1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Nepal “cấm cửa” máy bay phản lực cỡ lớn?

Công tác cứu trợ hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng 7,8 độ richter ở Nepal đã phát sinh khó khăn mới khi sân bay quốc tế duy nhất của nước này bị buộc phải đóng cửa đối với các máy bay phản lực cỡ lớn.

Hàng cứu trợ vẫn chưa đến được nhiều nạn nhân của trận động đất tại Nepal
Hàng cứu trợ vẫn chưa đến được nhiều nạn nhân của trận động đất tại Nepal
 
Đường băng bị nứt

Nhà chức trách Nepal ngày  3-5 đã cấm các máy bay cỡ lớn chở hàng cứu trợ và nhân viên cứu trợ hạ cánh sau khi phát hiện các vết nứt trên đường băng được xây dựng cách đây 5 thập kỷ tại sân bay quốc tế Tribhuvan (TIA) ở ngoại ô Thủ đô Kathmandu. Theo đó, các máy bay có trọng tải hơn 196 tấn sẽ không được phép hạ cánh xuống sân bay này.

Các quan chức TIA cho hay, quyết định trên được đưa ra nhằm ngăn chặn việc đường băng bị hư hỏng thêm. “Đường băng này được thiết kế chỉ để tiếp nhận các máy bay cỡ nhỏ và vừa chứ không phải dành cho những máy bay vận tải hay quân sự cỡ lớn”, Birendra Shrestha, người quản lý sân bay quốc tế Tribhuvan nói.

Được biết, sau khi xảy ra trận động đất hôm 25-4, đã có hơn 300 chuyến bay cứu trợ hạ cánh tại TIA. Sân bay quốc tế này cũng đón 3 máy bay chở số lượng lớn hàng cứu trợ gồm máy bay Boeing 747-400 từ Israel,  Airbus A350 từ Pháp và Ilyushin Il-76 từ Ấn Độ. Mặc dù liên tiếp máy bay cỡ lớn chở hàng hóa và nhân viên cứu trợ cũng như phóng viên đổ tới Kathmandu song sân bay nhỏ ở đây chỉ đủ chỗ cho 9 máy bay và có duy nhất một đường băng. Theo ông Kai Tabacek, người phát ngôn của tổ chức từ thiện Anh, Oxfam, sân bay ở Kathmandu quá nhỏ, không thể giải quyết cùng lúc lưu lượng lớn.

Đây là lần thứ hai trong 2 năm qua TIA áp đặt lệnh cấm tương tự do các vết nứt trên đường băng. Hồi tháng 8-2013, TIA cũng yêu cầu tất cả các hãng hàng không quốc tế tìm kiếm máy bay thay thế cho loại máy bay thân rộng khi hạ cánh xuống sân bay này. Cách đây gần 1 năm, Công ty Ayesa Ingenieria của Tây Ban Nha ký hợp đồng đánh giá đường băng và đường lăn của TIA, đã đệ trình bản báo cáo xác định đường băng của TIA không đáp ứng được việc hạ cánh của loại máy bay thân rộng do lớp nhựa đường bị lão hóa, khiến bề mặt phía trên của đường băng bị nứt ra khi máy bay hạng nặng hạ cánh.

Hàng cứu trợ bị kẹt ở hải quan

Bên cạnh sự cố đường băng, vấn đề thủ tục hải quan của Nepal cũng được cho là cản trở hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ đến các nạn nhân của trận động đất. Bà Valerie Amos, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc ngày 2-5 nói rằng, Nepal cần tiến hành các thủ tục thông quan nhanh chóng và thuận tiện hơn để hàng cứu trợ được chuyển đến các nạn nhân động đất sớm hơn.

Bà Valerie cho biết, hiện còn nhiều người dân Nepal chưa nhận được đồ tiếp tế dù hàng cứu trợ đang bị tồn đọng tại sân bay Kathmandu. Bà Valerie cũng nhắc lại với Thủ tướng Nepal Sushil Koirala rằng hồi năm 2007, Nepal đã ký hiệp định áp dụng các thủ tục thông quan đơn giản và nhanh chóng cho hàng cứu trợ thảm họa.

“Thủ tướng Nepal cam kết sẽ nới lỏng các thủ tục thông quan cho hàng cứu trợ, vì vậy tôi hy vọng từ nay chúng ta sẽ thấy sự cải thiện trong các thủ tục hành chính của Nepal”, bà Valerie cho biết.

Trong khi đó, ông Jamie McGoldrick, điều phối viên của Liên hợp quốc tại Nepal nói rằng Chính phủ Nepal “không nên áp dụng các nguyên tắc hải quan thời bình” trong hoàn cảnh hiện nay. Theo ông Jamie, địa hình núi cao và mạng lưới giao thông đi lại khó khăn của Nepal cũng là một thách thức đối với hoạt động cứu trợ. Việc vận chuyển bằng trực thăng là rất hạn chế.

Theo thống kê mới nhất của Trung tâm ứng phó khẩn cấp quốc gia Nepal, số người thiệt mạng trong trận động đất đã lên tới 7.056 người. Cảnh sát Nepal  tìm thấy thêm 51 thi thể, gồm 6 người nước ngoài tại khu vực thung lũng Langtang. Số nạn nhân thiệt mạng dự kiến sẽ còn tăng khi các nhân viên cứu hộ tiếp cận được những ngôi làng hẻo lánh của quốc gia nghèo khó này.
 
Theo Hoàng Cường/PTI/AP
An ninh Thủ đô