1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraina: Gốc rễ xung đột đang được giải quyết?

Ngày 17/3, Quốc hội Ukraina đã thông qua bản dự thảo luật trao quy chế đặc biệt và quyền tự trị hạn chế cho các khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền đông. Đây được coi là một bước tiến lớn trong tiến trình giải quyết xung đột tại quốc gia này.

Người dân miền đông Ukraina
Người dân miền đông Ukraina

Dự thảo trên do Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đề xuất và cho hay đây là một phần trong thỏa thuận hòa bình được 4 bên (gồm Ukraina, Nga, Pháp, Đức) thống nhất tại thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng trước (còn được gọi là thỏa thuận Minsk 2).

Quy chế đặc biệt danh cho miền đông có thời hạn khoảng 3 năm sau khi các địa phương này đã tiến hành tổ chức các cuộc bầu cử địa phương theo đúng quy định của luật pháp Ukraina và có sự giám sát của quốc tế. Với quy định trên, các khu vực miền đông Ukraina sẽ có nhiều quyền tự trị hơn, nhất là được quyền sử dụng tiếng Nga một cách rộng rãi và tự do hợp tác với Nga.

Thỏa thuận Minsk 2 gồm 3 điểm chính. Điểm đầu tiên là ngừng bắn chính thức có hiệu lực vào nửa đêm ngày 15/2 (4 giờ ngày 16/2 theo giờ Hà Nội). Điểm chủ yếu thứ hai của thỏa thuận là hai bên buộc phải rút khỏi đường chiến tuyến hiện nay, để tạo thành một vùng đệm, có chiều rộng từ 50 km đến 70 km, thay vì 30 km theo thỏa thuận tại Minsk 1 hồi tháng 9/2014. Phe ly khai sẽ phải rút về phía sau đường chiến tuyến được xác định hồi tháng 9/2014.

Điểm cuối cùng của thỏa thuận Minsk 2 là giải pháp chính trị tổng thể dài hạn cho Ukraina, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là cải cách hiến pháp, tính tới quyền của người dân vùng Donbass. Tiếp theo là vấn đề biên giới có sự thống nhất với lực lượng ly khai Donbass, vấn đề nhân đạo, thực thi luật quy chế đặc biệt cho Donetsk và Lugansk.

Trong số các giao kèo trên thì điểm thứ 3 được cho là quan trọng nhất vì nó sẽ giúp giải quyết nguồn gốc của xung đột hiện nay giữa chính phủ Kiev với các tỉnh miền đông Ukraina. Không có được điều này, xung đột Ukraina còn kéo dài.

Thực tế cho thấy, thỏa thuận Minsk 1 ngày 5/9/2014 đã liên tục bị phá vỡ trên thực tế vì các bên đã không giải quyết được mấu chốt của vấn đề: quyền và nghĩa vụ của người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraina.

Việc cải cách hiến pháp Ukraina theo như ghi trong thỏa thuận Minsk hôm 12/2/2015 sẽ được tiến hành từ nay đến cuối năm 2015 đưa vào hiệu lực bản hiến pháp mới với trọng tâm là phi tập trung hóa quyền lực. Đầu tiên, quốc hội Ukraina phải sửa đổi hiến pháp liên quan tới quy chế cho các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, sau đó mới đến những chỉnh sửa khác về mặt thể chế.

Hiện tại, đại diện của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk cho rằng việc sửa đổi luật trao quy chế đặc biệt và quyền tự trị hạn chế trên vi phạm thỏa thuận Minsk 2.

Mặc dù vậy, rõ ràng các bước trong thỏa thuận này đang được thực thi một cách nghiêm túc và như vậy mở ra cơ hội hòa bình cho Ukraina trong thời gian tới.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes