Venezuela: Thế bấp bênh như đi trên dây sau bầu cử Quốc hội
(Dân trí) - Thất bại lịch sử của ‘‘chủ nghĩa Chavez” đã được đa số cử tri Venezuela làm nên khi dùng lá phiếu để bày tỏ phản ứng với đương kim Tổng thống Maduro, mở ra một thời kỳ bấp bênh như đi trên dây với Venezuela.
Le Monde ngày 8/12 ghi nhận, tại đất nước bị chia rẽ trầm trọng trong vòng 15 năm qua giữa một bên là phe chống và bên kia là phe trung thành với cố Tổng thống Hugo Chavez này, Liên minh cánh hữu đối lập do ông Henrique Capriles lãnh đạo tuy giành thắng lợi lớn, nhưng sẽ buộc phải ‘‘sống chung’’ với một vị Tổng thống cánh tả là ông Nicolás Maduro.
Trong trường hợp giành được hai phần ba số ghế (112 trên 167 ghế trong quốc hội ), thì cánh hữu có quyền tổ chức trưng cầu dân ý đòi phế truất Tổng thống hoặc tiến hành cải tổ Hiến pháp kể từ tháng 4/2016. Điều này có nguy cơ dẫn tới đối đầu giữa phe chống đối và phe ủng hộ "chủ nghĩa Chavez".
Theo báo Libération, sở dĩ cánh tả cầm quyền bị thất bại nặng nề trước hết là vì đương kim Tổng thống Maduro bị cho là “bất tài” trong trách nhiệm điều hành khiến cho nền kinh tế Venezuela kiệt quệ tới mức như con bệnh đang hấp hối.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, ông Maduro đã dần đánh mất lòng tin của cử tri Venezuela bởi “nói nhiều hơn làm”. Ông Maduro còn bị phản ứng bởi những phát biểu mà theo Libération là không xứng tầm với một nhân vật lãnh đạo.
Trên các mạng xã hội, rất nhiều tuyên bố của ông Maduro bị giới trẻ nhại lại và bị gọi là ‘‘trò hề’’. Ông Maduro ngày càng bị cô lập, không đưa ra được những quyết định sáng suốt để chấn chỉnh kinh tế Venezuela, cho nên trong mắt của nhiều bộ phận cử tri, ông là một nhà lãnh đạo kém cỏi, không đủ bản lĩnh để cầm cân nảy mực, chèo lái con tàu đất nước.
Khủng hoảng kinh tế triền miên chính là nguyên nhân hàng đầu lý giải cho thất bại của ông Maduro cũng như của cánh tả trung thành với cố Tổng thống Chavez. Tuy nhiên, theo nhà phân tích kinh tế Rafael Macquae, cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ năm 2010, tức là dưới thời ông Chavez, vậy nên dù có đưa ra bản ‘‘luận tội’’ thì người ta cũng không thể đổ hết mọi trách nhiệm lên cá nhân ông Maduro.
Cũng về điểm này, theo phân tích của nhật báo Le Figaro, cỗ máy kinh tế Venezuela đang trên đà tuột dốc không phanh. Năm qua tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Venezuela đã giảm gần 5% và năm nay vẫn tiếp tục giảm mạnh, mất đến 10%. Lạm phát phi mã lên tới 80% mà đó là tỷ lệ chính thức, tức là chỉ bằng một nửa so với dự đoán của các chuyên gia.
Giá sinh hoạt không ngừng leo thang trong khi các nhu yếu phẩm ngày càng khan hiếm, giá trị đồng tiền (bolivar) “tan như băng tuyết dưới ánh nắng mặt trời”. Ngành sản xuất dầu mỏ, nguồn thu nhập chính của Venezuela cũng lao đao, khốn đốn. Kể từ khi giá dầu thế giới không ngừng tụt giảm xuống tới 42 USD/ thùng, tức là mức thấp nhất kể từ 7 năm qua, kinh tế Venezuela liên tục bị chấn động mạnh (để có lãi, Venezuela cần xuất khẩu dầu hỏa ở mức giá tối thiểu là 80 USD).
Trong phát biểu tuần qua, Bộ trưởng Năng lượng Venezuela đã cảnh báo rằng nếu cứ theo đà này, Caracas sẽ không còn khả năng thanh toán, kinh tế Venezuela đứng trước nguy cơ bị phá sản. Sở dĩ Caracas còn cầm cự được cho tới giờ là nhờ vào khoản 60 tỉ USD vay của Trung Quốc.
Nhưng vấn đề lớn được quan tâm nhất hiện nay là sau khi giành thắng lợi bầu cử, liệu cánh hữu có đề xuất được những biện pháp thích đáng để chấn chỉnh nền kinh tế không? Nếu không đề xuất kịp thời thì theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Venezuela sẽ lâm vào suy thoái trầm trọng, khó mà vực dậy nổi trước năm 2019.
Thách thức lớn trước mắt nữa của Venezuela là giả sử như phải sống chung, thì hai cánh tả - hữu phải gạt qua một bên mọi bất đồng để cùng đối phó với những nguy cơ đang đe dọa nền kinh tế nước này. Liên minh cánh hữu Venezuela sẽ buộc phải xắn tay áo lên hành động thay vì đổ trách nhiệm cho người lãnh đạo đất nước.
Quý Cao
(Tổng hợp từ báo chí Pháp)