1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Từ Ukraine đến quan hệ Nga-Trung

Nếu Mỹ ép Nga, Trung Quốc sẽ khai thác công nghệ quân sự của Nga để củng cố kiểm soát trên biển Đông.

Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin đêm 26-2, Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ Khúc Tinh tuyên bố nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột Ukraine nằm trong ván cờ chiến lược giữa Nga và phương Tây, do đó phương Tây phải tính đến các lo ngại hợp lý của Nga về vấn đề Ukraine.

Quân đội chính phủ rút vũ khí hạng nặng khỏi giới tuyến
Quân đội chính phủ rút vũ khí hạng nặng khỏi giới tuyến

Xung đột Ukraine cách xa Trung Quốc cả ngàn cây số nhưng đã giữ vai trò xúc tác mạnh để quan hệ Nga-Trung trở nên gần gũi hơn như chuyên gia Harry Kazianis nhận định trên tạp chí Mỹ The National Interest.

Tác giả ghi nhận nếu Mỹ quyết định viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, Mỹ sẽ đẩy Nga tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc.

Nga sẽ trả đũa bằng cách hợp tác với Trung Quốc phát triển hệ thống chống tàu ngầm. Qua đó, Bắc Kinh sẽ đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình thực hiện chiến lược A2/AD (chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực). Chiến lược này nhằm ngăn chặn các lực lượng của Mỹ, Nhật và đồng minh xâm nhập vào các khu vực có tầm quan trọng sống còn của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ khai thác công nghệ quân sự của Nga để củng cố kiểm soát trên biển Đông. Bằng cách này, Nga sẽ gây ra nhiều vấn đề khó khăn cho Mỹ và các đồng minh trên thế giới.

Trước đó, trang báo điện tử The Conversation (Úc) nhận định Mỹ đã phạm sai lầm chiến lược khi áp dụng đường lối cứng rắn với Nga vì như vậy đã đẩy Nga tiến lại gần Trung Quốc hơn nữa.

Hầu hết nhà phân tích Mỹ đều xem Trung Quốc là thách thức địa-chính trị chủ yếu của Mỹ. Trung Quốc đang tìm cách thống trị khu vực nên đã tăng cường tiềm lực quân sự. Nếu Mỹ không thay đổi thái độ thù địch với Nga, Nga sẽ tiếp sức để Trung Quốc đương đầu với Mỹ.

Ngoài ra, các lợi ích địa-chính trị của Nga và Trung Quốc cũng giao thoa với nhau.

Trung Quốc không muốn Mỹ thống trị biển Đông còn Nga không muốn phương Tây xâm phạm khu vực ảnh hưởng của Nga. Nói tóm lại, cả Trung Quốc và Nga đều không muốn một thế giới có Mỹ thống trị.

Cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ cung cấp cho Nga mọi hỗ trợ cần thiết cho dù chúng tôi biết Nga có khả năng và khôn ngoan sẵn có để vượt qua khó khăn kinh tế”.

Báo Rossiiskaia Gazeta (Nga) dẫn lời chuyên gia Alexey Maslov ở Trường Cao đẳng kinh tế Moscow (Nga) phân tích Trung Quốc đang hoạch định nhiều dự án lớn mà Nga có thể hợp tác.

Đầu tiên Trung Quốc mong muốn Nga tham gia dự án Con đường tơ lụa mới (nối liền Trung Quốc với châu Âu lục địa thay vì đi đường biển Thượng Hải-Hamburg mất gần 45 ngày). Trung Quốc cũng muốn Nga tham gia các dự án APEC liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông của Nga.

Nói chung Trung Quốc ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án có sử dụng lao động Trung Quốc.

Từ Rome (Ý), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố yêu cầu Nga rút vũ khí hạng nặng vì trong những tháng qua Nga đã đưa vào miền Đông Ukraine hơn 1.000 thiết bị quân sự, pháo binh, hệ thống phòng không và xe tăng. Ông cảnh báo mọi ý đồ bành trướng lãnh thổ sau này của lực lượng ly khai là vi phạm thỏa thuận hòa bình Minsk.

Tiêu điểm

250 binh sĩ còn mất tích và gần 130 binh sĩ bị lực lượng ly khai giữ làm tù binh (theo Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Petro Mekhed).

Logic của vấn đề rất đơn giản: Trung Quốc cần nguồn lực và Nga đã có sẵn trong khi Nga cần thị trường, đầu tư nước ngoài, tiền bạc và Trung Quốc sẵn sàng trao (Trang báo điện tử THE CONVERSATION, Úc)

 
Theo Hoàng Duy
Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm