1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine xây lò phản ứng hạt nhân do Mỹ thiết kế

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine đã bắt đầu xây dựng hai lò phản ứng do Mỹ thiết kế tại một nhà máy điện hạt nhân ở phía tây nước này.

Ukraine xây lò phản ứng hạt nhân do Mỹ thiết kế - 1

Nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi gần thành phố Netishyn, vùng Khmelnytskyi, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Các công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi ở Ukraine hôm 11/4 đã đổ một mét khối bê tông tượng trưng cho các lò phản ứng sẽ sử dụng công nghệ và nhiên liệu của Mỹ.

Dự án này nhằm mục đích tăng cường an ninh năng lượng của Ukraine và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ hạt nhân của Nga, theo AFP.

Khách mời có mặt tại buổi lễ khởi công xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân theo thiết kế của Mỹ tại nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi bao gồm người đứng đầu cơ quan điều hành hạt nhân quốc gia Ukraine (Energoatom) Petro Kotin, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink và Giám đốc điều hành của công ty năng lượng hạt nhân Mỹ Westinghouse, Patrick Fragman.

Energoatom đã yêu cầu báo chí đưa tin về lễ khởi công vào ngày 13/4 do lo ngại Nga tập kích. Buổi lễ diễn ra vài giờ sau khi Nga tập kích một nhà máy điện ở ngoại ô Kiev.

"Đây là câu trả lời của chúng ta đối với những kẻ tấn công. Hôm nay chúng ta đang nói về tương lai, chúng ta đang nói về sự ổn định, chúng ta đang nói về sự phát triển năng lượng hạt nhân", ông Galushchenko nói, đồng thời mô tả các kế hoạch xây dựng nhà máy Khmelnytskyi là dự án hiện đại hóa quan trọng nhất của Ukraine kể từ Thế chiến hai.

Một tấm biển được đặt ở nhà máy có dòng chữ "Tương lai là năng lượng hạt nhân".

Khoảng một nửa nguồn điện ở Ukraine là điện hạt nhân. Tất cả các lò phản ứng hiện tại của nước này đều do Liên Xô thiết kế, nhưng bắt đầu chuyển sang sử dụng nhiên liệu của Mỹ.

Nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi có hai lò phản ứng đang hoạt động. Lò phản ứng 3 và 4 được xây dựng một phần theo thiết kế của Liên Xô.

Lễ khởi công được tiến hành nhằm xây dựng các lò phản ứng số 5 và 6. Các lò này sẽ được xây dựng bằng công nghệ AP1000 của Westinghouse.

Mỗi tổ máy sẽ có công suất trên 1.100 megawatt và theo Fragman, đây sẽ là "lò phản ứng hạt nhân tiên tiến nhất hoạt động trên thế giới".

EnergoAtom và Westinghouse không cho biết chính xác khi nào các lò phản ứng sẽ đi vào hoạt động.

Giám đốc Energoatom Petro Kotin cho biết, với tất cả 6 lò phản ứng đang hoạt động, Khmelnytskyi sẽ trở thành nhà máy lớn nhất châu Âu, vượt qua Zaporizhzhia.

Cơ quan năng lượng hạt nhân Nga Rosatom tiếp quản việc điều hành nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia sau khi Nga sáp nhập vùng Zaporizhia vào mùa thu năm 2022.

Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo, tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào nhà máy Zaporizhia, cũng như liên tục cử các lực lượng đặc nhiệm đến để tìm cách kiểm soát cơ sở này. Nhà máy Zaporizhia đã nhiều lần mất điện và được đặt trong trạng thái không hoạt động để giảm thiểu khả năng xảy ra thảm họa.

Giới chức tình báo Ukraine tuyên bố Kiev không liên quan đến bất kỳ cuộc tấn công nào vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, đồng thời cáo buộc Nga thực hiện các cuộc tấn công này.

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm