Ukraine mong gia nhập NATO, Mỹ thắp lửa niềm tin
Cánh cửa gia nhập NATO của Ukraine không hề dễ dàng. Tuy nhiên Hoa Kỳ luôn biết cách động viên, tiếp sức cho Kiev nuôi dưỡng niềm tin.
Ukraine ưu tiên hàng đầu gia nhập NATO
Tờ RT của Nga đưa tin, Ukraine vừa chính thức đặt mục tiêu gia nhập NATO làm ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.
Bản sửa đổi luật pháp an ninh trên được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký vào hôm 6/7 và chính thức có hiệu lực từ hôm 9/7.
Bản sửa đổi luật pháp này đã nhận được sự ủng hộ của 276 trên tổng số 450 nhà lập pháp trong quốc hội Ukraine vào hôm 8/6.
Giới chức Kiev kỳ vọng việc gia nhập NATO sẽ giúp bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời có thể ngăn cản sự xâm lược của Nga.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Poroshenko cũng bày tỏ việc gia nhập NATO sẽ khiến quốc gia này có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong nội bộ quốc gia.
“Việc đưa Ukraine gia nhập NATO đã quy định rõ ràng trong chính sách của chính phủ. Những nỗ lực chủ động nhằm cải tổ lĩnh vực an ninh và quốc phòng sẽ đều tập trung vào vấn đề này”, ông Poroshenko nhấn mạnh.
Ukraine hy vọng sẽ tiếp bước Montenegro để trở thành một thành viên tiếp theo của NATO.
“Cờ Montenegro đã tung bay tại trụ sở NATO cho thấy chính sách mở cửa của liên minh đang có tác dụng. Không còn nghi ngờ gì nữa, quan hệ đối tác mở rộng của Ukraina với NATO sẽ dẫn đến kết quả tương tự”, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin tin tưởng.
Trước đó hôm 8/6, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự thảo sửa đổi trước đó của Tổng thống Ukraine Poroshenko quy định về việc xin gia nhập NATO là ưu tiên đối ngoại của đất nước.
Thậm chí để dọn đường cho mục tiêu trên, từ tháng 12/2014, Quốc hội Ukraine đã bãi bỏ quy chế trung lập của nước này và có kế hoạch trở thành thành viên của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Tổng thống Poroshenko tuyên bố cho đến năm 2020, Ukraine phải đảm bảo được tính chất tương thích của quân đội nước này với quân đội các nước NATO và gia nhập liên minh quân sự này là mục tiêu chiến lược của đất nước.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào đầu năm 2017, ông Poroshenko còn bày tỏ nhiều lạc quan về ý định trên.
Theo ông Poroshenko, 4 năm trước, chỉ có 16% số người Ukraine ủng hộ Ukraine trở thành thành viên của NATO. Tuy nhiên hiện nay con số này đã là 54%.
“Là một Tổng thống, tôi phải đi theo những quan điểm của người dân nước mình, tôi sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập NATO”, ông Poroshenko nhấn mạnh.
Mỹ không ngừng động viên Ukraine?
Thực tế NATO từ lâu đã thể hiện âm mưu mở rộng vùng ảnh hưởng tới sát biên giới Nga nhằm ngăn chặn từ trong trứng nước các âm mưu gây ảnh hưởng tại vùng Âu - Á của Nga.
Tuy nhiên, riêng trường hợp của Ukraine, các quan chức NATO từng lần lượt thừa nhận nước này cần phải thực hiện một loạt các cải cách trước khi muốn theo đuổi các thành viên khác trong khối.
Mỹ luôn biết cách động viên Ukraine khi con đường gia nhập NATO của quốc gia này chông chênh
“Ukraine chưa nộp hồ sơ đăng ký xin làm thành viên. Nhưng nếu Ukraine quyết định làm điều đó, chúng tôi sẽ đánh giá cao sự sẵn sàng của nước này để nhập vào Liên minh như bất kỳ ứng cử viên khác. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với Ukraine lúc nào là tiến hành cải cách và hiện đại hóa”, bộ phận truyền thông của NATO cho biết.
Giới phân tích cũng nhận định khả năng Ukraine đạt được tiến độ trong việc gia nhập NATO là không cao.
Bởi, hiện Ukraine đang xảy ra nội chiến, điều này đi ngược lại với điều kiện để gia nhập NATO là đất nước phải không có xung đột trong nước và không có tranh chấp lãnh thổ.
Thậm chí, khoản viện trợ tài chính trị giá 1,9 tỷ USD tiếp theo cho Ukraine trong chương trình cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng bị hoãn lại cho đến ít nhất là vào cuối năm 2017 do quốc gia này không tiến hành các cải cách.
Tuy nhiên như thường lệ, Mỹ luôn biết cách xuất hiện đúng lúc để trao thêm niềm tin cho Ukraine mỗi khi nước này gặp phải những thất vọng.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp gỡ và hứa hẹn nhiều vấn đề với người đồng cấp Putin, nhưng khi tiếp xúc với Tổng thống Ukraine Poroshenko, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vẫn có những tuyên bố hết sức cứng rắn.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 9/7, ông Tillerson khẳng định các lệnh trừng phạt của Washington và EU nhằm vào Nga sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine được giải quyết.
Thậm chí, Hoa Kỳ còn tiến hành cuộc tập trận quân sự mang tên “Sea Breeze 2017” với Ukraine nhằm gia tăng thêm tin tưởng giữa các bên.
Theo kế hoạch cuộc tập trận bắt đầu tại khu vực Biển Đen vào ngày 10/7 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 23/7.
Trước đó, Hoa Kỳ cũng nhiều lần tuyên bố ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. Tuy nhiên Washington tỏ rõ sự khôn khéo khi khẳng định chính Ukraine phải là quốc gia đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Barack Obama trong thời gian đương nhiệm cũng tuyên bố, NATO cần giúp Ukraine, cũng như tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, sự hỗ trợ nhiều nhất có thể.
“NATO phải thực hiện các cam kết cụ thể nhằm trợ giúp Ukraine hiện đại hóa và tăng cường các lực lượng an ninh. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để trợ giúp các đối tác khác của NATO, trong đó có Gruzia và Moldova, đồng thời thúc đẩy phòng thủ của các nước này”, ông Obama nhấn mạnh.
Tuy nhiên sau rất nhiều nỗ lực, kể cả những lời hứa có cánh của Mỹ, con đường gia nhập NATO của Ukraine vẫn đầy chông gai.
Theo Trung Dũng
Báo Đất việt