1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Câu chuyện quốc tế:

“Vật cản lớn” trước cuộc đua

Tờ Thời báo New York mới đây đã tiết lộ nội dung gần 350 bức thư điện tử của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, trong đó có một số chi tiết nhạy cảm được cho là có thể ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của bà vào năm 2016...

Có vẻ như các đối thủ chính trị của bà Hillary không thể chờ tới lúc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố toàn bộ dữ liệu thư điện tử cá nhân mà bà đã sử dụng trong thời gian đương nhiệm (2009-2013) theo yêu cầu của tòa án.
 
Các thư điện tử được tiết lộ ở trên phần lớn liên quan tới các chiến dịch của Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya, nơi xảy ra vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ khiến đại sứ và ba nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng hồi năm 2012.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến sẽ công bố khoảng 850 trang thư điện tử được bà Hillary trao đổi và đây cũng là những tài liệu từng được gửi cho ban điều tra vụ tấn công tại Benghazi của Quốc hội. Tuy nhiên, tờ Thời báo New York đã công bố trước 1/3 trong số các thư điện tử này, cũng là những thư mà bà Hillary sử dụng địa chỉ cá nhân để trao đổi mà không dùng tài khoản của Bộ Ngoại giao.
 
Vụ bê bối thư điện tử được cho là một trong những phần gây nhiều tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ của cựu nữ ngoại trưởng Mỹ.

“Vật cản lớn” trước cuộc đua
Bà Hillary trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về vụ tấn công ở Benghazi. (Ảnh: Washington Post)
 
Gần 350 trang thư điện tử cho thấy các phản ứng của bà Hillary, đội ngũ nhân viên và mạng lưới các cố vấn không chính thức của bà đối với sự kiện ở Benghazi. Đây là những thư điện tử được bà trao đổi sau khi xảy ra vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi.
 
Việc bà Hillary sử dụng địa chỉ cá nhân để gửi các bức thư này gây ra mối quan ngại rằng các tin tặc nước ngoài có thể xâm nhập và lấy cắp các thông tin trong đó. Các thư điện tử của bà Hillary được cho là không chứa các thông tin mật nhưng bị cho là có các chi tiết an ninh “nhạy cảm” về tình hình đang xấu đi ở Libya, trong đó bao gồm những chi tiết về nơi ở các quan chức Ngoại giao Mỹ ở Libya trong thời kỳ bất ổn năm 2011 của nước này.

Trên thực tế, một tin tặc người Rumani có bí danh trên mạng là Guccifer đã “hỏi thăm” tài khoản của cố vấn Sidney.Blumenthal và sau đó nội dung một số bức thư của ông này gửi tới bà Hillary đã được phơi bày trên mạng năm 2013. Ngoài ra, tin tặc Guccifer cũng đột nhập tài khoản thư điện tử của cựu Tổng thống Mỹ G. Bush, cựu Ngoại trưởng Colin Powell và một số quan chức cao cấp khác ở Washington.

Đáng chú ý, các bức thư được tiết lộ cho thấy cựu nữ ngoại trưởng Mỹ đã trao đổi rất nhiều thư với người cố vấn thân thiết của mình là Blumenthal, trong đó có hai thư được gửi đi 1 đến 2 ngày sau khi xảy ra vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi.
 
Trong thư điện tử gửi đi ngày 12-9, cố vấn Blumenthal nhắc tới giả thuyết mà các quan chức an ninh cao cấp của Libya cho rằng, vụ tấn công có thể bắt nguồn từ một đoạn video phát đi từ Mỹ được tung lên mạng bị những tín đồ sùng đạo Libya cho là báng bổ nhà tiên tri Mohammed đáng kính của người Hồi giáo. Nhưng trong một thư điện tử khác gửi vào ngày kế tiếp, chính Blumenthal đã bác bỏ giả thuyết trước và cho biết, các quan chức Libya cho rằng những kẻ tấn công thực chất đã lên kế hoạch cho âm mưu của chúng từ trước và lợi dụng cuộc biểu tình phản đối đoạn video nói trên để che đậy hành vi tấn công.

