1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tương lai nào cho Iran sau cái chết của Tổng thống Raisi?

Nguyên Long

(Dân trí) - Sau cái chết của Tổng thống Raisi, vai trò của Lãnh tụ tối cao càng trở nên quan trọng hơn và mở rộng đến việc bổ nhiệm các quan chức chủ chốt, đồng thời chỉ đạo chính sách đối nội-ngoại của Tehran.

Tương lai nào cho Iran sau cái chết của Tổng thống Raisi? - 1

Người Iran cầm di ảnh Tổng thống Raisi trong lễ tang của ông ngày 22/5 (Ảnh: AFP).

Việc Tổng thống Ebrahim Raisi đột ngột qua đời trong vụ tai nạn trực thăng đã gây chấn động khắp các hành lang chính trị của Tehran, tiềm ẩn tác động chính trị quan trọng đối với không chỉ riêng nội bộ Tehran mà cả khu vực Trung Đông và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.

Ngày 20/5, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, một số quan chức và cận vệ đã được xác nhận thiệt mạng trong vụ rơi máy bay trực thăng tại khu vực vùng núi ở rừng Dizmar, nằm giữa thành phố Varzaqan và Jolfa, tỉnh Đông Azerbaijan.

Ông Raisi từng đứng đầu Cơ quan tư pháp Iran và đắc cử Tổng thống vào tháng 6/2021 với gần 18 triệu phiếu ủng hộ trong tổng số 28,9 triệu phiếu bầu. Ông được dự đoán là lựa chọn hàng đầu thay thế Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, 85 tuổi, sau khi ông Khamenei qua đời hoặc từ chức.

Mặc dù Tổng thống Iran là người đứng đầu bộ máy hành chính, nhưng không có toàn quyền đối với chính sách đối ngoại, lực lượng vũ trang, hay chính sách hạt nhân của nước này. Các quyền lực trên thuộc về Lãnh tụ Tối cao Khamenei. Tuy nhiên, việc Tổng thống Raisi qua đời đột ngột có thể khiến tình hình an ninh, chính trị của Iran nói riêng và khu vực Trung Đông trở nên phức tạp hơn, nhất là trong bối cảnh Tehran đang phải đối mặt với sức ép cả trong và ngoài nước.

Tác động đối với tình hình chính trị nội bộ của Iran

Trong phiên họp bất thường của chính phủ Iran ngày 20/5, ghế của Tổng thống Raisi được phủ dải băng đen, trên bàn là ảnh chân dung của ông. Theo quy định của Hiến pháp Iran, Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber, 69 tuổi, sẽ trở thành tổng thống tạm quyền cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức vào ngày 28/6.

Các ứng cử viên có thể đăng ký từ ngày 30/5 đến 03/6 và chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 27/6. Do vậy, giai đoạn chuyển tiếp từ nay đến khi bầu được tổng thống mới chứa đựng nhiều sự không chắc chắn bởi môi trường chính trị tiềm ẩn nhiều biến động.

Một là, trong vòng 50 ngày, Hội đồng các lãnh đạo hành pháp, lập pháp và tư pháp, gồm Phó Tổng thống thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Tư pháp của Iran sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử đặc biệt để bầu tổng thống mới. Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Cộng hòa Hồi giáo Iran kể từ khi nước này được thành lập sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979; đồng thời là một khó khăn rất lớn cho Tehran, nhất là trong bối cảnh chính quyền hiện nay không được lòng người dân và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.

Các chuyên gia chính trị đánh giá, mặc dù không phải là người có quyền lực tối cao ở Iran nhưng việc Tổng thống Raisi đột ngột qua đời đang tạo ra khoảng trống quyền lực lớn và có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng chính trị hiện có ở quốc gia Hồi giáo này. Ông Raisi, một người theo đường lối cứng rắn bảo thủ đã có vai trò quan trọng trong việc điều hướng sự phức tạp của các phe phái chính trị ở Iran, cân bằng lợi ích của những người theo đường lối cứng rắn và những người theo chủ nghĩa cải cách ôn hòa hơn.

Hai là, cái chết của Tổng thống Raisi - ứng cử viên hàng đầu kế nhiệm Lãnh tụ tối cao Khamenei - đã làm thay đổi đáng kể động lực của sự kế nhiệm được mong đợi này, có thể tạo ra sự bất ổn và cạnh tranh quyền lực tiềm ẩn trong giới tinh hoa chính trị Iran. Quá trình lựa chọn người kế nhiệm Lãnh tụ tối cao Khamenei rất nhạy cảm và phức tạp, có sự tham gia của Hội đồng chuyên gia (88 thành viên) gồm các luật sư Hồi giáo chịu trách nhiệm bổ nhiệm và giám sát Lãnh tụ tối cao.

Một số ứng viên kế vị tiềm năng cho vị trí Lãnh tụ tối cao phải kể đến hiện nay như Mojtaba Khamenei, con trai của Lãnh tụ Tối cao Khamenei hay các giáo sĩ cấp cao như người đứng đầu buổi cầu nguyện thứ Sáu của Tehran, Ahmad Khatami và người đứng đầu buổi cầu nguyện thứ Sáu của Qom, Hashem Hosseini Bushehri. Những nhân vật này đại diện cho các phe phái khác nhau trong giới bảo thủ và việc ứng cử của họ cho vị trí kế vị Lãnh tụ tối cao tiềm ẩn chủ nghĩa bè phái và căng thẳng chính trị ở quốc gia Hồi giáo này.

Ba là, nền kinh tế Iran hiện đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến nảy sinh nhiều bất bình trong xã hội, nhất là số cử tri trẻ. Nếu quá trình chuyển đổi chính trị sắp tới ở Iran dẫn đến thái độ thù địch gia tăng đối với phương Tây thì các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể nghiêm ngặt hơn, từ đó khiến cho nền kinh tế Iran trở nên trầm trọng hơn nữa, thậm chí là tê liệt. Ngược lại, một nhà lãnh đạo ôn hòa hơn có thể tìm cách giảm bớt căng thẳng và đàm phán dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, cung cấp cứu trợ kinh tế rất cần thiết cho nền kinh tế Iran.

Tác động đến tình hình địa chính trị khu vực và thế giới

Tương lai nào cho Iran sau cái chết của Tổng thống Raisi? - 2

Ông Raisi được xem là nhân vật theo đường lối cứng rắn (Ảnh: Getty).

Một là, quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út: Việc Tổng thống Raisi đột ngột qua đời có tác động đáng kể đến quan hệ giữa Tehran và Riyadh. Trong những năm gần đây, hai nước đã có những bước đi thận trọng hướng tới việc xích lại gần nhau mà quan trọng nhất là việc khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Tuy nhiên, tình trạng lắng dịu "mong manh" này có thể bị đe dọa sau cái chết của ông Raisi. Nếu tổng thống mới sắp tới có đường lối cứng rắn hơn sẽ có thể áp dụng áp dụng cách tiếp cận ít hòa giải hơn đối với Riyadh và có thể khởi dậy sự thù địch, gây bất ổn cho khu vực vùng Vịnh.

Hai là, đối với các cuộc xung đột ủy nhiệm: Ảnh hưởng của Iran trong các xung đột khu vực, đặc biệt thông qua sự hỗ trợ của các nhóm ủy nhiệm như Hezbollah ở Lebanon và Houthis ở Yemen có thể bị tác động. Cái chết của ông Raisi có thể khuyến khích các nhóm này nhận thức về một Tehran đang suy yếu, hoặc làm giảm sự ủng hộ của Iran. Sự thay đổi này có thể làm thay đổi động lực của các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông với những hậu quả tiềm tàng đối với an ninh và ổn định khu vực.

Ba là, quan hệ với Israel: Mối quan hệ đối kháng giữa Iran và Israel là nền tảng trong chính sách khu vực của Tehran. Chính quyền Tổng thống Raisi duy trì lập trường cứng rắn chống lại Israel, đồng thời hỗ trợ cho các nhóm chống lại lợi ích của Israel. Tuy nhiên, chính sách của Tehran có thể thay đổi tùy thuộc vào lập trường của tổng thống sắp tới. Nếu tổng thống mới có lập trường ôn hòa hơn, sẽ tìm cách giảm căng thẳng với Israel, trong khi một tổng thống theo đường lối cứng rắn hơn có thể tăng cường đối đầu, từ đó đẩy tình hình khu vực gia tăng căng thẳng và bất ổn.

Bốn là, đối với thị trường năng lượng toàn cầu: Iran là một thành viên quan trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Bất ổn chính trị ở Tehran có thể dẫn đến biến động giá dầu toàn cầu, ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu và khí đốt.

Chính sách đối ngoại của Iran liệu có thay đổi?

Các nhà quan sát đánh giá, chính sách đối ngoại của Iran có thể sẽ không thay đổi nhiều vì bị hạn chế bởi các trung tâm quyền lực nhà nước cạnh tranh nhau và Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei mới là người nắm quyền quyết định.

Thực tế cho thấy, dưới thời ông Raisi làm Tổng thống, mối quan hệ giữa Iran và phương Tây đã xấu đi rất nhiều do thất bại trong các nỗ lực đàm phán quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) cũng như mối quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ của Tehran với Moscow trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Quan hệ của Iran và Trung Quốc cũng đã trở nên nồng ấm hơn trong thời gian qua.

Mặc dù ở khu vực, Iran có bước cải thiện tích cực trong quan hệ với các nước láng giềng vùng Vịnh Ả Rập nhưng căng thẳng vẫn ở mức cao và khả năng Tehran bị kéo vào một cuộc khủng hoảng bên ngoài là rất lớn. Sự thù địch ở cấp độ thấp tiếp tục diễn ra giữa một bên là Iran và các đối tác của nước này trên "trục kháng cự", với bên kia là Mỹ, Israel và các đồng minh của họ. Cuộc trả đũa của Iran hồi tháng 4 với Israel cho thấy, nguy cơ leo thang căng thẳng luôn tiềm ẩn cho dù dường như không bên nào thực sự mong muốn điều đó xảy ra.

Những hậu quả tiềm tàng từ sự qua đời đột ngột của Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Amir-Abdollahian đối với chính sách đối ngoại của Iran hiện chưa thể đánh giá đầy đủ, nhưng nhìn chung chính sách đối ngoại của Tehran gần như vẫn nhất quán. Mặc dù có thể có một số điều chỉnh về mặt chiến thuật để ứng phó với hoàn cảnh thay đổi, nhưng các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo chính sách đối ngoại của Iran khó có thể thay đổi đáng kể trong tương lai gần. Các quyết định chiến lược được đưa ra bởi Lãnh tụ tối cao và Hội đồng An ninh Quốc gia chứ không phải Văn phòng tổng thống.

Iran được cho là sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ đầy đủ cho các nhóm kháng chiến như Hamas hay Hezbollah. Điều này có nghĩa là các chính sách khu vực của Iran trong việc hỗ trợ các nhóm đồng minh trong khu vực và chương trình hạt nhân có thể không có những thay đổi đáng kể ngay cả khi có tổng thống mới.

Trong bối cảnh cơ cấu chính trị của Iran, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei nắm giữ quyền cao nhất, giám sát các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp, quân đội và truyền thông của Iran, sẽ có vai trò quyết định trong việc định hình các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại cũng như chương trình hạt nhân của Iran. Sau cái chết của Tổng thống Raisi, vai trò của Lãnh tụ tối cao càng trở nên quan trọng hơn và mở rộng đến việc bổ nhiệm các quan chức chủ chốt, đồng thời chỉ đạo chính sách đối nội và đối ngoại của Tehran.

Trong bối cảnh chính trị hiện nay, Lãnh tụ Khamenei cần phải điều hướng sự gia tăng chủ nghĩa bè phái trên chính trường Iran một cách cẩn trọng nhằm duy trì sự ổn định và ngăn chặn các cuộc tranh giành quyền lực có thể gây bất ổn cho đất nước. Những tháng tới đây sẽ rất quan trọng trong việc xác định hướng đi mà Iran sẽ triển khai.

Kết quả của cuộc bầu cử sắp tới và cách tiếp cận của tân tổng thống sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của Iran và các tương tác của nước này với thế giới. Cộng đồng quốc tế cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến này vì mức độ lan tỏa không chỉ trong khu vực Trung Đông mà trên toàn thế giới.