Trung Đông sau sự ra đời của chính phủ Palestine mới
Vẫn là chuyện của Hamas và Israel
(Dân trí) - Hai đảng chính ở Palestine là Fatah và Hamas đã nhất trí thành lập một chính phủ đoàn kết, nhưng cái hy vọng rằng chính phủ này sẽ giúp thay đổi được quan hệ của họ với Israel và các các cường quốc xem ra vẫn hão huyền.
Bốn tháng sau khi đề xuất được đưa ra, Hamas, nhóm đang điều hành Chính quyền Palestine (PA) và Fatah, nhóm đã từng điều hành cơ quan trên, đã nhất trí thành lập một chính phủ thống nhất. Thỏa thuận mà hai bên đạt được hôm 11/9 này không bao gồm một số chi tiết quan trọng, chẳng hạn như ai sẽ giữ cương vị nào.
Nhưng cương lĩnh của chính phủ mới này sẽ dựa trên hai văn kiện: văn kiện thứ nhất là "sáng kiến các tù nhân", do một nhóm tù nhân của cả hai nhóm bị Israel giam giữ ký hồi tháng 5/2006; văn kiện thứ hai là thỏa thuận của Liên đoàn Ảrập (AL) đạt được hồi năm 2002. Người dân Palestine đang nuôi hy vọng chính phủ thống nhất này sẽ phá vỡ phong tỏa kinh tế mà phương Tây đã áp đặt đối với PA kể từ khi Hamas nắm quyền điều hành cơ quan này từ tháng 3/2006.
Vậy điều gì là mới ở đây? Các nhà tài trợ từ bỏ việc phong tỏa kinh tế dù Hamas sẽ không thừa nhận Israel một cách công khai, giải thích rằng chỉ có như vậy Hamas mới tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài với Israel và sau đó đưa ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình lâu dài ra trưng cầu ý kiến người dân Palestine. "Sáng kiến tù nhân" dường như bao gồm cả việc ngầm thừa nhận Israel, bởi theo đó Hamas sẽ thừa nhận quyền lực của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cơ quan đã ký tất cả các hiệp định với Israel.
Trong khi đó, sáng kiến của AL lại kêu gọi toàn bộ các nước trong khu vực bình thường hóa quan hệ với Israel theo những điều kiện nhất định: Israel phải rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này đã chiếm đóng vào năm 1967- Bờ Tây, Gaza và Cao nguyên Golan của Syria.
Điều này thực sự đánh dấu một sự thay đổi nhẹ nhàng. Tuy nhiên, Hamas, đang cố gắng giữ lấy thể diện, nói rằng điều này sẽ chỉ là chính sách của chính phủ đoàn kết - nơi Ismail Haniyeh, một người của Hamas giữ cương vị thủ tướng- chứ không phải là chính sách của đảng này. Xét cho cùng lập luận của Hamas không có gì là mới, đảng Likud, đảng cầm quyền tại Israel vào cuối những năm của thập kỷ 1990, đã tuyên bố chấp nhận tiến trình hòa bình Oslo, mặc dù hiến chương của đảng này vẫn kêu gọi giữ lại toàn bộ các vùng lãnh thổ mà Israel đang chiếm đóng.
Tất nhiên, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Israel và các đồng minh của nước này lập luận rằng quan điểm của Hamas vẫn chẳng thay đổi là bao. Chắc chắn Israel sẽ đòi Hamas phải thay đổi hiến chương của nhóm này với điều khoản tiêu diệt Israel, và thừa nhận nhà nước Do Thái một cách vô điều kiện. Hamas cũng cần phải từ bỏ việc sử dụng bạo lực và tôn trọng tất cả các hiệp định mà PA đã ký Israel. (Dĩ nhiên Hamas sẽ đập lại rằng Israel vẫn sử dụng bạo lực chống lại người Palestine và không tôn trọng các hiệp định đã ký trước đó).
Trên thực tế, Israel đã đi xa hơn nhiều. Ngoại trưởng Israel Tzipi Livni mới đây đã nói rằng nếu Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, người của Fatah, "tham gia vào chính phủ khủng bố của Hamas, tôi sợ rằng chúng tôi sẽ có vấn đề".
Israel cũng có nhiều ngần ngại với sáng kiến của AL. Israel đã từng nói rằng nước này sẽ không rút về các biên giới trước năm 1967 xung quanh Bờ Tây mặc dù họ có thể đồng ý các cuộc đổi đất để chấm dứt bất đồng. Israel cũng lo ngại về bất cứ sự đề cập nào tới giải pháp cho hàng triệu người tị nạn Palestine và hậu duệ của họ. AL cho biết một giải pháp như vậy phải được "nhất trí" trước, tuy nhiên viễn cảnh về một giải pháp như vậy dường như còn lâu mới xuất hiện. Cuối cùng, sau cuộc chiến chống Hezbollah không thành công gần đây, Israel hiện không sẵn sàng về mặt chính trị để có thể trả lại cao nguyên Golan có vị trí chiến lược cho Syria, một trong những nước ủng hộ Hezbollah.
Việc "chẻ tư ngọn tóc" xem liệu lập trường của Hamas rốt cuộc có ngầm thừa nhận Israel hay không chẳng qua chỉ để che đậy một câu hỏi đơn giản về sự thiện chí. "Bất cứ chính phủ nào tại Israel muốn đàm phán sẽ nói rằng ở đây có cơ sở để đàm phán; ngược lại, nếu không muốn đàm phán họ sẽ bác bỏ nó". Vấn đề lúc này là quan điểm của Israel sẽ nhận được sự hậu thuẩn ở mức độ nào. Mỹ, như thường lệ, dường như chắc chắn là sẽ ủng hộ nhà nước Do Thái hết mình. Một số nước Châu Âu có thể có khuynh hướng dỡ bỏ cấm vận viện trợ của họ, nhưng một số nước khác như Anh và Đức lại có vẻ muốn bắt Hamas phải hạ mình hơn nữa. Nói tóm lại: Đừng trông đợi sự thay đổi lớn vào thời điểm này.
A.K