1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine bó tay trước "mưa bom tấn" của Nga nhưng cửa sáng dần lộ rõ

Minh Phượng

(Dân trí) - Không quân Nga đã thường xuyên thả một số lượng lớn bom lượn hạng nặng FAB-1500-M54, có trọng lượng 1.500kg xuống các vị trí kiên cố của Ukraine. Vậy Kiev làm gì để đối phó?

Ukraine bó tay trước mưa bom tấn của Nga nhưng cửa sáng dần lộ rõ - 1

Tiêm kích bom đa năng Su-34 (Ảnh: Không quân Nga).

Nga sản xuất và sử dụng hàng loạt bom tấn ở Ukraine

Công nghiệp quốc phòng Nga đang "lên đời" cho hàng loạt bom FAB-1500-M54, một trong những loại bom thông thường mạnh nhất trên thế giới hiện nay.

Các kỹ sư Nga đã sửa đổi quả bom hạng nặng này thành bom "thông minh", khi lắp thêm bộ dẫn hướng bay (UMPK) để chúng có thể tấn công mục tiêu từ cách xa tới 100km và với độ chính xác tới 5m.

Video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy, bom lượn có điều khiển UMPK FAB-1500-M54 cải tiến, đã được sử dụng trên chiến trường Ukraine, khi đánh sập một tòa nhà chung cư 20 tầng ở thị trấn Krasnogorovka, gần thành phố Donetsk, chỉ bằng một đòn đánh.

Ngay từ tháng 11 năm ngoái, Trung tướng Mykola Oreshchuk - Tư lệnh Không quân Ukraine - đã cảnh báo Nga đang có dấu hiệu "chuẩn bị triển khai quy mô lớn bom FAB-1500".

Trước đó, vào tháng 2/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, đã đến thăm nơi sản xuất loại bom tấn này. Báo chí Nga vào thời điểm đó đưa tin ngụ ý rằng, việc sản xuất loại bom này đã bắt đầu từ khi cuộc giao tranh tổng lực giữa Nga và Ukraine bắt đầu.

Hiện chưa rõ tầm bay tối đa của bom FAB-1500-M54 sau khi đã được chuyển đổi thành bom lượn dẫn đường chính xác là bao nhiêu nhưng người ta suy đoán rằng, nó có thể giống với các phiên bản bom UMPK FAB-500 nhẹ hơn, có tầm bay tối đa từ 60km đến 80km.

Tuy nhiên, theo trang Fighterbomber, bom lượn UMPK FAB-1500-M54 có tầm bay tối đa tới 100km. Điều này có nghĩa là máy bay mang bom (thường là tiêm kích đa năng Su-34), có thể thả chúng từ khoảng cách khá an toàn trước lưới lửa phòng không của đối phương.

FAB-1500-M54 chứa 675kg chất nổ mạnh và có sức công phá khủng khiếp, nghĩa là một khi bị đánh trúng thì sẽ không có mục tiêu nào chịu được.

Phòng không Ukraine gặp khó trước bom lượn của Nga

Trong tháng 2 vừa qua, phòng không Ukraine tuyên bố liên tiếp bắn rơi 15 máy bay chiến đấu, trong đó có 11 máy bay tiêm kích bom Su-34 của Nga. Trung tướng Mykola Oreshchuk cho biết, việc này đã buộc không quân Nga "giảm đáng kể" số lượng bom được thả xuống.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, có những nghi ngờ đằng sau sự lạc quan này, rất có thể phòng không Ukraine đã mạo hiểm bố trí một số lượng nhỏ hệ thống phòng không tầm xa - như tên lửa Patriot - để phục kích và chờ cơ hội bắn hạ các chiến đấu cơ của Nga ở khu vực tiền tuyến.

Nhờ vậy, phòng không Ukraine đã bắn hạ được máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50 nhưng chưa thể ngăn chặn hoàn toàn lực lượng máy bay chiến thuật Nga thả bom dẫn đường xuống khu vực mặt trận rộng lớn.

Ukraine bó tay trước mưa bom tấn của Nga nhưng cửa sáng dần lộ rõ - 2

Máy bay Su-34 và bom hạng nặng FAB-1.500 (Ảnh: BQP Nga).

Trên thực tế, Ukraine thiếu hệ thống phòng không tầm xa hiện đại và số hệ thống phòng không này cũng chỉ đủ bảo vệ các yếu địa như Kiev hay Odessa.

Theo các thông tin công khai, mặc dù nhiều hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn của quân đội Nga và Ukraine (bao gồm cả những hệ thống do phương Tây cung cấp cho Kiev) được cho là có khả năng đánh chặn bom dẫn đường, nhưng hiện chưa thấy điều này trong các thông tin công khai.

Điều "an ủi duy nhất" cho Ukraine, là những quả bom lượn có điều khiển do không quân Nga thả xuống không mấy chính xác và hơi thiếu tin cậy, do vậy thỉnh thoảng sẽ có những quả bom hạng nặng đánh trúng mục tiêu nhưng không phát nổ.

Không quân Nga thường sử dụng máy bay tiêm kích bom Su-34 để thả những quả bom dẫn đường đã được sửa đổi này. Về lý thuyết, mỗi chiếc có thể mang theo 8 quả bom nặng 500kg nhưng trên thực tế, có lẽ do lắp thêm mô-đun dẫn đường UMPK, nên chúng chỉ mang được tối đa 6 quả trong một lần xuất kích.

Dù vậy, qua các đoạn video, thông thường Su-34 chỉ mang 4 quả bom lượn có điều khiển loại 500kg, có lẽ trọng lượng cất cánh còn lại, sẽ mang thêm dầu, để máy bay hoạt động được lâu hơn do Không quân Nga không sử dụng tiếp dầu trên không ở chiến trường Ukraine.

Có thể thấy Su-34 thả bom lượn dẫn đường ở độ cao lớn và ngay lập tức quay đầu sau khi cắt bom, không cần quan tâm đến việc bị radar phòng không Ukraine phát hiện.

Do vậy chỉ có một số ít hệ thống phòng không tầm xa có thể đe dọa Su-34, còn các hệ thống phòng không dã chiến tầm trung và tầm ngắn của Ukraine, không thể làm gì được chúng vì khoảng cách quá xa... Đây lại là một lợi thế vượt trội khác của Nga trong cuộc xung đột này.

Ngoài bom lượn có điều khiển 500kg được sử dụng phổ biến, thì quân đội Nga đã bắt đầu sử dụng bom lượn có điều khiển 1.000kg và 1.500kg khiến nhiều binh sĩ Ukraine bị loại khỏi vòng chiến mỗi ngày.

Mặc dù chưa thể xác nhận về mức chính xác của các loại bom tấn của Nga, nhưng xét đến sức mạnh của những quả bom dẫn đường hạng nặng này, việc gây ra tổn thất nghiêm trọng cho quân đội Ukraine là điều đương nhiên.

Không quân Ukraine không có loại vũ khí tương tự như của Nga, họ chỉ có bom lượn có điều khiển JDAM-ER và ASSM nặng 227kg do Mỹ và Pháp cung cấp với sức hủy diệt có hạn mà không có loại nặng 453kg hoặc 907kg.

Như vậy là ngay cả khi Không quân Ukraine thả bom dẫn đường chính xác xuống mục tiêu, thì hiệu quả hủy diệt cũng không thể so sánh với bom Nga.

Ukraine bó tay trước mưa bom tấn của Nga nhưng cửa sáng dần lộ rõ - 3

Ukraine muốn được phương Tây viện trợ tiêm kích F-16 (Ảnh: Reuters).

F-16 có mang lại cơ hội cho Ukraine?

Quân đội Ukraine thiếu chiến lược phòng thủ hiệu quả trước các cuộc tấn công bằng bom lượn có điều khiển của Nga.

Để chống lại các mối đe dọa từ bom lượn từ Nga, Ukraine có thể chỉ giải quyết được bài toán này - dù chỉ một phần - khi tiêm kích F-16 tham chiến.

Trong tiền lệ, cả Không quân Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ từng sử dụng tiêm kích F-16 để phục kích trên không và bất ngờ phóng tên lửa tầm trung AIM-120, bắn hạ máy bay chiến đấu của Ấn Độ và của cả Nga lẫn Syria.

Tuy nhiên có hai điều kiện quan trọng để Không quân Pakistan và Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến hành rình rập trên không là: Thứ nhất, họ có sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm; thứ hai, họ dựa vào địa hình đồi núi phức tạp để lập vùng chờ, ẩn nấp kỹ cho tới khi có tham số mục tiêu mới đột ngột xuất hiện và phóng tên lửa.

Liệu Không quân Ukraine có thể đạt được kết quả tương tự sau khi nhận được tiêm kích F-16 hay không, tại thời điểm này khó có thể đưa ra bất cứ kết luận nào.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, các máy bay chiến đấu của Mỹ như F-16 hoàn toàn khác với máy bay thời Liên Xô. Ngoài khả năng nhận thức tình huống và chia sẻ thông tin mạnh mẽ hơn, hệ thống tác chiến trên không cũng có sự khác biệt rất lớn, đặc biệt là về tính chủ động của phi công.

Thật khó để kết luận, nhưng có thể khẳng định, máy bay chiến đấu F-16 dù không giúp Ukraine giành chiến thắng nhưng nó chắc chắn sẽ đóng vai trò khiến quân đội Nga bị bất ngờ và giúp Ukraine cải thiện tình hình ở mặt trận.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine