1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao ít người Mỹ có tên trong "Hồ sơ Panama"?

Từ Nga sang Trung Quốc, đảo qua Anh, những tiết lộ trong “Hồ sơ Panama” đã và đang làm "vấy bẩn" tên tuổi hàng loạt các nhà lãnh đạo cao cấp và giới nhà giàu trên toàn cầu.

Người Mỹ thực sự vắng bóng trong“Hồ sơ Panama” hay truyền thông phương Tây cố tình làm nổi bật những tên tuổi khác?
Người Mỹ thực sự vắng bóng trong“Hồ sơ Panama” hay truyền thông phương Tây cố tình làm nổi bật những tên tuổi khác?

Điều lạ là trong danh sách được tiết lộ đó, lại vắng bóng các ông trùm và chính trị gia Mỹ. Phải chăng người Mỹ, nước Mỹ thực sự minh bạch về tài chính đến vậy?

Trong danh sách được tiết lộ, các phóng viên điều tra chỉ phát hiện có một nhúm người Mỹ, những công dân bình thường, đã chuyển một phần tài sản về các thiên đường thuế và các công ty bình phong với sự trợ giúp của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama.

Ngoài cái tên David Geffen, trùm hãng đĩa nhạc và đồng sáng lập hãng phim DreamWorks cùng với Steven Spielberg, thì không có lấy tên một con “cá lớn” nào ngang cỡ với Thủ tướng Iceland hay các cộng sự thân thiết của Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện trong vụ bê bối "Hồ sơ Panama" này.

Chẳng lẽ người Mỹ, nước Mỹ - tác nhân tài chính quan trọng trên thế giới lại rất, rất minh bạch về tài chính đến như vậy?

Câu trả lời là “Còn lâu nước Mỹ mới được như vậy”.

Theo giải thích của bà Marina Walker, Phó giám đốc của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) – tổ chức trung tâm điều phối dự án điều tra “Hồ sơ Panama” cùng tờ Suddeutsche Zeitung của Đức, “có rất nhiều người Mỹ (có tên trong Hồ sơ Panama”), nhưng họ đều là các công dân riêng lẻ”. Tuy nhiên, bà Walker khẳng định: “Nước Mỹ không hề nằm ngoài hệ thống offshore. Thậm chí còn là một tác nhân quan trọng”.

Một trong những lý do khiến người Mỹ vắng bóng trong vụ bê bối “Hồ sơ Panama” là việc các công dân Mỹ có thể do dự khi phải chuyển tài sản đến những nước xa xôi và các nước ở vùng Nam Mỹ. Trong khi mà người giàu Mỹ lại có nhiều chọn lựa ngay trong tầm tay như đảo Caiman hay đảo Virgin của Anh.

Nicholas Shaxson, tác giả cuốn sách “Treasure Islands: Tax Heavens and the Men who Stole the World” (tạm dịch: Những hòn đảo vàng bạc: Các thiên đường thuế và những người ăn cắp của thế giới) cho biết: “Người Mỹ có rất nhiều thiên đường thuế để lựa chọn”.

Thật vậy, người Mỹ không cần phải đi ra nước ngoài để che giấu tài sản và giữ bí mật về các hoạt động của mình: Họ có thể làm điều đó ngay trên chính nước Mỹ.

Nguyện vọng của họ có thể được nhiều bang tại Mỹ đáp ứng như Delaware hay Wyoming. Chỉ với vài trăm đô la, những bang đó đã có thể cho phép thành lập một công ty bình phong mà không cần xác định ai là người thụ hưởng thật sự. Và điều nghiêm trọng là các hoạt động đó được thực hiện với sự đồng lõa của nhiều ngân hàng Mỹ.

Theo bảng xếp hạng do Tax Justice Network thiết lập hàng năm, Mỹ còn dẫn trước cả Panama, xếp vị trí thứ ba các quốc gia và vùng lãnh thổ có các giao dịch tài chính mập mờ nhất thế giới.

Tuy nhiên, còn có một lý do khác giải thích cho việc có rất ít công dân Mỹ dính líu đến vụ “Hồ sơ Panama”: đó là việc trong những năm gần đây, Washington đã gia tăng đáng kể các biện pháp trừng phạt nặng trong những năm gần đây chống lại nạn gian lận và trốn thuế trắng trợn sau các vụ tai tiếng liên quan đến các ngân hàng Thụy Sỹ.

Theo ông Shaxson, kết quả là nhiều thiên đường thuế đã “hoảng sợ” khi nhận khách hàng Mỹ vì họ biết rằng Mỹ không ngần ngại trừng phạt thẳng tay. Điển hình là trong vụ tai tiếng giúp các khách hàng Mỹ trốn thuế, hai ngân hàng UBS và Credit Suisse mỗi bên lần lượt bị phạt 780 triệu và 2,6 tỷ USD.

Cuối cùng, việc có rất ít người Mỹ dính dáng đến vụ “Hồ sơ Panama” cũng làm dấy lên nhiều nghi ngờ, có thể theo “thuyết âm mưu”.

Phải chăng trong vụ này có bàn tay thao túng của tình báo Mỹ CIA nhằm gây bất ổn một số nước như lời cáo buộc của Nga?

Phải chăng, như nhận định của nhà báo kiêm chuyên gia tài chính Ernst Wolff - tác giả cuốn sách “Cường quốc thế giới IMF. Biên niên hành trình cướp bóc”: “Vụ bê bối với “Hồ sơ Panama” chẳng phải cái gì khác hơn là cố gắng của Mỹ để tự định vị nước Mỹ như một ốc đảo thiên đường thuế mới và to lớn nhất. Trong chặng dài nhiều năm Mỹ toan tính phá hoại nguyên tắc bí mật thuế của Thụy Sĩ. Và họ đã làm được việc đó. Cũng chính là điều mà Mỹ đã thực hiện với hàng loạt “thiên đường thuế”.

Trong khi đó, người Mỹ tự ban hành qui tắc bí mật ngân hàng vô hạn định. Những bang như Nevada, South Dakota, Wyoming và Delaware là ốc đảo trốn thuế tuyệt đối. Và vụ “Hồ sơ Panama” dấy lên chỉ với mục đích lái dòng chảy tài chính chuyển hướng đổ vào “thiên đường thuế” của Mỹ. Có ước tính rằng trong các công ty bình phong lưu giữ khoảng 30-40 nghìn tỷ USD. Mỹ muốn để nguồn tài chính khổng lồ này chuyển vào cho mình.”?

Tuy nhiên, bà Walker cho biết, vẫn còn rất nhiều thông tin đang được kiểm tra, xâu chuỗi trong hơn 11,5 triệu dữ liệu bị rò rỉ của “Hồ sơ Panama” và có thể sẽ phát hiện thêm nhiều cái tên Mỹ trong đó.

Theo

PetroTimes