1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vatican và một tuần đầy rối ren

(Dân trí) - Vatican đang đối mặt với vụ bê bối ngày càng nghiêm trọng khi chỉ trong một tuần ngắn phải chứng kiến quản gia của Giáo hoàng Benedict bị bắt, chủ tịch ngân hàng Vatican bị sa thải và một cuốn sách mới lên kệ, hé lộ những âm mưu, đấu đá giữa các hồng y.

Vatican và một tuần đầy rối ren
Quản gia của Đức Giáo Hoàng Paolo Gabriele (dưới, bên trái)
 

Hôm qua là ngày chủ nhật đầy khó khăn của Giáo hoàng, khi ông tổ chức buổi lễ cho công chúng ở nhà thờ thánh St Peter vào ngày được cho là sinh nhật của Chúa. Bởi một ngày trước, thứ bảy, người quản gia riêng của ông, Paolo Gabriele, 46 tuổi, chính thức bị buộc tội ăn cắp tài liệu mật của Giáo hoàng trong vụ bê bối được xem là “Vatileaks” (Ám chỉ đến vụ tiết lộ hàng loạt bí mật quốc gia, đặc biệt là của chính phủ Mỹ, của trang web WikiLeaks hồi năm ngoái). Một số tài liệu tiết lộ về mối quan hệ và tình trạng tham nhũng liên quan đến các hợp đồng với các công ty Italia.

 

Việc bắt giữ quản gia Paolo Gabriele, người làm việc cho Giáo hoàng từ năm 2006 và là một trong số ít người phục vụ riêng cho Ðức Giáo Hoàng, đánh dấu một trong những tuần lễ rối ren nhất cho Tòa Thánh Vatican trong lịch sử hiện đại. Ðiều này cũng khiến Vatican gặp khó khăn trong nỗ lực chứng tỏ cho thế giới thấy họ đang đi theo các quy luật quốc tế về minh bạch tài chính.

 

Vụ khủng hoảng khởi sự với việc phát hành tuần qua của một cuốn sách trong đó tiết lộ các văn kiện mật của Vatican kể cả thư từ, giấy tờ qua lại giữa Ðức Giáo Hoàng và người thư ký riêng của ngài. Vụ này lên cao điểm hôm thứ năm khi chủ tịch Ngân Hàng Vatican bị giải nhiệm. Và sang đến ngày thứ bảy có sự xác nhận rằng chính quản gia của Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI là người chuyển các tài liệu mật cho báo chí Italia nhằm hạ uy tín của người phụ tá thứ nhì của Ðức Giáo Hoàng.

 

Quản gia Paolo Gabriele, 46 tuổi, hiện đang bị giam trong Vatican kể từ hôm thứ tư sau khi các điều tra viên của Vatican tìm thấy tài liệu của Tòa Thánh trong căn hộ của ông. Các tài liệu mật chứa đựng những cáo buộc về những bê bối tài chính của Tòa Thánh, tập trung quanh các hoạt động của Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Bộ trưởng Ngoại giao của Vatican.


Đức Giáo Hoàng đã ra lệnh mở một lúc nhiều cuộc điều tra về vụ rò rỉ thông tin mà trong những ngày qua đã được chú ý hơn sau sự xuất bản của cuốn sách "His Holiness, Đức Thánh Cha", của tác giả Gianluigi Nuzzi.  Trong sách có sao chép một số thư từ và tài liệu mật, trích các nguồn tin không nêu danh tính từ những người tố giác bên trong điện Vatican.

 

Sự minh bạch trong ngân hàng hay đấu đá quyền lực?

 

Ngày 24/5/2012 vừa qua, ủy Ban điều hành của cơ quan Viện Giáo Vụ (IOR – Istituto per le Opere Religiose), mà thực chất là Ngân hàng của Tòa Thánh Vatican, đã chính thức quyết định bãi nhiệm chức giám đốc của ông Ettore Gotti Tedeschi với những lý do như ông “đã không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, hoặc có những “hành vi thất thường và sai trái”, hay “tập trung thái quá vào tay các chính sách quản lý”, và “không có khả năng thu thập thông tin về các họat động của ngân hàng để bảo vệ cho chính ngân hàng”.

 

Theo tin báo chí Italia, quyết định bãi nhiệm giám đốc của ông Ettore Gotti Tedeschi được coi như là cao điểm cuối cùng của một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Tòa Thánh Vatican trong quá trình tìm cách áp dụng các uy luật tài chính của châu Âu trong chính sách nhằm phòng chống các hoạt động rửa tiền của các ngân hàng.

 

Trong thời gian gần đây, Jp Morgan, một trong những tập đoàn hoạt động tài chính hàng đầu trên thế giới, đã tuyên bố đóng cửa tất cả các “tài khoản” với IOR vì cho rằng IOR đã trở thành một “đối tác có quá nhiều khả năng rủi ro”. Và cũng như báo chí loan tin, vào khoảng tháng 3 năm nay, chính Tòa án Roma đã mở một số điều tra về các hoạt động của ngân hàng IOR bị nghi ngờ là có vi phạm các điều luật phòng chống rửa tiền.

 

Thậm chí, hồi tháng 9/2010, Tòa án Roma cũng đã quyết định cho tịch biên 23 triệu Euro nằm trong một tài khoảng của một chi nhánh của một ngân hàng Italia là “Credito Artigiano” vì số tiền này đã đang sắp được chuyển đến ngân hàng Jp Morgan Frankfurt và một ngân hàng Italia khác là “Banca del Fucino”. Theo điều tra của Tòa án Roma thì tài khoảng nói trên đều nằm trong tay của IOR, nhưng IOR không có khả năng làm sáng tỏ nguồn gốc của số tiền này từ đâu đến. Chính trong vụ điều tra này, giám đốc IOR lúc đó là Gotti Tedeschi cũng bị ghi tên vào danh sách những nghi phạm.

 

Hiện na, vẫn theo tin báo chí Italia, đang có nhiều vụ điều tra trên số lượng tiền vài trăm triệu Euro bị tình nghi là đã được “sử dụng một cách không phù hợp với các nguyên tắc của Viện Giáo Vụ”, đặc biệt là Tòa án Milano bắt đầu điều tra về những quan hệ giữa Cơ sở Y tế San Raffaele và Ngân hàng của Vatican.

 

Cơ sở Y tế San Raffaele gần đây đã được báo chí nhắc đến với những vụ bê bối về quản trị tài chính của cố đạo Don Verzé, người đã sáng lập ra San Raffaele, rất gần gủi với cựu thủ tướng Italia Silvio Berlusconi. Don Verrzé vừa mới đột ngột từ trần hồi cuối năm 2011, do đó, các vụ điều tra về bê bối tài chính lại càng thêm khó khăn.

 

Được biết, chính Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh của Tòa Thánh, năm 2008 đã đề nghị đưa ông Gotti Tedeschi vào làm giám đốc Ngân hàng IOR .... Song sau đó, quan hệ giữa ông Tarcisio Bertone và ông Gotti Tedeschi có vấn đề, nhất là từ khi chính ông Bertone tìm cách cứu vãn Cơ sở Y tế San Raffaele đang trên đường phá sản ... thì ông Gotti Tedeschi lại có những thái độ chống lại quyết định của ông Bertone và cuối cùng là kế hoạch cứu San Raffaele đã không thành.

 

Vào cuối năm 2010, khi các điều lệ về quản lý tài chính được thỏa thuận giữa Tòa Thánh Vatican và Hội Đồng Châu Âu bắt đầu trở nên có hiệu lực, thì Ngân hàng IOR bắt đầu phải có quy trình thay đổi phương cách quản trị cho phù hợp với quy định quốc tế về biện pháp phòng chống rửa tiền, còn được gọi là Moneyval.

 

Hiện nay Ngân hàng IOR của Tòa Thánh không được xếp vào danh sách “Bạch thư” (White list), tức là danh sách của những ngân hàng được Hội Đồng Châu Âu đánh giá có tiêu chuẩn quản trị phù hợp với chính sách phòng chống rửa tiền Moneyval. Và cũng theo lịch trình thì đến tháng 7 sắp tới, Hội Đồng Châu Âu sẽ phải tuyên bố quyết định có đưa IOR vào danh sách “Bạch thư” hay không ... Và chính đây là lý do khiến ông Gotti Tedeschi đã bắt đầu có vấn đề trong ngân hàng của Tòa Thánh.

 

Tin về bãi nhiệm của giám đốc Ngân hàng Tòa Thánh Vatican chưa ráo mực ... thì ngày hôm sau 25/5/2012, báo chí lại đưa tin lực lượng cảnh sát của Tòa Thánh Vatican đã ra lệnh bắt giam ông Paolo Gabriele, người “hầu cận” của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI, vì bị tình nghi làm “nội gián” với các hoạt động nhằm tẩu tán ra ngoài các văn kiện “bí mật nhà nước” Vatican.

 

Nhưng, theo các nhà quan sát am tường thế giới Vatican, người ta nghi rằng ông Paolo Gabriele chỉ là một con “cá bé”, chỉ là “tay sai” của một nhóm người nào đó cao cấp trong hàng giáo phẩm đang tìm cách nói xấu Đức Giáo Hoàng nói riêng, Tòa Thánh nói chung trong một chiến dịch đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Tòa Thánh. Nhưng đây là điều mà chính các cơ quan điều tra của Tòa Thánh cũng vẫn chưa có khả năng làm sáng tỏ.

 

Hồng y có tiếng Martini, người đã có bài viết trên một tờ báo của Italia, cho rằng Giáo hoàng đã bị “phản bội” giống như Chúa Jesus đã bị phản bội 2.000 năm trước và Tòa Thánh sẽ phải đứng dậy từ vụ bê bối mới nhất này để trở nên trong sạch hơn, mạnh mẹ hơn.

 

Và dĩ nhiên ít người tin rằng Gabriele, một người nhút nhát, kín đáo, lại có thể hành động một mình. “Hoặc là ông ấy mất trí hoặc đây là một cái bẫy”, một người bạn của ông Gabriele tại Vatican cho biết trên tờ báo Italia La Stampa. “Ai thuyết phục ông ấy làm điều này là phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất, bởi ông ta đã điều khiển một con người đơn giản”.

 

Giáo hoàng không đưa ra bình luận gì trong hai lần xuất hiện trước công chúng vào hôm chủ nhật về vụ bắt giữ mới đây. Phụ tá của Giáo hoàng chỉ cho biết ông “rất buồn và đau lòng” vì những gì đã xảy ra.

 

Vũ Quý

Theo AFP, Reuters, AP