1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine tung 3 cách đối phó chiến thuật "nghìn vết cắt" của Nga

Minh Phượng

(Dân trí) - Chiến thuật "nghìn vết cắt" của quân Nga nhằm phát hiện những khu vực phòng thủ yếu kém của Ukraine để tổ chức tấn công sâu, nhưng dường như Kiev cũng đã tìm ra cách đối phó.

Ukraine tung 3 cách đối phó chiến thuật nghìn vết cắt của Nga - 1

Các binh sĩ Ukraine có phút thư giãn để chơi cờ gần chiến tuyến tại Kharkov (Ảnh minh họa: Reuters).

Chiến thuật "nghìn vết cắt" của Nga là gì?

Cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang giai đoạn mới nóng bỏng và ác liệt hơn khi cả hai bên tiếp tục chiến đấu dọc mặt trận dài hàng nghìn km trên 4 chiến trường chính.

Nga vẫn tấn công toàn diện, tiêu hao sức mạnh của đối phương. Ngược lại, quân đội Ukraine đang khẩn trương triển khai lực lượng dự bị, kiên cường chống trả, nhằm đổi không gian lấy thời gian, trì hoãn đà tiến quân của Moscow nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO cũng như hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine sắp tới.

Thay đổi lớn nhất của cả hai bên những ngày qua vẫn là ở chiến trường Kharkov, nhưng điều thu hút sự chú ý của toàn thế giới không phải là hướng tiến công vào thành phố Volchansk mà là mặt trận Kupyansk.

Ngày 25/5, Sư đoàn bộ binh cơ giới 47 thuộc Tập đoàn quân 1 thuộc Cụm quân Miền Tây của Quân đội Nga - dựa vào đầu cầu Kyslivka đã chiếm cách đây một thời gian - thực hiện các cuộc tấn công cả phía bắc - nam, đạt được kết quả.

Tại phía bắc, sau khi chiếm được Ivanivka, họ tiến về phía làng Stepova Novoselivka, còn ở phía nam Nga cũng đã chiếm được Berestove, mặt trận dịch chuyển, chỉ còn cách sông Oskol 13km.

Rõ ràng quân Nga đang cố san bằng mặt trận theo hướng Kyslivka để giữ đường sắt ở phía bắc cũng như tuyến đường bộ ở phía nam, hướng về phía Kupyansk, nhằm bảo vệ hai bên sườn.

Ngoài hướng Kupyansk, các hướng tiến khác của Nga còn diễn ra ở thành phố Krasnogorivka theo hướng Marinka, họ tiến vào thành phố từ phía bắc và phía đông, chiếm trường trung học số 2, cũng là trung tâm phòng ngự của Ukraine, đang ra sức ép quân đối phương ra khỏi vị trí phòng ngự ở phía nam thành phố.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến chiến lược bao vây các ngôi làng, thị trấn và thành phố của quân đội Nga diễn ra chậm và kém tàn khốc hơn so với các cánh quân cơ giới của quân đội Liên Xô tràn qua châu Âu trong Thế chiến thứ hai, chủ yếu là do họ chưa muốn tiến hành cuộc chiến tổng lực với tổn thất sẽ rất cao.

Thay vào đó, họ thực hiện các cuộc tấn công liên tục quy mô nhỏ kéo dài trên chiến tuyến hàng nghìn km, được gọi là chiến thuật "nghìn vết cắt".

Mục tiêu của chiến thuật này là không chỉ là đánh chiếm các thành phố và vùng lãnh thổ cũng như chiếm giữ các ngôi làng mà còn nhằm tiêu diệt hữu hiệu binh lực đối phương.

Ukraine tung 3 cách đối phó chiến thuật nghìn vết cắt của Nga - 2

Xe tăng Leopard 2A6 của Ukraine triển khai ở tỉnh Zaporizhia hôm 15/6/2023 (Ảnh: Spiegel).

Chiến thuật đối phó của Ukraine

Trước chiến thuật "nghìn vết cắt" của Nga, quân đội Ukraine đã triển khai các biện pháp đối phó.

Đầu tiên là phân tán lực lượng, không tập trung ở các công sự kiên cố với mật độ cao mà chia thành từng nhóm nhỏ khoảng 10 người, rải ra trước tuyến phòng thủ đầu tiên. Bằng chiến thuật này, họ sẽ hạn chế lợi thế về hỏa lực pháo binh và máy bay Nga.

Do lực lượng Kiev phòng thủ phân tán, nếu quân Nga muốn làm mềm trận địa bằng đạn pháo thì phải bắn phá trên một khu vực rộng hơn và sâu hơn, dẫn tới lãng phí đạn pháo, trong khi hiệu quả chiến đấu thấp.

Trên vùng đồng bằng, quân đội Ukraine chú ý củng cố hệ thống công sự, trận địa, hầm hào rộng khắp để bảo vệ từng binh sĩ, không quá chú ý đến sự vững chắc của từng vị trí.

Đạn pháo Nga quét sạch mọi thứ trên mặt đất, nhưng với những hầm hào dày đặc, sức tàn phá sẽ giảm. Khi bộ binh Nga đến để dọn dẹp chiến trường, lúc này quân Ukraine mới từ các chiến hào xông ra đánh cận chiến.

Trước chiến thuật phân tán lực lượng của Ukraine vào các chiến hào như mạng nhện trên các chiến trường bằng phẳng, Nga đã sử dụng rộng rãi UAV mang vũ khí tấn công các mục tiêu nhỏ lẻ, cùng pháo binh làm mềm chiến trường trước khi bộ binh đi thu dọn chiến trường.

Tại thời điểm này, chiến trường Ukraine đang diễn ra đặc điểm giao tranh chiến hào và theo từng vị trí, giống thời Thế chiến thứ nhất. Theo các nhà sử học quân sự, trong năm trận đánh lớn nhất trong Thế chiến thứ nhất, để giành chiến thắng, sức mạnh của bên tấn công phải gấp hơn 6 lần bên phòng thủ.

Chiến thuật thứ hai của Ukraine là sử dụng rộng rãi mìn để phòng thủ, nhằm gây khó khăn cho các cuộc tấn công của bộ binh và xe cơ giới Nga. Lực lượng Kiev đã rải mìn dày đặc trên chiến tuyến, đặc biệt là trước các chiến hào phòng thủ của họ, đường đi và nhiều vị trí khác.

Các loại mìn được Ukraine dùng phổ biến là loại mìn chống bộ binh và mìn chống tăng. Chúng là vũ khí phòng thủ cổ điển nhưng khiến đối phương tiêu tốn rất nhiều công sức rà phá, đồng thời còn gây áp lực tâm lý.

Sự tồn tại của các bãi mìn cũng tạo cơ hội cho UAV FPV của Ukraine tấn công lính công binh Nga làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Ngoài ra, ngay cả khi lực lượng Moscow chiếm được một ngôi làng hoặc thành phố, việc dọn sạch các bãi mìn khắp nơi sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực.

Chiến thuật thứ ba là phản công. Không chỉ phòng ngự mà quân Ukraine còn chủ động mở các cuộc phản công. Ngoài việc ổn định từng bước và giữ vững vị trí của mình, họ còn tập trung lực lượng tương đối vượt trội tại một số địa điểm nhất định, mở cuộc phản công chống lại quân Nga đang tấn công.

Các nước châu Âu  đang theo dõi cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev sẽ nghiêm túc suy nghĩ xem liệu họ có thể chiến đấu hết mình như quân đội Ukraine nếu ở tình huống giống như thế?

Một số phương tiện truyền thông bài Nga ở châu Âu và Mỹ tin rằng, nếu xung đột NATO - Nga xảy ra lúc này, lực lượng NATO sẽ bị lép vế hoàn toàn bởi trong thâm tâm họ nghĩ rằng, có không nhiều binh lính của liên minh sẵn sàng liều mạng chiến đấu với quân Nga, giống như binh sĩ Ukraine.

Ngày 25/5, trong cuộc phỏng vấn với Economist (Anh), Tổng thư ký NATO đã công khai kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm Kiev dùng vũ khí của phương Tây viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng ông cũng nói rõ rằng, NATO sẽ không gửi quân tới Ukraine. Rõ ràng NATO chắc chắn không muốn thu hút hỏa lực của Nga về phía mình.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine