về quyết định đó nhưng chúng tôi tôn trọng quyền quyết định của phía Mỹ. Quan hệ giữa Mỹ với Canada lớn hơn nhiều so với bất kỳ dự án nào, và tôi mong đợi được bắt đầu lại với Tổng thống Obama để tăng cường mối quan hệ đặc biệt của chúng ta trong tinh thần thân hữu và hợp tác”, ông Trudeau nói.

Các nhà quan sát cho rằng quan hệ giữa chính phủ mới của Canada với Mỹ đã vấp phải trở ngại đầu tiên. Theo Báo Star của Canada, mặc dù ông Trudeau tuyên bố quyết định hôm 6-11 của Tổng thống Obama không ảnh hưởng đến quan hệ 2 bên, nhưng gần đây, hồi tháng 9, khi còn là ứng cử viên tranh cử ghế thủ tướng, ông Trudeau đã cam kết ủng hộ dự án Keystone XL.

Trong cuộc điện đàm ngay sau đó với Thủ tướng Trudeau, Tổng thống Obama đã trấn an quốc gia láng giềng phía Bắc khi nhấn mạnh quan hệ hữu nghị nhiều mặt giữa 2 nước, trong đó có năng lượng và biến đổi khí hậu, sẽ đặt nền tảng thúc đẩy hợp tác song phương tốt hơn ở tương lai.

Động thái trên của Tổng thống Obama đã ảnh hưởng đến Tập đoàn TransCanada Corp của Canada - đơn vị chủ chốt tham gia xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL. Cổ phiếu của tập đoàn này ngay lập tức đã giảm 5%. Tuy nhiên, người đứng đầu TransCanada Corp khẳng định, sẽ không từ bỏ dự án trên và hy vọng người kế nhiệm Tổng thống Obama ủng hộ dự án năng lượng đầy tham vọng này.

Theo Ngọc Hà

Quân đội Nhân dân

Vì sao Tổng thống Mỹ bác dự án xây dựng đường ống Keystone XL? - 2