Twitter hay kênh rao vặt "chùa" của IS?
Việc các phần tử khủng bố thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không ngừng sử dụng mạng xã hội Twitter để lan truyền hành vi man rợ của chúng khiến công luận đặt ra câu hỏi: Tại sao khủng bố lại được tự do sử dụng Twitter như "của chùa"?
Hôm 25/2, truyền thông đưa tin ba người đàn ông bị bắt giữ vì có kế hoạch rời New York (Mỹ) để gia nhập IS. Và một trong số ba tên này được cho là từng đăng tải trên mạng xã hội nguyện vọng "bắn Tổng thống Mỹ Barack Obama". Sự kiện này được đánh giá là lời nhắc nhở mới nhất về việc sự tự do của không gian mạng đang bị các nhóm khủng bố và những phần tử cực đoan khai thác triệt để.
Hồi đầu tháng trước, IS đã đăng tải một đoạn video man rợ ghi lại cảnh thiêu sống viên phi công người Jordan bị nhóm này bắt giữ. Đó không phải là lần đầu tiên IS sử dụng mạng xã hội Twitter do một công ty Mỹ quản lý, để phát tán hình ảnh về hành vi tàn bạo của chúng. Tháng 8 năm ngoái, khi tung hình ảnh chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley, thứ công cụ mà IS viện đến cũng là mạng xã hội. Sự thật là trong những năm qua, IS vẫn luôn dùng Twitter để phục vụ hoạt động của chúng.
Trong khi đó, trên không gian mạng xã hội, IS không phải là nhóm khủng bố duy nhất hiện diện. Ngày 14/1, thông qua Twitter, nhánh al-Qaeda ở Yemen nhận trách nhiệm đã tiến hành các vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris (Pháp) khiến 17 người thiệt mạng. Trên Twitter, nhóm này có không chỉ một mà là hai tài khoản chính thức.
Trước bối cảnh mạng xã hội bị lạm dụng để cực đoan hóa con người và gây quỹ tài trợ khủng bố với giá trị hàng triệu USD, một câu hỏi được đặt ra là tại sao không ai ngăn chặn chúng? Câu trả lời là bởi các công ty Mỹ không làm vậy, và chính phủ Mỹ cũng không làm vậy.
Theo tác giả bài viết Ted Poe, một trong số hai lí do được viện dẫn để giải thích cho tình trạng này là nếu chính phủ Mỹ đóng các tài khoản trên, hành động đó sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận. Theo ông Poe, khả năng đóng cửa mạng xã hội không được bàn đến vì Hiến pháp của Mỹ không áp dụng cho khủng bố.
Việc khủng bố sử dụng mạng xã hội đã không còn là chuyện mới lạ. Và chính phủ Mỹ cũng đã có nhiều năm để cân đo giữa những thông tin tình báo thu thập được với những lợi ích mà các nhóm khủng bố thu về trong việc truyền tin và tuyển mộ trên kênh thông tin này. Theo quan điểm của tác giả, trong khi việc cho phép khủng bố tiếp tục sử dụng mạng xã hội không mang lại thông tin tình báo nào có giá trị, thì nội việc ngày càng có nhiều phần tử khủng bố sử dụng mạng xã hội đã phản ánh một cách đầy đủ về những gì các nhóm khủng bố kiếm lợi từ mạng xã hội.
Nói một cách thẳng thừng, các công ty tư nhân của Mỹ không nên hoạt động với vai trò là chiếc loa phát thanh của các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Từ đây, tác giả kêu gọi các công ty quản lý mạng xã hội cần chủ động hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Những gì họ đang làm trong cuộc chiến này cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa bởi ngoài trách nhiệm với công chúng, còn đó những nghĩa vụ theo pháp luật mà họ cần phải thực thi. Thứ mà các công ty này có là công nghệ và tài nguyên trên mạng xã hội. Nhưng thứ mà họ thiếu là động lực để hành động. Theo tác giả, đây là điểm mà chính phủ liên bang có thể phối hợp hỗ trợ.
Năm 2011, Nhà Trắng từng cam kết về một chiến lược ngăn chặn sự cực đoan hóa thông qua Internet. Nhưng hơn 3 năm sau, ngay cả sau một hội nghị về vấn đề chủ nghĩa cực đoan vừa kết thúc cách đây không lâu, chiến lược đó vẫn chưa xuất hiện. Khi không có một chiến lược cụ thể, những nỗ lực của chính phủ liên bang trong cuộc chiến chống khủng bố sử dụng mạng xã hội cũng sẽ không chứng minh được hiệu quả.
Nếu như trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các tờ báo Mỹ không đời nào cho phép phát xít đặt một mẩu quảng cáo tuyển quân thì ở thời điểm hiện tại, các tổ chức khủng bố nước ngoài cũng không nên được phép mượn tay các công ty tư nhân Mỹ để tung các chiến dịch quảng bá bạo lực ra thế giới theo cách thức gần như ngay lập tức thông qua việc sử dụng “của chùa”.
Theo A.M/baotintuc.vn