Tư lệnh Tuần duyên Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam đảm bảo an ninh biển
(Dân trí) - Một chỉ huy cấp cao của tuần duyên Mỹ cho biết lực lượng này đang hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền của các đối tác và đồng minh.
Trong buổi trao đổi qua điện thoại ngày 23/7, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ (USCG) Karl L. Schultz cho biết Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các nước tại Biển Đông và Ấn Độ-Thái Bình Dương nói chung nhằm giúp các bên nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền trong khu vực.
“Chúng tôi đang hợp tác, làm việc rất chặt chẽ với Việt Nam. Chúng tôi đã chuyển các tàu tuần tra từng qua sử dụng có năng lực quân sự cao, cụ thể là tàu lớp Hamilton dài 115 m, cho các nước Philippines, Sri Lanka và Việt Nam. Đây là những công cụ mà các nước có thể chủ động sử dụng để nâng cao năng lực và bảo vệ lợi ích chủ quyền của họ tại khu vực”, ông Schultz cho hay, nhấn mạnh đây là những tàu tuần tra uy lực.
Ngoài ra, Đô đốc Mỹ còn nhấn mạnh rằng tuần duyên nước này cũng hợp tác với Malaysia, Indonesia và giúp đỡ các nước này nâng cao năng lực trước các diễn biến trong khu vực.
Ông Schultz nhấn mạnh rằng Mỹ ủng hộ những trật tự tuân thủ theo quy tắc, sự tiếp cận mở cửa và tự do với thông tin liên lạc đường biển và sự đóng góp của lực lượng tuần duyên Mỹ cho mục tiêu này là khá quan trọng.
Ông Schultz nhấn mạnh rằng chính Mỹ rất quan tâm tới Ấn Độ-Thái Bình Dương, và Biển Đông nói riêng vì khu vực này có ảnh hưởng quan trọng tới lợi ích của Mỹ cũng như lợi ích quốc tế thông qua quy mô của các hoạt động kinh tế và giao thương tại đây.
Ông cho hay tuần duyên Mỹ cùng với các lực lượng khác như hải quân sẽ cam kết hoạt động vì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, với những hành xử thể hiện sự tôn trọng luật lệ, quy tắc quốc tế.
Đô đốc Mỹ cũng đánh giá rằng cách hành xử của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc, gồm lực lượng dân quân biển là không “đồng nhất” với những trật tự dựa trên quy tắc. Ông cho rằng tuần duyên, hải quân Mỹ cùng với các lực lượng đồng minh, đối tác trong khu vực cần lên tiếng bác bỏ những cách hành xử mà ông mô tả là “cưỡng ép” từ Trung Quốc.
Đức Hoàng