Vì sao Nga dồn lực vào ASEAN?
Cũng như nhiều cường quốc lớn trên thế giới đang chuyển hướng về Đông Nam Á, Nga không thể thờ ơ với việc hợp tác và đầu tư phát triển ơ một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.
Dưới đây là các thống kê cập nhật về hợp tác phát triển giữa Moscow và các quốc gia thành viên ASEAN hiện nay.
7. Indonesia
Là đối tác thương mại khá mạnh của Nga ở ĐNA với kim ngạch thương mại năm 2012 đạt khoảng 2,5 tỷ USD, Nga xuất chủ yếu kim loại và các sản phẩm kim loại, nhiên liệu, phân bón, đồ gỗ và nguyên liệu giấy; nhập nông sản, thực phẩm, chè, cà phê, giày da, thiết bị điện tử và kỹ thuật số.
Bất chấp vụ tai nạn hồi tháng 5/2012, hãng Sky Aviation của Indonesia đã đặt mua 12 máy bay Sukhoi Super Jet - 100 của Nga, giao hàng từ 2012 - 2015, tổng trị giá 380 triệu USD. Ngoài ra, hãng hàng không Kartika Airlines cũng định mua 30 chiếc Super Jet nhưng đang gặp khó khăn tài chính.
Năm 2008 tập đoàn Petros, chuyên cung cấp công nghệ và giải pháp khai thác dầu của Nga đã ký hợp tác với Petromina của Indonesia về thăm dò và khai thác dầu khí ở đảo Sumatra.
Mặc dù khối lượng đầu tư hiện nay giữa hai nước chỉ đạt hơn 1 triệu USD, song trong tương lai gần, con số này có thể tăng đột biến do một loạt tập đoàn lớn của Nga như: Rusal, Alfa Group, Lukoil và Altimo đang có ý định đến Indonesia đầu tư. Tập đoàn Altimo đang đấu thầu mua lại 40, 8 % tài sản của nhà mạng Indo Satte và Lukoil mua cổ phần của Petamina.
Năm 2012, tập đoàn xây dựng đường sắt Nga đã thắng thầu xây dựng hệ thống đường sắt ở Indonesia với trị giá 2,5 tỷ USD, dự liến bắt đầu khởi công vào năm 2013 với giai đoạn đầu dài 185 km. Ngoài ra, Nornikel của Nga cũng đã đàm phán xong với Nusantara Smelting Corporation xây dựng nhà máy luyện đồng trị giá 85 0 triệu USD, công suất 60 0 nghìn tấn/năm, năm 2017 sẽ đi vào sản xuất.
Về hàng không - vũ trụ: năm 2000, Nga phóng cho Indonesia vệ tinh liên lạc Gadura-1. Năm 2006 thắng thầu phóng hệ thống vệ tinh liên lạc địa tĩnh Telcom-3. Ngoài ra, liên tiếp từ năm 2000 đến nay tập đoàn Ruslan của Nga còn phóng thuê cho Indonesia nhiều vệ tinh gần trái đất từ máy bay chuyên dụng phóng vệ tinh An-124 với tổng trị giá khoảng 300 triệu USD.
Năm 2011, ngân hàng trung ương Indonesia ký hợp tác với 10 ngân hàng lớn của Nga và có tới 90 nghìn lượt khách Nga thăm Indonesia.
8. Singapore
Hợp tác kinh tế Nga – Singapore phát triển rất năng động, năm 2011 kim ngạch thương mại song phương đạt 2,2 tỷ USD, mức tăng trung bình 14%/năm, Singapore xuất siêu tuyệt đối.
Nga xuất khẩu than, dầu, nguyên liệu gỗ, một số hải sản; nhập máy móc và thiết bị, nông sản, hóa chất và khoáng sản.
Năm 2005 Temasek Holdings của Singapore và Twice Dialog của Nga thành lập quỹ đầu tư trực tiếp Russia New Growth Fund. Quỹ này mua 3,13% cổ phần của tập đoàn vận tải Fesco với giá 100 triệu USD và mua một số gói thầu của Lukoil tại Mỹ La-tinh và châu Phi.
Tập đoàn xây dựng cụm cảng hàng không Changi Airports International của Singapore trúng thầu nâng cấp sân bay quốc tế Saint-Peterburg. Liên doanh Singapore-Trung Quốc Yantai Raffles Shipyard Ltd đầu tư 300 triệu vào ngành đóng tàu ở Viễn Đông của Nga. Tập đoàn thực phẩm Food Empire Holdings Ltd hiện là doanh nghiệp sản xuất cà phê bột lớn ở Nga với khoảng 57% thị phần.
Năm 2007, tập đoàn Futurus của Nga mở đại diện “Vườn ươm doanh nghiệp” ở Singapore để hỗ trợ các tập đoàn Nga đến làm ăn. Năm 2011 tập đoàn Lukoil đặt mua của Singapore 7 tàu phá băng và chứa dầu, 2 tàu lai dắt.
Hiện hai bên đang đàm phán 10 dự án công nghệ với sự tham gia của Rus Nanotech và Inter, được chính phủ Singapore đưa vào chương trình quốc gia.
9. Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là mô hình hợp tác kinh tế với Nga sớm nhất và thành công nhất ở khu vực Đông Nam Á. Kim ngạch trao đổi song phương Việt-Nga năm 2012 đạt 3,6 tỷ USD, dự kiến nâng lên 7 tỷ USD vào năm 2015. Hợp tác kinh tế giữa hai nước được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong cơ cấu hợp tác giữa hai nước, năng lượng chiếm vị trí quan trọng. Nga và Việt Nam hiện đang hợp tác rất hiệu quả trong lĩnh vực dầu khí, với các dự án lớn như Vietsopetro, Vietgazprom và Gazpromviet, khai thác không chỉ trên thềm lục địa Việt Nam, Nga, mà còn ở nước thứ ba, hàng năm mang về nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước. Vietsopetro được Nga đánh giá là doanh nghiệp làm ăn tốt nhất ở nước ngoài trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thủy điện cũng là một thế mạnh. Nga tham gia xây dựng cho Việt Nam các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Thác Bà. Năm 2010 hai nước tiếp tục đạt được thỏa thuận Nga cấp vốn (10 tỷ USD) và tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận, Việt Nam. Dự án đang ở giai đoạn lập luận chứng kinh tế-kỹ thuật tiền khả thi, sẽ khởi công vào năm 2014 và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2018.
Cơ cấu hàng hóa xuất-nhập khẩu giữa hai nước chưa thật sự đa dạng, chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của nhau. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng giày da, may mặc, thủ công nghiệp, nông, thủy, hải sản. Nga xuất sang Việt Nam các loại hóa chất, phân bón, máy công nghiệp và thiết bị kỹ thuật dùng cho nhà máy phát điện, khai khoáng…
Hiện hai nước đang tích cực tìm kiếm hướng hợp tác mới nhằm nâng cao kim ngạch thương mại. Sau khi tổ chức thành công APEC-2012, Nga đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư châu Á đối với vùng Viễn Đông và Siberi, mở ra cơ hội hợp tác nông nghiệp, chế biến gỗ, đánh bắt thủy hải sản, đóng tàu… Việt Nam với bề dày kinh nghiệm hợp tác với Nga và tiềm năng xuất khẩu lao động to lớn có thể thành công trong lĩnh vực này.
Hai nước cũng đã đạt được thỏa thuận thành lập khu vực tự do thương mại (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh hải quan (gồm Nga, Kazhakhstan và Belarus), sẽ khởi động đàm phán vào tháng 3/2013 với mục tiêu đưa FTA chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2014 nhằm tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tận dụng tối đa thế mạnh của các nước liên quan.
Về du lịch, Việt Nam đang là điểm hấp dẫn du khách Nga với lượng khách liên tục tăng qua các năm. Năm 2012 Việt Nam đón 120 nghìn lượt du khách Nga. Các nhà doanh nghiệp Nga gần đây có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực dịch vụ nghỉ dưỡng, đặc biệt là ở các bãi biển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế thương mại Việt-Nga còn một số hạn chế như: doanh nghiệp hai nước thiếu thông tin về thị trường, pháp luật và tập quán kinh doanh của nhau, tính hấp dẫn đầu tư kém, giới doanh nhân hai bên chưa thực sự quan tâm khai thác thị trường.
Vì nhiều nguyên nhân, một số doanh nghiệp Nga không vào được thị trường Việt Nam hoặc vào được nhưng hiệu quả hoạt động kém như Rusalka, Vimpelcom, Kamaz…Các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn trên thị trường Nga mô hình còn nhỏ lẻ, tập trung vào may mặc và thực phẩm, chưa có dự án quy mô lớn xứng tầm.
10. Lào
Với dân số hơn 6 triệu người và GDP năm 2012 đạt hơn 6 tỷ USD, Lào được đánh giá là một trong những đối tác thương mại yếu nhất của Nga ở ĐNA. Kim ngạch thương mại hai nước tuy thời gian gần đây có tăng mạnh nhưng mới chỉ đạt hơn 200 triệu USD, trong đó Nga xuất siêu tuyệt đối. Hình thức hợp tác hai nước còn rất hạn chế, tập trung vào khai thác khoáng sản, một số công trình giao thông và thủy điện.
Nga quan tâm lĩnh vực khai khoáng, chế biến gỗ ở Lào song gặp phải sự cạnh tranh áp đảo từ phía các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam. Hợp tác kinh tế Nga-Lào yếu còn do quan hệ hai nước kém phát triển, trong nhiều năm nay hai nước không có chuyến thăm cấp cao lẫn nhau. Để thúc đẩy hợp tác hai nước, Nga đã mở Trung tâm văn hóa và giáo dục Nga tại Lào nhằm mở rộng hợp tác giáo dục-đào tạo, nhân văn, qua đó mở đường cho hợp tác kinh tế.
Hiện nay Lào quan tâm đến một số thiết bị quân sự, máy bay dân dụng loại nhỏ và thiết bị thi công cầu đường của Nga; tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo chuyên gia quân sự. Trong chiến lược chung của Nga tăng cường hội nhập vào các cơ cấu hợp tác hiện có ở ĐNA, hợp tác Nga-Lào có thể hi vọng sẽ có bước cải thiện song rất khó tạo ra đột phá.
Ylia Ushov, Alexandr Orlov