1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao Paris chọn "hướng đông"?

Là người thực tế, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận vai trò không thể thiếu của Nga trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế, nhất là những gì liên quan tới châu Âu.

Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu đang khúc mắc nhiều vấn đề sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, ông Macron chọn cho mình một chính sách ngoại giao độc lập để khẳng định vị thế của Pháp trên trường quốc tế.

Đó là vài lý do khiến ông chủ Điện Élysée bất ngờ gặp ông chủ Điện Kremlin tại lâu đài Versailles.

Chuyến thăm Paris của Tổng thống Nga V.Putin ngày 29-5 hoàn toàn không nằm trong lịch trình trước đó, do vậy không hề có bất cứ chương trình nghị sự nào giữa ông và Tổng thống nước chủ nhà Pháp Emmanuel Macron.

Chẳng thế mà những phát biểu từ hai phía đưa ra trước cuộc gặp là “hai bên sẽ đề cập tới tất cả các vấn đề”, từ khủng bố đến thương mại hay Ukraine và Syria... Nhưng thực chất, chủ đề chính của cuộc gặp này vẫn là quan hệ song phương Pháp-Nga.

Chuyến thăm Pháp của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh quan hệ Paris-Moskva không mấy tốt đẹp gì dưới thời Tổng thống Hollande. Tổng thống Putin thậm chí còn hủy chuyến thăm dự kiến đến Pháp hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi ông Hollande khăng khăng tuyên bố sẽ chỉ bàn chuyện Syria với ông chủ Điện Kremlin.

Hai nước Nga và Pháp đã đối đầu nhau gay gắt vì cuộc khủng hoảng ở Syria và việc Moskva hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Pháp cũng là một trong những nước thành viên chính của Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy thực thi chính sách trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tổng thống Pháp Macron tiếp Tổng thống Nga Putin tại lâu đài Versailles ngày 29-5.
Tổng thống Pháp Macron tiếp Tổng thống Nga Putin tại lâu đài Versailles ngày 29-5.

Bản thân tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng là người không ưa gì Nga. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Macron được cho là người có lập trường cứng rắn với Nga hơn các đối thủ chính. Ông Macron cũng từng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga nếu không có tiến triển trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk ở Ukraine.

Nhưng đó có lẽ là quan điểm cũ. Nước Pháp giờ không còn dưới quyền của ông Hollande, ông Macron cũng không còn đang tranh cử.

Sự coi trọng Nga được thể hiện trước hết qua lễ tiếp đón Tổng thống Putin của chính quyền Macron. Ngày 29-5, Tổng thống Putin được tiếp đón trọng thể tại lâu đài Versailles, biểu tượng lịch sử của nước Pháp và cũng là nơi chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại qua các đời Tổng thống Pháp.

Sau lễ tiếp đón, Tổng thống Pháp Macron và nhà lãnh đạo Nga Putin làm việc chung trong vòng 40 phút trước khi họp báo. Sau đó nguyên thủ hai nước cùng khánh thành triển lãm về Hoàng đế Nga Pierre Đệ Nhất (1672-1725), nhân kỷ niệm 300 năm vị Sa Hoàng này đến cung điện Versailles.

Báo chí Pháp cho rằng việc Tổng thống Macron mời Tổng thống Putin là một bằng chứng cụ thể cho thấy Paris đang khẳng định một chính sách đối ngoại độc lập so với các nước phương Tây khác.

Đối với tân Tổng thống Pháp, cuộc gặp với Tổng thống Nga cho phép ông khẳng định thêm uy tín trên trường quốc tế, một uy thế sẽ gia tăng thêm qua cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 3-6 tới đây.

Thực tế, cử chỉ này của Tổng thống Macron không đi ngược lại quan hệ đặc biệt vốn có giữa Paris và Moskva trong thời gian qua. Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Taomina, Sicily, Italia, ngày 27-5, Tổng thống Macron đã phải lên tiếng thừa nhận tầm quan trọng của việc đối thoại với Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng.

“Rất nhiều vấn đề quốc tế không thể được giải quyết mà không có Nga và tôi đang tìm kiếm những cuộc đối thoại với Moskva”, ông Macron cho biết. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, cộng đồng quốc tế thực sự cần sự tham gia của Nga vào việc giải quyết tình hình tại Ukraine, tại Syria.

Tổng thống Macron khẳng định cần sớm tổ chức một cuộc hội đàm của đại diện “Bộ tứ Normandy”, gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine để thảo luận tiếp về tình hình miền Đông Ukraine.

Theo giới phân tích, ông Macron đã rất thực tế khi nhìn nhận rất nhiều vấn đề quốc tế sẽ không thể được giải quyết và giải quyết có hiệu quả nếu không có Moskva, mà việc cấm vận Nga đã gây ra điều đó.

Trong khi ấy, quan hệ giữa Pháp và các đồng minh Mỹ và châu Âu cũng đang mờ nhạt. Cuộc họp với NATO và G7 của Tổng thống Trump vừa qua đã cho thấy sự rạn nứt rõ ràng giữa Mỹ và châu Âu. Các quan chức châu Âu nói các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương hiện tại không đoàn kết hơn so với thời điểm trước khi ông Trump đến, và họ tin rằng châu Âu sẽ phải hành động độc lập hơn nữa - điều mà họ đã tiên liệu sau khi ông Trump được bầu. Và đó cũng là quan điểm của phần lớn báo chí châu Âu.

Người châu Âu đã hy vọng chuyến thăm của ông Trump có thể cài đặt lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn bị xáo trộn do việc ông được bầu làm tổng thống. Họ hy vọng rằng Tổng thống Mỹ sẽ được thuyết phục và nhìn thế giới thông qua con mắt của họ nhiều hơn. Nhưng từ Brussels đến Sicily, có những nụ cười gượng gạo, những sự lúng túng, và những rạn nứt không cần che giấu về một loạt vấn đề - từ thương mại, di dân cho đến các lệnh trừng phạt đối với Nga, và biến đổi khí hậu.

Giới truyền thông châu Âu hôm 27-5 tập trung sự chú ý vào độ ngắn gọn của tuyên bố chung khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 dài 2 ngày ở Sicily. Tuyên bố chỉ dài hơn 5 trang, so với 32 trang hồi năm ngoái. Nhiều cây viết xã luận cho rằng điều này thể hiện sự thiếu đồng thuận giữa Mỹ và các thành viên G7 khác.

Việc ông Trump từ chối tái khẳng định Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm mục đích kiềm chế phát thải khí nhà kính đã trở thành các tít báo lớn liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicily. Các nhà bình luận châu Âu lưu ý rằng, nhìn chung các tư tưởng đã không tìm được nhiều điểm chung về vấn đề này.

Với các nước châu Âu khác, sau khi nước Anh rời khỏi EU, Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong EU và cũng là nước duy nhất của EU là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Đây là lợi thế rất lớn cho Pháp, song Đức đang là đầu tàu kinh tế của EU, vì vậy vị thế của Pháp trên bàn cờ chính trị thế giới sẽ không thể thay đổi, nếu không thể biến lợi thế “2 duy nhất” của mình thành ưu thế. Để làm được điều đó, Paris phải có đột phá.

Các lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung nhắc đến Biển Đông, Biển Hoa Đông.
Các lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung nhắc đến Biển Đông, Biển Hoa Đông.

Pháp nằm trong cả EU và NATO nên Paris cũng bị kiềm chế rất lớn bởi “cơ chế kép” này, khiến Paris không thể biến lợi thế thành ưu thế. Đó cũng từng được xem là lý do Pháp rời khỏi bộ chỉ huy tiền phương của NATO trong 43 năm liên tiếp.

Khi Anh bỏ cái áo khoác EU, London sẽ chủ động hơn trong khai thác mọi nguồn lực để hiện thực hóa giá trị của Brexit. Hiệu ứng tích cực từ xứ sở sương mù sẽ gây bất lợi cho cựu lục địa và nước Pháp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong EU thì bị kiềm bởi “tam đầu chế” Pháp - Đức - Italia, hướng bắc thì bất lợi từ hiệu ứng Brexit, hướng tây thì rào cản “nước Mỹ là trên hết” không dễ phá, Paris chọn “hướng đông”.

Ukraine và Syria là nơi có Pháp có thể tạo ra đột phá trong quan hệ với Nga, bởi Moskva đang đóng vai trò quan trọng trong cả hai ván cờ này. Nhưng Paris chọn đột phá vào từ vấn đề xung đột Ukraine là nhất cử lưỡng tiện.

Với Pháp là vậy nhưng báo chí cũng cho rằng chuyến đi Paris lần này cũng đem lại nhiều lợi ích cho Nga. Báo Le Figaro ra ngày 29-5 cho rằng Tổng thống Putin cũng là một lãnh đạo thực tế, biết nắm bắt tình hình để tận dụng thời cơ.

Theo tờ báo, nói gì thì nói, Nga vẫn cần châu Âu...

Trong bối cảnh đó, lời mời của ông Emmanuel Macron đến thật đúng lúc, và dù không nói ra, Tổng thống Putin đã quyết định đến Paris trong cố gắng kéo nước Nga ra khỏi tình trạng... hiện nay. Đối thoại tái lập với một trong hai đầu tàu của châu Âu là một điều kiện thuận lợi giúp Nga tháo gỡ hệ thống trừng phạt kinh tế đang làm khó kinh tế Nga của Liên minh châu Âu đối với Moskva.

G7 quan ngại tình hình tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông

Ngày 27-5, thông cáo chung của Hội nghị các nước G7 lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình tranh chấp tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời lên tiếng kêu gọi phi quân sự hóa tại những “thực thể có tranh chấp” ở hai vùng biển đó. G7 kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đàm phán ngoại giao cũng như phương thức pháp lý, bao gồm Tòa Trọng tài.

Trong cuộc họp diễn ra vào năm 2016 ở Nhật Bản, các ngoại trưởng G7 cũng bày tỏ quan điểm quan ngại về tình hình các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền. Năm nay, bản tuyên bố chung có lời lẽ mạnh bạo hơn khi đòi hỏi không được quân sự hóa các khu vực tranh chấp chủ quyền.

Trước đó vào ngày 25-5, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ USS Dewey tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải đi vào vùng 12 hải lý của đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là hoạt động tuần tra tự do hàng hải đầu tiên dưới thời của Tổng thống Donald Trump.

Động thái này được cho như là một cách thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như hoạt động xây dựng đảo nhân tạo rồi trang bị quân sự mà Bắc Kinh gấp rút tiến hành trên những thực thể tại vùng biển có tuyến đường hàng hải quan trọng đi qua.

Ngày 28-5, ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ra bản tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” tuyên bố trên của khối G7, khẳng định rằng “Bắc Kinh cam kết giải quyết tranh chấp, thắt chặt hợp tác, bảo vệ hòa bình, ổn định ở biển Hoa Đông, Biển Đông qua đối thoại và tham vấn trực tiếp với các bên liên quan”. Ông Lục Khảng đưa ra hy vọng của Bắc Kinh là nhóm các nước G7 và những quốc gia ngoài khu vực ngưng không có những nhận định bị Trung Quốc cho là vô trách nhiệm.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm