1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ván bài ngửa ở Bắc Kinh

Việc vừa ngồi vào bàn đàm phán 6 bên liên quan đã công khai ngay lập trường cơ bản của mình làm nhiều người cảm giác lạc quan. Thế nhưng nếu nhìn kỹ vào lập trường của hai nhân vật chính trong vở diễn hạt nhân đang diễn ra ở Bắc Kinh lại thấy khác.

Có lẽ chẳng còn mấy xa lạ nhau sau ba vòng thương lượng, các phía trong cuộc đàm phán 6 bên gần như chơi bài ngửa ngay khi bước vào vòng đàm phán thứ 4 tại Bắc Kinh.

 

Mỹ công bố đề nghị được xem như là một lộ trình ba bước để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên: CHDCND Triều Tiên chấm dứt toàn bộ chương trình phát triển hạt nhân; các bên liên quan sẽ đưa ra một đảm bảo an ninh và trợ giúp kinh tế; giải quyết các vấn đề khác như chương trình tên lửa và vấn đề nhân quyền của CHDCND Triều Tiên.

 

Chẳng chịu kém cạnh, Bình Nhưỡng cũng đưa ra đề nghị ba bước, bao gồm: việc hủy bỏ chương trình phát triển hạt nhân của CHDCND Triều Tiên phải gắn với việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên; Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch chống lại CHDCND Triều Tiên, đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo cùng tồn tại hòa bình và loại bỏ mối đe dọa hạt nhân ở Hàn Quốc; trợ giúp kinh tế cho việc phi hạt nhân hóa.

 

Lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bùng phát tháng 10/2002, cả CHDCND Triều Tiên và Mỹ cùng ngả hết các quân bài của mình nhằm đi tới cái đích mà hai nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng đồng thanh khẳng định là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.

 

Hướng tới một đích chung với một giải pháp trọn gói ba bước song rõ ràng có sự khác biệt lớn giữa Bình Nhưỡng và Washington về thứ tự các bước đi để thực hiện phia hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Trong khi CHDCND Triều Tiên đòi việc huỷ bỏ chương trình hạt nhân phải tiến hành đồng thời với việc Mỹ bình thường hoá quan hệ và ký hoà ước không xâm lược thì Mỹ lại khăng khăng rằng Bình Nhưỡng phải loại bỏ chương trình hạt nhân trước rồi mới tính tới vấn đề bảo đảm an ninh và viện trợ kinh tế.

 

Lập trường đối chọi nhau trên đây giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không khác mấy điều mà Bình Nhưỡng yêu cầu khi chủ động tung ra vấn đề hạt nhân cách đây gần 3 năm.

 

Cả thế giới và khu vực từng bất ngờ khi CHDCND Triều Tiên đột nhiên tuyên bố nước đang phát triển một chương trình hạt nhân bí mật tháng 10-2002. Nhưng không lâu sau người ta cũng hiểu được vì sao CHDCND Triều Tiên lại công khai điều mà nhiều quốc gia muốn giấu. Sau khi Mỹ lần lượt tấn công Afghanistan và Iraq vì “đe doạ an ninh của nước Mỹ” thì CHDCND Triều Tiên cũng cảm thấy bất an bởi nước này là một trong bảy quốc gia bị ông chủ Nhà trắng xếp vào “trục ác quỷ của thế giới”.

 

Tung ra chương trình hạt nhân bí mật tại khu vực nhạy cảm như Đông Bắc Á, Bình Nhưỡng muốn có con bài đắt giá để có thể “nói chuyện” một cách sòng phẳng với gã khổng lồ Washington.

 

Qua cung cách xử sự của Mỹ trong thời gian 3 năm qua người ta cảm nhận rõ ràng rằng nước cờ mạo hiểm của Bình Nhưỡng đã thành công nhất định. Từ chỗ khăng khăng cự tuyệt gặp gỡ song phương, không chịu cam kết bảo đảm an ninh và viện trợ kinh tế… nay thì Washington đã gần như chấp nhận các điều kiện mà Bình Nhưỡng đưa ra. Vấn đề hiện còn nằm ở điểm then chốt: thứ tự các bước đi của từng bên trên con đường giải quyết khủng hoảng. Chưa thấy có dấu hiệu cho thấy Mỹ hay CHDCND Triều Tiên sẽ nhân nhượng nhau trong điểm then chốt này.

 

Những quân bài quan trọng đã được lật ra ở Bắc Kinh nhưng ván bài hạt nhân có sớm kết thúc hay không lại còn tuỳ thuộc vào cuộc ngã giá được xem là đầy khó khăn của các bên liên quan.

 

Theo Phạm Đan Thành

Người lao động