1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine - Nga dựng "lưới lửa", lên dây cót trước trận chiến khốc liệt

Thành Đạt

(Dân trí) - Cả Ukraine và Nga đều đang chạy đua tăng cường năng lực phòng không khi mùa đông thứ hai của cuộc chiến sắp bắt đầu.

Ukraine - Nga dựng lưới lửa, lên dây cót trước trận chiến khốc liệt - 1

Lực lượng Ukraine bắn tên lửa phòng không Strela-10 vào máy bay không người lái của Nga gần Bakhmut (Ảnh: Getty).

Đối với Kiev, hệ thống phòng thủ hiệu quả có thể quyết định liệu người Ukraine có bị đóng băng trong mùa đông lạnh giá, khi Nga mở một chiến dịch tấn công mới bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine hay không.

Đối với Nga, khả năng hạ gục máy bay không người lái của Ukraine và tên lửa do phương Tây cung cấp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu các binh lính Nga có thể tiếp tục hoạt động và được tiếp tế trong các chiến dịch trên bộ sắp tới hay không.

Đối với cả hai bên, hệ thống phòng không hiệu quả rất quan trọng để đối phó với sự hiện diện liên tục của máy bay không người lái trinh sát và phát nổ trên chiến trường, nơi chúng có thể làm tê liệt các hoạt động quân sự.

Bất chấp nỗ lực cản phá của Nga khi bắt đầu cuộc xung đột, lực lượng phòng không Ukraine đã chứng tỏ hiệu quả rõ rệt khi sử dụng kết hợp các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô, như tên lửa phòng không S-300 và Buk, cùng các vũ khí của phương Tây như tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất và pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất.

Tuy nhiên, sau hai năm liên tục bị tên lửa Nga tấn công và máy bay không người lái Nga tập kích, Ukraine đang cạn kiệt tên lửa phòng không và đạn pháo.

Ukraine - Nga dựng lưới lửa, lên dây cót trước trận chiến khốc liệt - 2

Hệ thống S-400 tại căn cứ quân sự ở Kaliningrad (Ảnh: Reuters).

Mỹ và các nước châu Âu đang nỗ lực tăng cường sản xuất quốc phòng để tiếp tế cho Ukraine. Tuy nhiên do sản lượng tăng chậm, họ phải trông cậy vào kho dự trữ trong nước để hỗ trợ Kiev, trong khi lùng sục khắp thế giới để tìm tên lửa và đạn dược tương thích với các thiết bị thời Liên Xô của Ukraine.

Để đáp ứng nhu cầu của Ukraine dựa trên những gì sẵn có, Mỹ và Ukraine đã chuyển sang giải pháp nhanh chóng: "FrankenSAM", kết hợp các tên lửa do phương Tây chế tạo với các bệ phóng và radar do Liên Xô thiết kế. Mỹ có rất nhiều tên lửa AIM-7 và AIM-9M, cũng như biến thể hải quân RIM-7 mà nước này đã cung cấp cho Ukraine để phòng không.

Theo Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, chỉ có Nga hiện vẫn chế tạo tên lửa cho các hệ thống phòng không do Liên Xô thiết kế mà Ukraine đang sử dụng, trong khi Kiev và các nước phương Tây hiện phải đối mặt với "vấn đề cơ bản về cơ cấu" sau hai năm "mua hết tất cả tên lửa hiện có trên khắp thế giới" để trang bị cho các hệ thống phòng không.

FrankenSAM có thể là một giải pháp cho tình trạng thiếu đạn dược của Ukraine, chuyên gia Kofman nhận định.

"Nỗ lực của FrankenSAM dường như đã mang lại những hệ thống mà chúng tôi có thể cung cấp. Có thể chúng tôi không sản xuất được số lượng lớn mỗi tháng, nhưng sẽ cho phép chúng tôi cung cấp phiên bản sửa đổi của tên lửa Buk của Ukraiea hoặc một số hệ thống khác sẽ bắn tên lửa của chúng tôi", chuyên gia Kofman cho biết thêm.

Tên lửa và máy bay không người lái của Nga luôn là mối đe dọa dai dẳng đối với quân đội và dân thường Ukraine, nhưng Nga cũng có những vấn đề về phòng không.

Kể từ đầu cuộc chiến, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái quân sự nội địa và do nước ngoài cung cấp, cũng như máy bay không người lái thương mại được sửa đổi để mang đạn dược. Lực lượng Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái cỡ lớn được trang bị tên lửa và máy bay bốn cánh nhỏ để tấn công các mục tiêu lớn như xe tăng Nga, cũng như máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) nhỏ, rẻ tiền để nhắm vào từng binh sĩ Nga.

Máy bay không người lái của Ukraine cũng đã tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, tấn công các căn cứ và thành phố lớn, bao gồm thủ đô Moscow. Những cuộc tấn công này dù chỉ gây ra thiệt hại tối thiểu, nhưng cũng khiến Nga phải dè chừng.

Mối đe dọa lớn nhất dường như là các loại vũ khí tầm xa của Ukraine, như tên lửa ATACMS và HIMARS do Mỹ sản xuất và tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất. Những vũ khí này là nguyên nhân gây ra các cuộc tấn công tàn khốc nhằm vào các căn cứ, kho tiếp tế và cơ sở hạ tầng của Nga, chẳng hạn những cây cầu cho phép tiếp tế đến nơi lực lượng Nga đồn trú ở Crimea.

Nga có kho vũ khí phòng không rộng khắp, nhờ đó Nga có khả năng duy trì tầm bao phủ trên các thành phố, biên giới và vùng lãnh thổ có giá trị chiến lược như Kaliningrad, vùng biển Baltic. Những vũ khí này, bao gồm hệ thống đất đối không tiên tiến nhất, S-400, cũng đã được triển khai tới Ukraine.

Trong những tháng gần đây, một số tổ hợp S-400 được cho là đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Ukraine. Phân tích của Bộ Quốc phòng Anh hồi đầu tháng chỉ ra rằng, Moscow "rất có thể" sẽ phải chuyển các vũ khí phòng không khác tới Ukraine, cho thấy cuộc chiến "tiếp tục khiến quân đội Nga căng thẳng và làm suy yếu khả năng duy trì lực lượng phòng thủ cơ bản trên toàn khu vực rộng lớn của nước này".

Thông tin theo dõi chuyến bay công khai của tổ chức nghiên cứu nguồn mở Bellingcat chỉ ra rằng động thái trên của Nga đã được tiến hành vào cuối tháng 10, khi các máy bay chở hàng quân sự vận chuyển các khẩu đội S-400 ra khỏi Kaliningrad mà Bộ Quốc phòng tuần này gọi là "hoạt động vận tải hàng không đặc biệt của Nga".

Theo Business Insider