1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp

(Dân trí) - Tại thủ đô Paris ngày 25/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean - Marc Ayrault đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp.

Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean - Marc Ayrault ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
 

Pa-ri, ngày 25 tháng 9 năm 2013

 

1. Pháp và Việt Nam có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ xuất phát từ lịch sử. Trong bốn mươi năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Pháp và Việt Nam đã xây dựng nền tảng cho mối quan hệ đặc biệt, thông qua nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực rất đa dạng: chính trị, quốc phòng, an ninh, thương mại và đầu tư, văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo, pháp luật và tư pháp, đặc biệt là giáo dục đại học và hợp tác địa phương.

 

2. Trên cơ sở tôn trọng mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, với mong muốn tăng cường hợp tác vì hòa bình, an ninh, vì một tương lai chung, với niềm tin vào sự phát triển không ngừng của nền kinh tế và xã hội hai nước, nhân dịp chuyến thăm chính thức tới Pháp của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (24-26/9/2013), hai bên nhất trí ra Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược với những định hướng và mục tiêu như sau :

 

A. Hợp tác chính trị - ngoại giao

 

3. Pháp và Việt Nam tăng cường trao đổi nhằm thúc đẩy đối thoại về quan hệ hợp tác song phương, về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm, thông qua những cơ chế sau:

 

a) Gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao thường xuyên, bao gồm các chuyến thăm chính thức song phương và các tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế và khu vực;

 

b) Đối thoại chiến lược giữa các Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng hai nước ở cấp Thứ trưởng của phía Việt Nam và cấp tương đương của phía Pháp;

 

c) Trao đổi đoàn giữa các Ủy ban, Nhóm nghị sỹ hữu nghị trong các cơ quan nghị viện hai nước;

 

d) Hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác phi tập trung và hợp tác giữa các hiệp hội và tổ chức phi chính phủ của hai nước.

 

4. Pháp và Việt Nam ủng hộ phát triển quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và EU, nhất là trong khuôn khổ Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA).

 

5. Pháp và Việt Nam sẽ trao đổi quan điểm, tăng cường hợp tác, phối hợp tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có Liên hợp quốc, UNESCO, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM). Hai nước, với tư cách thành viên Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho hoạt động của tổ chức này.

 

Hai nước tham gia tích cực vào đối thoại và hợp tác giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai nước coi ASEAN là nhân tố quan trọng đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại châu Á. Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Liên minh Châu Âu (EU) tham gia Diễn đàn khu vực của ASEAN (ARF). Pháp và Việt Nam nhắc lại sự gắn bó của hai nước đối với các định chế đa phương, trong đó Liên hợp quốc có vai trò trung tâm trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Pháp ủng hộ việc thúc đẩy các dự án phát triển tiểu vùng, đặc biệt là Tiểu vùng sông Mê Công.

 

6. Pháp và Việt Nam, với quyết tâm tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, sẽ tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy quản trị tốt, nhà nước pháp quyền và các quyền con người. Trong lĩnh vực này, hai nước khẳng định ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, đồng thời quan tâm làm sâu sắc thêm đối thoại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.

 

B. Hợp tác quốc phòng và an ninh

 

7. Sau bốn năm thực hiện thỏa thuận về hợp tác quốc phòng (12/11/2009), hai nước nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao, chuyên gia; tăng cường cơ chế Uỷ ban chung về hợp tác quốc phòng; kiện toàn hoạt động hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực, quân y, trang thiết bị, thăm viếng của các tàu quân sự. Pháp hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và tăng cường trao đổi thông tin về các vấn đề chiến lược, quốc tế và khu vực. Mục đích của hai nước là đóng góp vào công cuộc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới.

 

8. Hai nước mong muốn tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

 

9. Pháp và Việt Nam tái khẳng định cam kết đấu tranh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương tiện phóng. Cùng với các nước có vũ khí hạt nhân và các nước thành viên khác của ASEAN, hai nước quyết tâm thúc đẩy nhằm ký kết Nghị định thư của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân.

 

10. Pháp và Việt Nam nhất trí tăng cường hợp tác, về kỹ thuật và trên thực tế, trong lĩnh vực đấu tranh chống khủng bố, các đường dây di cư bất hợp pháp, buôn bán người, buôn bán vũ khí, hàng giả, ma túy, rửa tiền có liên quan đến các hoạt động này và tội phạm tin học.

 

C. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư

 

11. Pháp và Việt Nam ưu tiên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai nước cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường, đầu tư và kinh doanh. Trên tinh thần đó, Đối thoại cấp cao về hợp tác kinh tế, được mở ra ngày 9/4/2013 tại Hà Nội, là cơ chế nhằm đưa ra những khuyến nghị cho hai bên.

 

12. Những mục tiêu hợp tác về công nghiệp và công nghệ thuộc các lĩnh vực chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam, nhất là năng lượng, công nghiệp hàng không và vũ trụ, giao thông, môi trường và phát triển bền vững, ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ cao, đặc biệt là các dự án hỗ trợ sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

13. Pháp và Việt Nam chia sẻ quan điểm với tinh thần trách nhiệm về phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình. Pháp chủ trương hỗ trợ chương trình điện hạt nhân của Việt Nam và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm chuyên môn về công nghệ, an ninh và an toàn hạt nhân, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân và tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án. Việt Nam ghi nhận sự quan tâm của Pháp đối với chương trình phát triển năng lượng điện hạt nhân của Việt Nam, xuất phát từ mong muốn trang bị công nghệ cho phép đảm bảo an ninh và an toàn hạt nhân cao nhất cho đất nước.

 

14. Pháp và Việt Nam ủng hộ việc ký kết Hiệp định thương mại tự do toàn diện, cân bằng và tham vọng giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam nhằm cải thiện các điều kiện tiếp cận thị trường nội địa trên cơ sở tôn trọng các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

 

15. Hai nước sẽ tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tại các định chế kinh tế, tài chính quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới, Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế và các tổ chức khu vực.

 

D. Hợp tác phát triển

 

16. Hai nước hoan nghênh những thành tựu hợp tác được triển khai và tài trợ từ hơn hai mươi năm nay thông qua Cơ quan phát triển Pháp, Quĩ đoàn kết ưu tiên, Quĩ các quốc gia mới nổi, hợp tác phi tập trung và các tổ chức phi chính phủ của Pháp, cũng như các định chế đa phương mà Pháp là thành viên. Hai nước sẽ quan tâm phát huy và tăng cường những thành quả của quan hệ hợp tác này để tiếp tục thích nghi với những biến đổi nhanh chóng và năng động kinh tế của  Việt Nam. Việt Nam sẽ thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả những dự án ưu tiên, đặc biệt trong các lĩnh vực được Pháp tập trung hỗ trợ như nông nghiệp, hạ tầng cơ sở (nhất là đô thị), hỗ trợ khu vực sản xuất, chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, quản lý môi trường và nguồn nước. Hai nước sẽ đặc biệt quan tâm tới triển khai thực hiện Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 tại Hà Nội.

 

E. Hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, luật pháp và tư pháp

 

17. Đối thoại giữa các nền văn minh và thúc đẩy sáng tạo văn hóa là một trong những ưu tiên của quan hệ đối tác Pháp-Việt. Hai nước cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện lâu dài và sự phát triển của các trung tâm văn hóa của hai nước tại Hà Nội, Pa-ri và ở địa phương.

 

18. Pháp và Việt Nam phối hợp hoạt động nhằm hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, phù hợp với cam kết trong Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, cũng như hỗ trợ giảng dạy tiếng Việt trong hệ thống giáo dục của Pháp. Hai nước sẽ nỗ lực tăng cường trao đổi giữa nhân dân hai nước.

 

19. Pháp và Việt Nam tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, trên cơ sở cùng phát triển Đại học khoa học và công nghệ Hà Nội, hợp tác giữa các trường đại học và các chương trình đào tạo của Pháp ở Việt Nam. Pháp và Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận cho việc đi lại của sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam học tập tại Pháp, trong khuôn khổ gia tăng tự túc tài chính của phía Việt Nam. Hai bên khẳng định đào tạo về y tế là một trọng tâm trong hợp tác giáo dục đại học, đặc biệt về phòng chống HIV/AIDS.

 

20. Hai nước sẽ hỗ trợ trao đổi khoa học và công nghệ về những thành tựu và dự án nghiên cứu chung được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam và Pháp.

 

21. Hai nước sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp trong khuôn khổ thỏa thuận về hợp tác pháp luật và tư pháp ngày 10/2/1993.

 

22. Nhân dịp “Năm Pháp-Việt Nam” (2013-2014), Pháp và Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi trên lĩnh vực văn hóa, sản phẩm văn hóa và sáng tạo, nghe nhìn và điện ảnh, du lịch, di sản và thể thao.

 

23. Kế hoạch hành động sẽ được xây dựng định kỳ để triển khai Tuyên bố chung này.

 

24. Ký tại Pa-ri ngày 25 tháng 9 năm 2013, bằng 2 bản tiếng Việt và tiếng Pháp; các văn bản có giá trị như nhau.

 
PV