1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tương lai nào cho cuộc đối đầu Macron - Le Pen?

Quốc Thủy

(Dân trí) - Cuộc tổng tuyển cử sớm tại Pháp có thể là cơ hội để đảng của bà Marine Le Pen vươn lên, trong khi Tổng thống Emmanuel Macron được dự đoán sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Tương lai nào cho cuộc đối đầu Macron - Le Pen? - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo đối lập Marine Le Pen sẽ "tái đấu" trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sắp tới (Ảnh: FT Montage/Getty).

Chưa bao giờ đảng Tập hợp Quốc gia Pháp (RN) của bà Marine Le Pen tiến tới gần cơ hội cầm quyền như lúc này. Từ vị thế phe cực hữu bên lề nền chính trị Pháp, đảng này đang đứng trước cơ hội nắm ghế thủ tướng nếu thể hiện tốt trong cuộc tổng tuyển cử sớm sắp tới.

Trong khi đó, đối thủ chính của bà Le Pen - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - đang đứng trước áp lực lớn. Đảng của ông Macron được dự báo có thể một lần nữa gặp thất bại trong bầu cử, đặt ông trước nguy cơ phải làm việc với thủ tướng của phe đối lập trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ.

"Tính cách và cách thức điều hành của ông Macron khiến cử tri - ngoài những người ủng hộ trung thành - ít có khả năng lựa chọn ứng viên của ông ấy. Đây sẽ là điều có lợi cho đảng Tập hợp Quốc gia", giáo sư Paul Bacot tại Viện Nghiên cứu Chính trị Lyon (Pháp) nhận định với Dân trí.

Cơ hội cho bà Le Pen

Theo kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024, đảng Tập hợp Quốc gia giành được 31,4% số phiếu bầu của cử tri Pháp. Con số này cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ phiếu 14,6% mà liên minh trung dung của Tổng thống Macron giành được.

Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, Tổng thống Macron tuyên bố giải tán Quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử trong tháng tới.

"Tôi quyết định cho các bạn lựa chọn. Vì vậy tối nay tôi sẽ giải tán Quốc hội", ông Macron nói trên truyền hình.

Các kết quả thăm dò dư luận cho thấy đảng Tập hợp Quốc gia nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng khó có thể tự mình đạt được đa số ghế trong Quốc hội.

Theo một kết quả thăm dò dư luận được công bố hôm 10/6, đảng Tập hợp Quốc gia sẽ giành được 235-265 ghế, tăng mạnh so với con số 88 ghế hiện nay, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 289 ghế cần thiết để giành đa số. Liên minh trung dung của ông Macron có thể mất gần nửa số ghế, từ 250 xuống còn 125-155, Reuters đưa tin.

Nhận định với Dân trí, Giáo sư Giovanni Capoccia, chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford (Anh), đánh giá đảng Tập hợp Quốc gia nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Dù vậy, quy trình bầu cử Quốc hội Pháp khiến đảng này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với bầu cử châu Âu.

Trong bầu cử châu Âu, các cử tri chỉ phải đi bầu một vòng và lựa chọn một đảng. Số ghế sẽ được phân bổ dựa trên tỷ lệ phiếu. Trong khi đó, bầu cử Quốc hội Pháp gồm hai vòng. Ứng viên chỉ có thể thắng cử nếu có được tỷ lệ ủng hộ trên 50% của cử tri.

"Trong bầu cử hai vòng, liên minh là yếu tố quyết định, ảnh hưởng mạnh mẽ tới kết quả bầu cử. Ở khía cạnh này, đảng Tập hợp Quốc gia sẽ gặp bất lợi do ít đảng phái muốn liên minh với họ", giáo sư Capoccia phân tích.

Liên minh với bà Le Pen vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong lòng phe cánh hữu truyền thống Pháp. Khi lãnh đạo đảng Những người Cộng hòa Eric Ciotti bày tỏ mong muốn trên, hàng loạt nhân vật cấp cao trong đảng tuyên bố phản đối.

Trong những năm qua, đảng Tập hợp Quốc gia cũng đã có những thay đổi để thu hút thêm nhóm cử tri truyền thống. Ví dụ, ngay trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, đảng này tuyên bố sẽ không còn chung phe với đảng cực hữu Đức AfD sau khi một chính trị gia AfD tuyên bố các thành viên tổ chức SS của phát xít Đức "không phải đều là tội phạm".

"Điều này có tác dụng nhất định trong việc thu hút một số công chức và người làm chuyên môn trở thành ứng viên của đảng, cũng như xây dựng hình ảnh một đảng đáng tin cậy hơn trong mắt một số nhóm cử tri truyền thống", ông Capoccia nói.

Ông cũng nhận định việc tỷ lệ cử tri đi bầu sụt giảm ít tác động tới đảng Tập hợp Quốc gia hơn so với các đảng phái khác. Đây cũng là một trong những nhân tố đóng góp vào thành công của đảng.

Theo giáo sư Capoccia, các vấn đề kinh tế - xã hội vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới.

"Những năm gần đây, có hai vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trong các cuộc tranh luận chính trị tại Pháp: chi phí sinh hoạt và nhập cư. Nhiều khả năng hai vấn đề này sẽ tiếp tục có vai trò quyết định trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới", ông chia sẻ.

Ông Macron đối mặt nhiều thách thức

Tương lai nào cho cuộc đối đầu Macron - Le Pen? - 2

Ông Macron tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm sau kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (Ảnh: AFP),

Tuyên bố giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm của ông Macron khiến cả nước Pháp bất ngờ. Ngay cả nhiều thành viên trong đảng của ông cũng không lường trước được động thái này, theo Politico.

"Đó là bất ngờ lớn. Không ai kỳ vọng (Quốc hội) bị giải tán, kể cả những người thuộc phe bà Le Pen", giáo sư Bacot nói

Theo giáo sư Bacot, chính ông Macron đã biến bầu cử châu Âu thành cuộc đối đầu giữa ông và đảng Tập hợp Quốc gia. Do đó, với động thái kêu gọi bầu cử sớm, ông Macron muốn đề nghị cử tri xác nhận (hoặc phủ nhận) lá phiếu của họ tại cuộc bầu cử châu Âu vừa qua.

"Cũng có khả năng tổng thống cho rằng ông không thể điều hành đất nước với một Quốc hội mà ông chỉ có đa số tương đối và ít được các nghị sĩ khác ủng hộ", vị chuyên gia chỉ ra.

Trong hệ thống chính trị Pháp, cử tri bầu tổng thống và Quốc hội trong các cuộc bầu cử riêng biệt. Do Quốc hội là cơ quan bầu thủ tướng, hoàn toàn có khả năng tổng thống và thủ tướng đến từ hai đảng phái khác nhau.

Đây là điều từng xảy ra ba lần trước đây dưới thời Tổng thống François Mitterrand và Jacques Chirac. Tuy nhiên, nếu kịch bản trên trở thành hiện thực sau cuộc bầu cử sắp tới, tình thế sẽ có sự khác biệt: Hai đảng cầm quyền sẽ là phe trung dung và cực hữu, thay vì các đảng cánh tả và cánh hữu truyền thống.

Việc có một thủ tướng từ đảng khác sẽ đem tới cả lợi ích lẫn nguy cơ với ông Macron. Một mặt, khi có vấn đề xảy ra, đảng Tập hợp Quốc gia có thể "đổ lỗi" cho Tổng thống. Mặt khác, bản thân ông Macron cũng có thể san bớt trách nhiệm cho thủ tướng và Quốc hội khi đứng trước chỉ trích.

Bên cạnh đó, khi trở thành đảng cùng cầm quyền, phe của bà Le Pen sẽ mất đi động lực tấn công vào chiếc ghế tổng thống của ông Macron.

"Nếu tình trạng "cùng cầm quyền" trở thành hiện thực, đảng Tập hợp Quốc gia - vốn cho rằng họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới - sẽ không có lợi ích trong việc làm suy yếu vai trò của tổng thống", giáo sư Bacot nhận xét.