1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương:

Từ “cái bắt tay chiến lược” tới thỏa thuận “bọc trong thép”

Quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác tạo thành nền tảng cho cam kết của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Củng cố các quan hệ quốc phòng

Các quan hệ này đã được nuôi dưỡng trong nhiều thập kỷ, trải qua nhiều thăng trầm và đã xây dựng dựa trên các lợi ích, giá trị chung. Theo chính sách tái cân bằng, Bộ Quốc phòng sẽ hiện đại hoá các liên minh và đối tác này nhằm đảm bảo rằng đây sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Tại Đông Á, đồng minh Mỹ – Nhật vẫn là hòn đá tảng của an ninh Châu Á – Thái Bình Dương. Với những chỉ dẫn quốc phòng mới mà Washington và Tokyo ký năm 2015, liên minh này chưa bao giờ mạnh hơn thế hay chưa bao giờ có khả năng góp phần đảm bảo an ninh quanh khu vực nào và xa hơn nữa như hiện nay.

Lần đầu tiên cập nhật kể từ năm 1997, các chỉ dẫn này đã nắm bắt các xu thế mới và công nghệ mới và tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ và Nhật phối hợp chặt chẽ hơn và trên một quy mô lớn hơn, bao gồm cả khi không xảy ra xung đột, trong không gian vũ trụ và không gian mạng.

Liên minh Mỹ – Hàn đã tiến một bước lớn năm 2014, khi hai nước nhất trí một cách tiếp cận dựa trên các điều kiện thay vì dựa trên thời gian biểu nhằm xác định khi nào Hàn Quốc sẽ được quyền kiểm soát chiến dịch quân sự của liên minh ngay cả trong thời chiến. Tháng 7 vừa qua, hai nước đã quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giao đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc vào một ngày sớm nhất.

Về phần mình, Liên minh Mỹ – Australia đã ngày càng trở thành một liên minh toàn cầu. Hai nước đang tiếp tục hợp tác quốc phòng chặt chẽ không chỉ trong khu vực, mà cả ngoài khu vực, nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.


Thủ tướng Nhật Bản trong một chuyến thăm Mỹ năm 2015. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản trong một chuyến thăm Mỹ năm 2015. Ảnh: Reuters

Tổng thống Obama đã nói rõ rằng cam kết của Mỹ với Philippines “đã được bọc thép”. Trong quá trình thực thi chính sách tái cân bằng, liên minh này đã tiến một bước dài.

Ngoài các liên minh, Mỹ cũng làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác với các bạn hữu trong khu vực. Ví dụ quan hệ Mỹ – Ấn đã trở thành một trong những đối tác lớn nhất trong thế kỷ 21. Mỹ và Ấn Độ là hai nước lớn có nhiều điểm chung: hai chính phủ dân chủ, các xã hội đa sắc tộc và đa văn hoá với một cam kết tự do cá nhân và sự tham gia của dân chúng và các công việc nhà nước, các nền kinh tế đang lớn mạnh, đổi mới và mở cửa.

Tháng 6 vừa qua, Nhà Trắng đã thừa nhận Ấn Độ là một “đối tác quốc phòng chính”, tạo điều kiện cho hoạt động giao thương quân sự và chia sẻ công nghệ với Ấn Độ ở mức mà Mỹ dành cho các bạn hữu thân thiết nhất và các đồng minh.

Trong khuôn khổ “cái bắt tay chiến lược” – với việc Mỹ hướng Tây trong chính sách tái cân bằng và Ấn Độ hướng Đông trong chính sách Hành động phía Đông của mình – hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung và củng cố quan hệ an ninh song phương nhằm đối phó với các thách thức chung.

Đây cũng là một cái bắt tay công nghệ giữa hai lực lượng quân đội. 4 năm trước, Mỹ và Ấn Độ đã thành lập Sáng kiến Công nghệ quốc phòng và thương mại nhằm tận dụng lợi thế của các năng lực công nghệ và công nghiệp của hai bên, một chương trình rất phù hợp với chiến lược “Make in India” của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước. Kết quả là hai nước đã bắt đầu cùng nhau thiết kế và sản suất một loạt dự án quốc phòng.

Chính sách tái cân bằng cũng giúp Mỹ phát triển sâu sắc hơn các quan hệ với Đông Nam Á. Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama tới Hà Nội hồi tháng 5 là biểu hiện mới nhất cho việc quan hệ đối tác Mỹ – Việt đã được củng cố và tăng cường.

Quan hệ Mỹ – Singapore cũng tiếp tục phát triển. Tháng 12/2015, hai nước đã ký Thoả thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường. Bên cạnh đó, hải quân Mỹ đã cử máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon luân phiên tới Singapore, nơi Mỹ cũng sẽ triển khai 4 tàu chiến gần bờ, cũng trên cơ sở luân phiên. Trong khi đó, Mỹ phối hợp với Indonesia và Malaysia giúp họ đối phó tốt hơn với các thách thức an ninh khu vực và tăng cường an ninh khu vực.

Sự nổi lên của Trung Quốc tất nhiên cũng tác động sâu sắc tới Châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ hoan nghênh sự nổi lên của một Trung Quốc hoà bình, ổn định và thịnh vượng, có thể đóng một vai trò có trách nhiệm và đóng góp cho mạng lưới an ninh khu vực.

Nhiều nước đang tìm kiếm quan hệ đối tác có lợi với Trung Quốc nhưng lo ngại ngày càng gia tăng trước một số hành động và ý định của nước này chấp nhận va chạm khu vực để theo đuổi lợi ích của riêng mình. Dù Trung Quốc từ lâu hưởng lợi từ các nguyên tắc và hệ thống khu vực này mà các nước khác, trong đó có Mỹ, đã nỗ lực để xây dựng và duy trì, với các hành động của mình trên biển, trên không gian mạng, trong nền kinh tế toàn cầu và những nơi khác, Bắc Kinh đôi khi chơi theo luật của riêng mình và không tuân thủ các nguyên tắc chung ấy.

Mô hình Trung Quốc không phù hợp với cái mà Châu Á – Thái Bình Dương muốn hướng tới, nó phản ánh quá khứ xa xôi của khu vực này hơn là tương lai dựa trên luật lệ mà Mỹ và nhiều nước khác mong muốn, và cách tiếp cận của họ không mang tính xây dựng.

Các hành động của Trung Quốc làm họ tách biệt khỏi phần còn lại của Châu Á – Thái Bình Dương, xây dựng một bức Vạn lý trường thành tự cô lập mình vào thời điểm khu vực đang phối hợp về kinh tế, chính trị và quân sự nhằm tăng cường các lực ích chung và một trật tự dựa trên luật lệ. Kết quả là các nước trong khu vực bày tỏ lo ngại, một cách kín đáo hoặc công khai, ở mức cao nhất, trong các các cuộc hội nghị cấp khu vực hay tại các diễn đàn toàn cầu, về các hành động của Trung Quốc.

Mỹ vẫn cam kết phối hợp với Trung Quốc để đảm bảo một tương lai khu vực dựa trên luật lệ. Hai nước có một quan hệ quân đội – quân đội lâu đời. Quân đôi của Mỹ và Trung Quốc gần đây đã hoàn tất hai biện pháp xây dựng lòng tin, một về quy tắc ứng xử trên biển và một về thông tin liên lạc thời khủng hoảng, và định kỳ cùng tham gia các cuộc tập trận đa phương.

Qua các hành động này, hai nước là những viên gạch lớn trong công trình xây dựng các kênh thông tin nhiều hơn và tốt hơn và giảm nguy cơ hiểu nhầm có thể dẫn tới khủng hoảng.

(Còn tiếp)

Theo Thảo Linh

Vietnamnet