Ukraine "hụt hơi" trong cuộc đua hỏa lực với Nga trên tiền tuyến
(Dân trí) - Viện trợ "nhỏ giọt" từ phương Tây khiến Ukraine rơi vào tình trạng thiếu đạn pháo nghiêm trọng, khiến họ thiếu hụt hỏa lực để tạo ra sự đột phá trước Nga.
Viện RUSI (Anh) nhận định, trong vài tháng qua, Ukraine đã mất đi lợi thế về mặt hỏa lực với Nga trên tiền tuyến. Vào mùa hè năm ngoái, Ukraine đạt được lợi thế về pháo binh, khi họ có thể bắn ra 7.000-7.500 quả đạn mỗi ngày, so với con số 5.000 quả của Nga.
Tuy nhiên, số đạn pháo Ukraine bắn ra giờ đây đã giảm xuống 2.000 quả/ngày, chỉ bằng 1/5 của Nga (10.000 quả mỗi ngày). Cả Nga và Ukraine chưa bình luận về những con số trên.
Điều này phù hợp với diễn biến trên chiến trường khi Ukraine tổng lực phản công từ tháng 6/2023, trong khi Nga tập trung vào nỗ lực gia cố phòng tuyến.
Tới cuối năm ngoái, nỗ lực phản công của Ukraine đã không đạt được kết quả mong đợi và việc phương Tây viện trợ nhỏ giọt đã buộc phía Kiev phải co cụm về phòng thủ, trong khi Nga lại tăng cường các cuộc tập kích trên toàn tuyến.
Ông Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy Nhóm tác chiến - chiến lược Tavria của Ukraine, trước đó nhận định rằng tình trạng thiếu hụt đạn pháo 122mm và 152mm đã buộc quân đội Ukraine phải thu hẹp quy mô tác chiến.
Việc Ukraine phụ thuộc quá lớn vào nguồn viện trợ từ phương Tây đã đẩy họ vào thế khó. Mâu thuẫn nội bộ khiến Mỹ chưa thể thống nhất được việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) gần như chắc chắn không thể thực hiện được lời hứa mà họ đưa ra trước đó: Tăng tốc sản xuất để cấp cho Kiev 1 triệu quả đạn pháo trước tháng 3 năm nay.
Trong bối cảnh này, Ukraine tìm cách tăng tốc sản xuất đạn pháo 155mm theo chuẩn NATO để dần thay thế đạn 152mm theo chuẩn Liên Xô. Họ cũng đẩy mạnh sản xuất UAV góc nhìn thứ nhất để bù đắp sự thiếu hụt về đạn dược.
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, khi cả 2 bên chưa đạt được ưu thế tuyệt đối trên không, pháo và xe tăng vẫn là những vũ khí quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến giành lãnh thổ dưới mặt đất. Trong cuộc chiến tiêu hao, bên nào duy trì được năng lực chiến đấu lâu hơn sẽ có lợi thế lớn hơn.
Nếu tình trạng thiếu đạn pháo của Ukraine không thể được giải quyết sớm, Kiev sẽ đối mặt thách thức lớn hơn khi Nga cũng đang tăng cường quy mô sản xuất quân sự trong thời gian qua. Trước đó, một quan chức NATO từng dự đoán với New York Times rằng, Nga có thể tăng tốc sản xuất lên 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm bất chấp lệnh trừng phạt.