Theo AP, bà Hillary đã nhận được nhiều thư trong cả tháng trời về tình hình hỗn loạn gia tăng ở Libya từ Blumenthal. Nhưng điều đáng nói là Blumenthal đã bị Nhà Trắng cấm làm việc cho ngoại trưởng Hillary với vai trò một nhân viên của chính phủ. Nguyên nhân được cho là Blumenthal từng tung ra các đòn tấn công chống lại ông B.Obama trong cuộc chạy đua bầu chọn ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ năm 2008. Chính vì thế, các quan chức chính quyền Tổng thống B.Obama lo ngại việc này sẽ gây tâm lý không thoải mái và chia rẽ giữa các thành viên trong ê kíp mới ở Nhà Trắng. Vì vậy, nỗ lực ngay từ đầu nhằm thuê Blumenthal làm việc cho mình của bà Hillari đều không thành công.

S. Blumenthal, ngoài việc là một cố vấn không chính thức cho bà Hillary, còn là một người bạn lâu năm của gia đình Clinton. Các bức thư điện tử trao đổi giữa hai người cho thấy Blumenthal từng làm việc cho quỹ gia đình Clinton và tư vấn cho một nhóm các doanh nghiệp đang cố gắng giành lấy các hợp đồng kinh doanh béo bở từ chính phủ chuyển tiếp Libya. Các thông tin mà Blumenthal cung cấp thường được bà Hillary chuyển tiếp cho các trợ lý của mình ở Bộ Ngoại giao.

Nội dung các thư điện tử của cố vấn Blumenthal hiện đang nằm trong cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ về vụ tấn công lãnh sự quán ở Benghazdi.

Rắc rối với bà Hillary không chỉ ở chỗ cố tình hợp tác với một nhân vật đã bị Nhà Trắng từ chối hay cách thức sử dụng thư điện tử không đúng quy định. Nghiêm trọng hơn, nội dung các thư điện tử mà bà trao đổi với cố vấn không chính thức của mình đặt ra một câu hỏi, liệu bà có liên quan như thế nào đến nguồn tin tình báo bí mật của Mỹ về cuộc khủng hoảng ở Libya và các vấn đề chính sách đối ngoại khác của Washington.
 
Trong đó, đáng chú ý là bà đã trao đổi với cố vấn Blumenthal về chiến lược giúp phiến quân lật đổ nhà lãnh đạo Libya, M.Gaddafi năm 2011. Trong một bức thư gửi cho Blumenthal, bà Hillary đã viết: “Nên cân nhắc ý tưởng dùng các chuyên gia an ninh tư nhân để hỗ trợ cho phe đối lập”.

Ông John P. Hackett, người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của Đạo luật Tự do thông tin của Mỹ cho biết, sau khi xem xét các bức thư, Bộ Ngoại giao sẽ công bố một phần trong số 55.000 trang trên trang web của Bộ Ngoại giao. Việc xem xét sẽ kéo dài đến cuối năm nay và đã đề nghị Tòa án cho thời hạn đến ngày 15-1-2016. Đó là thời điểm trước cuộc họp kín tại Iowa vài tuần và tiếp sau đó sẽ diễn ra các cuộc bầu cử Tổng thống sơ bộ.

Chính vì thế, bà Hillary muốn Bộ Ngoại giao công bố nội dung các thư điện tử càng sớm càng tốt để tránh vào thời điểm quan trọng, vụ việc này vẫn chưa kết thúc làm ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử.
 
Với bà Hillary, liên quan tới vụ tấn công ở Benghazi đã có quá đủ rắc rối khi phải đối mặt với lời chỉ trích khó nghe rằng bà đã xử lý không thích hợp trong vụ việc này trong vai trò ngoại trưởng.
 
Theo Mai Nguyên
Quân đội Nhân dân