1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Iran - Pakistan bất ngờ tấn công "ăn miếng, trả miếng"?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng việc 2 nước láng giềng Pakistan và Iran tấn công vào lãnh thổ của nhau theo kiểu "ăn miếng, trả miếng" là bất thường khi 2 bên đều có kẻ thù chung ở khu vực biên giới.

Pakistan và Iran đều đã tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau dẫn đến tình hình leo thang căng thẳng chưa từng có tiền lệ giữa 2 nước láng giềng, trong bối cảnh "chảo lửa" Trung Đông đang nóng lên dồn dập những tuần qua.

Hai nước có chung đường biên giới đầy biến động, trải dài khoảng 900km, với một bên là tỉnh Balochistan của Pakistan và một bên là tỉnh Sistan và Baluchestan của Iran.

Cả hai quốc gia từ lâu đã giao tranh với lực lượng phiến quân ở khu vực Baloch dọc biên giới chung. Vì vậy, việc 2 nước có một đối thủ chung tấn công vào lãnh thổ nhau được giới quan sát nhận định là rất bất thường.

Tấn công "ăn miếng, trả miếng"

Vì sao Iran - Pakistan bất ngờ tấn công ăn miếng, trả miếng? - 1

Khu vực biên giới Iran và Pakistan xảy ra các vụ tấn công lẫn nhau (Đồ họa: Nikkei).

Ngày 16/1, Iran đã mở cuộc tấn công vào tỉnh Balochistan của Pakistan, làm 2 trẻ em thiệt mạng và một số người khác bị thương, theo cáo buộc từ phía Islamabad.

Tehran tuyên bố họ "chỉ nhằm mục tiêu vào những kẻ khủng bố Iran trên đất Pakistan" và không có công dân Pakistan nào bị nhằm mục tiêu.

Islamabad đã chỉ trích Tehran, gọi vụ tấn công là hành vi "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tinh thần của quan hệ song phương giữa Pakistan và Iran".

Hãng thông tấn Iran Tasnim cho biết Tehran đã tấn công vào các thành trì của nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Sunni Jaish al-Adl.

Nhóm này hoạt động ở cả 2 phía biên giới Iran - Pakistan và từng nhận trách nhiệm tấn công vào các mục tiêu của Iran. Mục tiêu của nhóm này là giành độc lập cho tỉnh Sistan và Baluchestan của Iran.

Pakistan - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - có phần lớn dân số là người Hồi giáo dòng Sunni, trong khi Iran và các bên thuộc "Trục Kháng chiến" phần lớn là người Hồi giáo dòng Shia.

Hai ngày sau vụ tấn công của Tehran, Pakistan ngày 18/1 xác nhận đã "tập kích chính xác có mục tiêu cụ thể và được phối hợp chặt chẽ" nhằm vào một số nơi ẩn náu được cho là của lực lượng ly khai ở tỉnh Sistan và Baluchestan của Iran.

Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết một số thành viên của lực lượng ly khai đã bị tiêu diệt. Chính quyền Iran thông báo ít nhất 9 người đã thiệt mạng, trong đó 3 phụ nữ và 4 trẻ em.

Pakistan nhiều năm qua cho rằng, lực lượng ly khai nước này đã có "nơi trú ẩn an toàn" ở Iran. Vì vậy, Pakistan buộc phải tự giải quyết vấn đề bằng các cuộc tấn công hôm nay.

Người Baloch sống ở khu vực giao nhau giữa Pakistan, Afghanistan và Iran. Nhiều người trong số họ từ lâu đã mong muốn có độc lập và muốn ly khai cả Iran và Pakistan. Đã có rất nhiều cuộc nổi dậy do người Baloch thực hiện trong nhiều năm qua.

Khu vực họ sinh sống cũng rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng những người theo chủ nghĩa ly khai Baloch cho rằng họ không được hưởng lợi từ những điều này.

Balochistan, tỉnh có diện tích lớn nhất Pakistan, đã chứng kiến một loạt vụ tấn công chết người trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập niên của những người theo chủ nghĩa ly khai.

Iran cũng đã phải đối mặt với hàng loạt cuộc nổi dậy từ các nhóm thiểu số người Kurd, Ả-rập và Baloch.

Jaish al-Adl chỉ là một trong nhiều nhóm ly khai hoạt động ở Iran. Nhóm này thường nhắm vào các nhân viên an ninh Iran, quan chức chính phủ và thường dân Hồi giáo dòng Shia.

Tính toán của các bên

Vì sao Iran - Pakistan bất ngờ tấn công ăn miếng, trả miếng? - 2

Lực lượng an ninh Pakistan tuần tra ở Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan sau các cuộc tấn công của Iran (Ảnh: EPA).

Cuộc chiến chống lại phe ly khai của Pakistan và Iran đã diễn ra trong nhiều năm ở biên giới 2 nước và không phải là điều mới. Hai nước cũng từng nhiều lần cáo buộc phía còn lại chưa mạnh tay với các nhóm phiến quân đe dọa tới an ninh của nước láng giềng. 

Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn cả là việc 2 bên sẵn sàng tấn công vào lãnh thổ phía còn lại mà không thông báo cho nhau trước. Điều này gây ra rủi ro căng thẳng giữa 2 bên leo thang.

Ngoài ra, Ejaz Haider, một nhà phân tích chính trị ở Pakistan, cho biết cuộc tấn công của Iran là thực sự gây bất ngờ, xét trên tình hình hiện tại ở Trung Đông.

"Khi chiến sự ở Gaza chưa hạ nhiệt và Hezbollah và Houthi - cả 2 đều là lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Trung Đông - đang đối đầu với Israel và phương Tây, thì việc Tehran mở mặt trận ở phía đông với Pakistan là không có ý nghĩa chiến lược và không hợp lý", ông nhận định. 

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng các cuộc không kích của Tehran vào Pakistan có thể là một phần trong chuỗi trả đũa sau vụ tấn công của ISIS-K hôm 3/1 làm 90 người Iran thiệt mạng. 

Trước khi tấn công vào mục tiêu ở Pakistan, Iran đã tập kích vào nơi mà họ tuyên bố là căn cứ gián điệp của cơ quan tình báo Mossad của Israel ở miền bắc Iraq và vào "các nhóm khủng bố chống Iran" ở Syria.

Fakhar Kakakhel, một nhà phân tích an ninh, cho rằng có thể có sự hợp tác hoạt động giữa ISIS-K và Jaish al-Adl, vì cả hai nhóm đều có chung hệ tư tưởng chống Iran.

"Jaish al-Adl có thể đã tạo điều kiện cho một phần tử ISIS-K vào Iran để thực hiện vụ đánh bom tự sát", ông nhận định.

Các cuộc không kích cũng có thể là tín hiệu để Pakistan phải hành động quyết liệt hơn nữa để kiểm soát các nhóm chiến binh trong lãnh thổ.

Adam Weinstein, phó giám đốc chương trình Trung Đông của Viện Quincy, cho biết: "Thông điệp của Iran gửi tới quân đội Pakistan rất rõ ràng là hãy xử lý mối đe dọa trong biên giới của bạn, nếu không chúng tôi sẽ tự làm điều đó".

Pakistan đã có động thái đáp trả.

Theo Al Jazeera, cuộc tập kích ngày 18/1 là vụ tấn công tên lửa đầu tiên nhằm vào lãnh thổ Iran kể từ khi Chiến tranh Iran-Iraq năm 1988 kết thúc.

Việc Pakistan trả đũa dường như phản ánh áp lực của phía Islamabad trong nỗ lực ngăn chặn các mối đe dọa an ninh khi bầu cử sắp tới gần. 

Ông Weinstein nói: "Những cuộc tấn công này của Iran cho thấy Pakistan đang đối diện với áp lực lớn. Họ trong tình trạng căng thẳng lâu năm ở biên giới với Ấn Độ. Họ cũng có biên giới đầy biến động với Afghanistan và giờ đây là biên giới khá căng thẳng với Iran". 

Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp?

Vì sao Iran - Pakistan bất ngờ tấn công ăn miếng, trả miếng? - 3

Tên lửa của Pakistan (Ảnh: The Diplomat).

Các cuộc tấn công của Iran hôm 16/1 đã gây ra một cuộc đối đầu về ngoại giao, với việc Pakistan triệu hồi đại sứ ở Iran về nước và đình chỉ tất cả các chuyến thăm cấp cao từ nước láng giềng.

Và sau cuộc tấn công của Pakistan, Iran hôm nay đã yêu cầu nước láng giềng đưa ra "lời giải thích ngay lập tức", Tasmin đưa tin.

Các quốc gia lân cận đã lên tiếng, trong đó Ấn Độ nói rằng họ "không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố" và rằng vụ tấn công là "vấn đề giữa Iran và Pakistan". Trung Quốc kêu gọi cả hai nước kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng hơn nữa.

Hôm 17/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matt Miller cho biết Washington đang nỗ lực ngăn chặn Trung Đông bùng phát thành xung đột toàn diện.

"Chúng tôi đã thấy Iran vi phạm biên giới chủ quyền của 3 nước láng giềng chỉ trong vài ngày qua", ông nói, đề cập đến Pakistan, Iraq và Syria.

Cuộc tấn công hôm nay của Pakistan vào lãnh thổ Iran cho thấy Islamabad đã quyết định đáp trả Tehran không chỉ bằng những động thái ngoại giao. Giới quan sát cho biết, chưa thể dự đoán chính xác nước đi kế tiếp của 2 nước sẽ là gì. 

Tuy nhiên, các thông điệp từ Iran và Pakistan cho thấy 2 nước dường như không muốn tình hình leo thang vượt tầm kiểm soát.

Bộ Ngoại giao Pakistan gọi Iran là "quốc gia anh em" và nhấn mạnh sự cần thiết phải "tìm giải pháp chung". Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã gọi Pakistan là "quốc gia thân thiện".

Đại diện cả 2 nước đều tuyên bố tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của bên còn lại. 

Theo Al Jazeera, Nikkei, Guardian