1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trước thềm Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc: Đã chọn xong nhân sự của Thường vụ Bộ Chính trị

Đại hội Đảng 18 của Trung Quốc ngày 8/11 là sự kiện chính trị quan trọng với hơn 1,34 tỉ người bởi diễn ra trong bối cảnh nước này đang trong thời kỳ then chốt xây dựng một xã hội hài hòa, cải cách mở cửa sâu rộng, đẩy nhanh phát triển và chuyển đổi kinh tế.

 
Đại hội 18 được triệu tập trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tiến trình xây dựng và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc. Đại hội 18 sẽ đề ra những kế hoạch chiến lược cho cải cách và phát triển của Trung Quốc với trọng tâm nhằm vào những vấn đề tồn tại nổi lên trong quá trình phát triển đất nước và những vấn đề người dân đang quan tâm.

Thường vụ Bộ Chính trị rút xuống còn 7 người

Vì từng nhiều lần dự đoán đúng danh sách tân lãnh đạo Trung Quốc trong quá khứ nên dư luận đặc biệt quan tâm tới thông tin mà trang web Mirror Books vừa đăng tải hôm 2/11. Theo trang web Mirror Books, Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 sẽ giảm từ 9 thành viên xuống còn 7 người và đây được coi là nỗ lực nhằm đơn giản hóa quy tắc đồng thuận.Theo đó, người thay thế Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào là Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, còn Phó thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Đây là 2 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 17 còn ở lại sau Đại hội 18.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, lãnh đạo của thê đội 5 đã được hình thành, theo đó cơ chế “Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường” sẽ thay thế cơ chế “Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo”. Vẫn theo trang web Mirror Books, 5 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tiếp theo là ông Trương Đức Giang, Bí thư Trùng Khánh; ông Du Chính Thanh, Bí thư Thượng Hải, ông Lưu Vân Sơn, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, ông Trương Cao Lệ, Bí thư Thiên Tân và ông Vương Kỳ Sơn, Phó thủ tướng.

Ông Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình.

Đại hội 18 đánh dấu bước chuyển giao của thê đội 4 cho thê đội 5. Hơn nữa, sự kiện chính trị này còn đánh dấu một đợt thay đổi sâu sắc nhất từ trước đến nay trong Bộ Chính trị, nhất là Thường vụ Bộ Chính trị bởi có tới 7/9 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị cùng 17/25 Ủy viên Bộ Chính trị và khoảng 200 trong tổng số 350 Ủy viên Trung ương sẽ nghỉ hưu vì những lý do khác nhau sau Đại hội 18.

Theo ông Willy Lam, học giả nghiên cứu nổi tiếng về Trung Quốc, cuộc họp Trung ương 7 khóa 17 diễn ra từ ngày 1/11 với sự tham dự của khoảng 500 người đã thống nhất với những thành viên mới sẽ được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 và họ đều là người nhận được sự ủng hộ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Được biết, Hội nghị Trung ương 7 khóa 17 đã thảo luận báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa 17, thảo luận báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương, thảo luận “Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc” (sửa đổi), bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa 18, bầu Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương khóa mới…

Được biết, có 2.270 đại biểu tham dự Đại hội 18, tăng 57 người so với 2.213 đại biểu tại Đại hội 17 và những người này được bầu từ 40 đơn vị bầu cử trong cả nước với tuổi trung bình là 52, trong đó gần 60% ở độ tuổi dưới 55. Theo thống kê, tính đến hết năm 2011, Đảng Cộng sản Trung Quốc có hơn 82 triệu đảng viên, trong đó gần 40% người có bằng đại học hoặc cao hơn.

Số lượng đảng viên là công nhân và nông dân bằng khoảng 50% so với số giáo sư, cán bộ và công chức làm việc trong các tổ chức công. Giới truyền thông đưa tin, trước thềm Đại hội 18, Bí thư thành ủy một số địa phương như Thượng Hải, Hà Bắc, An Huy đã đưa thông tin liên quan tới Đại hội 18 lên Sina Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc (giống Twitter của phương Tây). Trong đó nhấn mạnh tới 3 nhiệm vụ của tân lãnh đạo là: hết lòng vì công việc, xóa bỏ đặc quyền đặc lợi và hòa hợp với công dân mạng, đặc biệt là cộng đồng blogger.

Giới truyền thông cũng cho rằng, sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Lý Bằng và cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ mấy ngày qua thực sự khiến dư luận quan tâm bởi diễn ra trước thềm Đại hội 18. Cho tới nay, uy tín và ảnh hưởng của 2 cựu Thủ tướng vẫn còn khá lớn nên mọi động thái của họ đều được dư luận chú ý.

Lý luận “Quan điểm phát triển khoa học” lên ngôi

Ngoài vấn đề nhân sự cấp cao, dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới một số lý luận quan trọng sẽ được thảo luận tại Đại hội 18 bởi vấn đề này đã và đang giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Hiện giới chuyên môn quan tâm tới lý luận “Quan điểm phát triển khoa học” được đưa ra từ Đại hội 16 (năm 2002) vì sau thực tiễn 10 năm, lý luận này đã được kiểm chứng một cách khoa học, khẳng định được sự phù hợp với tình hình đất nước Trung Quốc, cũng như nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân. Bởi lý luận “Quan điểm phát triển khoa học” đãgiải quyết được nhiều vấn đề trong quá trình phát triển quốc gia hơn 1,34 tỉ người, không chỉ liên quan tới kinh tế, mà cả chính trị, văn hóa, xã hội...

Ông Lý Khắc Cường

Ông Lý Khắc Cường

Giới phân tích nói rằng, kể từ khi lên nắm quyền sau Đại hội 16 (2002-2012), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã đưa Trung Quốc từ vị trí thứ 6 lên ngôi vị thứ 2 trong nền kinh tế thế giới. Ông Hồ Cẩm Đào từng tuyên bố, tiêu chuẩn để đánh giá công cuộc cải cách mở cửa có thành công hay không chính là đời sống của người dân có được cải thiện, gia tăng hay không.

Giới bình luận nhận định, sau 34 năm cải cách mở cửa (1978-2012), Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó phải kể đến việc làm thế nào để duy trì phát triển, nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đến năm 2050 trở thành nước phát triển trung bình.

Để đảm bảo an ninh cho Đại hội 18, cơ quan chức năng đã đề ra các biện pháp như không hạ cửa kính xe taxi, không thả chim bồ câu và bóng bay, không được mua máy bay điều khiển từ xa mà không được cảnh sát cho phép, không mang chất độc hại, chất gây cháy nổ, chất ăn mòn, chất phóng xạ, hoặc súng, đạn.

Ngoài những biện pháp kể trên, nhà chức trách còn kiểm soát Internet bằng cách ngăn chặn những từ khóa nhạy cảm. Kể từ tháng 8, Bắc Kinh đã triệt phá nạn cờ bạc, mại dâm, taxi dù… Cảnh sát Bắc Kinh cũng đang kiểm soát các lao động nhập cư chặt chẽ hơn. Riêng tỉnh Hồ Bắc, nơi có thủ đô Bắc Kinh đã ra lệnh cho 60.000 cảnh sát không nghỉ lễ từ 20-10 đến 20-11 để tham gia bảo vệ Đại hội 18.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào từng đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2020. Theo đó, GDP bình quân đầu người tăng 4 lần so với năm 2000, cơ bản xây dựng hệ thống đảm bảo xã hội đối với cư dân ở thành thị và nông thôn, cơ bản xóa bỏ hiện tượng đặc biệt đói nghèo, mọi người đều được hưởng dịch vụ y tế cơ bản, cơ bản hình thành kết cấu ngành nghề tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là thách thức không nhỏ đối với người kế vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.

Có tin nói rằng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào muốn trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949) đến nay thực hiện việc không can dự vào chính trường sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Bởi ông Hồ Cẩm Đào sẽ bàn giao cả 3 vị trí Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào đầu năm 2013 cho người kế vị Tập Cận Bình, Phó chủ tịch nước và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Cách đây 30 năm (1982-2012), Trung Quốc đã bỏ cương vị Chủ tịch đảng, duy trì chế độ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước và người đương nhiệm vẫn duy trì quyền lực bằng cách giữ ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương 2 năm sau khi rời cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đang muốn thay đổi cơ chế này theo cách của mình. Dự kiến, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào sẽ rời chính trường trong tháng 3/2013.

Những cảnh báo và khuyến cáo

Ông Phạm Trường Long

Ông Phạm Trường Long

Giới truyền thông đưa tin, có 3 thách thức lớn đối với ban lãnh đạo mới trong 10 năm tới, đó là điều chỉnh tương quan khu vực nhà nước và tư nhân, giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng và điều chỉnh cơ chế thị trường.

Giới bình luận cho rằng, ưu tiên của lớp lãnh đạo mới sẽ là kinh tế bởi mô hình phát triển của Trung Quốc cần phải thay đổi sau 34 năm cải cách mở cửa (1978-2012), cùng những bất bình đẳng, bất cập trong xã hội (khoảng 250 triệu người không có khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và an sinh, dân số già hóa tăng, 16/20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới), nhất là khoảng cách giàu nghèo - cuối bảng xếp hạng ở châu Á.

Giới kinh tế nhận định, Trung Quốc sẽ tham gia vào hàng ngũ các nước thu nhập trên trung bình theo tiêu chuẩn của World Bank vào năm 2020. Bởi tới năm 2020, GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc sẽ đạt 10.000USD so với mức 5.530USD năm 2011.

Tuy là nền kinh tế thứ hai thế giới, nhưng Trung Quốc hiện đứng thứ 77 trên tổng số 213 nền kinh tế trong năm 2011. Với phương châm “chỉ có tạo lập ưu thế về khoa học mới có thể nắm được quyền chủ động trong phát triển kinh tế”, Trung Quốc đã và đang dành cho khoa học - kỹ thuật sự ưu tiên và đầu tư đáng kể.

Riêng trong năm 2011, đầu tư kinh phí cho nghiên cứu phát triển khoa học - kỹ thuật của Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới. Từ năm 1999 tới nay, chi tiêu dành cho khoa học - kỹ thuật của Bắc Kinh tăng đều đặn (khoảng 20%/năm) và đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt tới 40%.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, từ nay tới năm 2020, khoảng 2 triệu người sinh sống tại các vùng núi cao thuộc tỉnh Quý Châu sẽ được di dời tới các khu tái định cư và đây là một trong những đợt tái định cư lớn nhất trong lịch sử của nước này. Đây được coi là một trong những biện pháp chống đói nghèo tại các tỉnh, thành nghèo nhất ở Trung Quốc.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn đã tăng khá nhanh - thu nhập trung bình hàng năm với người dân nông thôn vào khoảng 1.110USD, trong khi cư dân thành thị là 3.500USD. Viện Nghiên cứu quốc tế về Phát triển đô thị Trung Quốc vừa cảnh báo về khoảng cách giàu nghèo tại nước này - đã tới mức báo động, do đó, bất mãn của người dân chính là động lực để chính phủ đẩy mạnh cải cách và để làm được việc này Bắc Kinh phải vượt qua sự chi phối của các nhóm lợi ích.

Ông Hứa Kỳ Lượng
Ông Hứa Kỳ Lượng

Quỹ Nghiên cứu phát triển Trung Quốc cũng vừa khuyến cáo chính phủ nên bắt đầu chấm dứt chính sách một con không được nhân dân đồng tình và cho phép mỗi gia đình có hai con trước cuối năm 2015. Nhiều người khuyến cáo, hệ lụy tiêu cực của chính sách 1 con đã khiến hơn 400 triệu trẻ em không được ra đời, nhưng lại đẩy tỉ lệ sinh dài hạn của nước này xuống mức thấp kỷ lục.

Hiện tỉ lệ sinh đã ở gần mức 1,56, thấp hơn tỉ lệ sinh thay thế 2,1 (mức cần thiết để duy trì dân số ở mức không đổi) và chính sách 1 con đã tạo ra hiện tượng xấu. Kể từ đầu năm đến nay, tỷ lệ dân số sống ở thành thị đã tăng lên 50%, nhưng tỷ lệ đô thị hóa vẫn ở mức quá thấp.

Rào cản lớn nhất đối với quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc chính là chế độ cấp hộ khẩu. Giới chuyên môn cho rằng, giai đoạn thần kỳ kinh tế chấm dứt và yếu tố quan trọng nhất khiến sự tăng trưởng này suy giảm chính là quy mô của Trung Quốc. Nếu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc không đủ để tạo ra việc làm cho thế hệ tiếp theo sẽ mối đe dọa không nhỏ tới sự ổn định đất nước.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung sẽ có nhiều khó khăn chưa từng có so với những năm trước, chủ yếu là do mức độ phức tạp của vấn đề và nó sẽ có nhiều tranh cãi cùng những thách thức không nhỏ. Nguyên Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Solomon (1989-1992) cũng nhận định, Trung Quốc đang bước vào một khoảng thời gian rất khó khăn và xã hội nước này đang phát triển nhanh hơn sự phát triển của hệ thống chính trị.

Những sản phẩm ăn theo độc đáo

Giới truyền thông đưa tin, những ngày gần đây tại Trung Quốc người ta không khỏi bất ngờ khi thấy những sản phẩm mang “thương hiệu Tập Cận Bình” như “Tập tửu” (rượu), “Tập yên” (thuốc lá), “Tập đường” (bánh kẹo)… được tiêu thụ rất mạnh. Thậm chí cả “Tập mạng” (website) cũng đã ra đời với tốc độ truy cập mạnh đến mức khó hiểu. Dư luận coi đây là một cách tiếp thị nhanh của giới kinh doanh, nhưng cũng là điều dễ hiểu bởi mọi người đều cho rằng, ông Tập Cận Bình sẽ trở thành hạt nhân lãnh đạo sau Đại hội 18 - trở thành Tổng bí thư, Chủ tịch nước kể từ sau Đại hội 18 để lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới này trong vòng 10 năm tới.

Do đó, những sản phẩm ăn theo tên tuổi của ông Tập Cận Bình đột ngột trở nên đắt khách một cách lạ thường tại khắp nơi trên đất nước Trung Quốc. Được biết, nhiều đài truyền hình từ trung ương đến địa phương đã sản xuất những bộ phim tài liệu, phóng sự nói về bổ đẻ ông Tập Cận Bình - cố Phó thủ tướng ông Tập Trọng Huân. Tại tỉnh Thiểm Tây, quê hương của ông Tập Trọng Huân vừa tổ chức rầm rộ sự kiện “Kỷ niệm 99 năm ngày sinh Tập Trọng Huân” với sự tham dự của hơn 1.000 lãnh đạo địa phương. Tỉnh ủy Cam Túc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho ảnh tư liệu (ảnh cỡ lớn) với chủ đề “Tập Trọng Huân và tỉnh Cam Túc”

Cuối buổi sáng 4/11, Hội nghị Trung ương 7 khóa 17 đã bế mạc sau 4 ngày làm việc (từ 1/11) với việc thông báo Thượng tướng Phạm Trường Long, Tư lệnh Đại quân khu Tế Nam (sinh tháng 5/1947 tại Đan Đông, Liêu Ninh) và Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, nguyên Tư lệnh Không quân (sinh tháng 3/1950 tại Sơn Đông) cùng được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương thay thế 2 người tiền nhiệm là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.

Hội nghị cũng nhất trí với quyết định của Bộ Chính trị khai trừ khỏi Đảng đối với nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân, người đã bị bắt từ năm 2011 và cả 2 quan chức này đang chờ ngày hầu tòa.


Theo Phù Lưu - Bắc Ninh
Petrotimes