1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc xử lý ô nhiễm không khí thành công bằng cách nào?

Năm 2014, Bắc Kinh bị đánh giá là nơi con người “gần như không thể thở nổi”. Thủ đô của Trung Quốc khi đó đang trải qua đợt ô nhiễm tồi tệ nhất trong lịch sử. Với mức ô nhiễm cao gấp 45 lần giới hạn khuyến cáo, Bắc Kinh xếp thứ 40 thế giới về nồng độ bụi mịn PM2.5.

Trung Quốc xử lý ô nhiễm không khí thành công bằng cách nào? - 1

Một ngày ô nhiễm ở TP Thượng Hải, Trung Quốc, năm 2017. (ảnh: Reuters)

Ngày 3/4/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố trước 3.000 đại biểu Quốc hội và hàng triệu người đang  theo dõi qua truyền hình: “Chúng ta sẽ kiên quyết tuyên chiến với ô nhiễm như từng tuyên chiến với đói nghèo”. 

Tuyên bố này đánh dấu sự thay đổi về chính sách. Trong một thời gian dài, Trung Quốc luôn ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn môi trường, vì thế nhiều người hoài nghi liệu nước này có thực sự giải quyết được tình trạng ô nhiễm. 

Bốn năm sau tuyên bố đó, số liệu cho thấy Trung Quốc chiến thắng với tốc độ kỷ lục. Các thành phố giảm được trung bình 32% nồng độ bụi mịn trong không khí chỉ trong vòng 4 năm. 

Trung Quốc làm thế nào để có được kết quả đó? 

Trong vài tháng trước khi ông Lý đưa ra tuyên bố trên, nước này công bố một chương trình hành động quốc gia về cải thiện chất lượng không khí, trong đó yêu cầu tất cả các khu vực đô thị phải giảm ít nhất 10% nồng độ bụi mịn, một số thành phố khác phải cắt giảm nhiều hơn. Thủ đô Bắc Kinh phải giảm 25%, và thành phố này quyết định dành nguồn kinh phí 120 tỷ USD để thực hiện mục tiêu đó. 

Để triển khai kế hoạch, Trung Quốc cấm xây thêm nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở các khu vực ô nhiễm nhất cả nước, trong đó có thủ đô. Các nhà máy đang hoạt động phải giảm lượng khí phát thải. Nếu không, than sẽ bị thay bằng khí tự nhiên. Những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu hạn chế lượng ô-tô được chạy trên đường. Trung Quốc cũng giảm năng lực sản xuất của các nhà máy cán thép và đóng cửa nhiều mỏ than. 

Một số hành động hành động không chỉ quyết liệt mà còn khác thường. Ví dụ, năm 2017, Bộ bảo vệ môi trường đưa ra “kế hoạch chiến đấu” dài 143 trang, trong đó có yêu cầu xóa sổ lò đốt than mà nhiều gia đình và doanh nghiệp sử dụng để sưởi ấm trong mùa đông. Lệnh cấm này được áp dụng dù lựa chọn thay thế không phải chỗ nào cũng sẵn có. Lệnh cấm khiến một số gia đình, sinh viên và doanh nghiệp trải qua mùa đông mà không có gì sưởi ấm. 

Thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí là bài học cho thấy sự giận dữ của người dân và nỗi xấu hổ trước cộng đồng quốc tế có thể khiến chính quyền phải hành động. 

Tháng 3 năm nay, cơ quan về môi trường của Liên Hợp quốc ra báo cáo nói rằng nỗ lực thành công của Trung Quốc trong việc giảm ô nhiễm không khí là hình mẫu cho các nơi khác học tập. 

Cũng trong năm 2014, Delhi phản đối kết luận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng không khí ở thành phố này bẩn hơn ở bắc Kinh. Đến nay, Bắc Kinh đã thoát khỏi danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất không khí, còn Delhi đang ở phía ngược lại. 

Khi miền bắc Ấn Độ và một số khu vực của Pakistan đang trải qua đợt ô nhiễm không khí lên đến ngưỡng nguy hiểm, trò đổ lỗi nổ ra giữa các chính trị gia ở hai phía của biên giới. 

Các bộ trưởng Pakistan cho rằng chất lượng không khí tồi tệ ở một số thành phố của họ như Lahore là do tình trạng đốt rơm rạ bên phía Ấn Độ. 

Vào thời điểm này, nông dân thường đốt rơm rạ để chuẩn bị đất cho vụ mùa tiếp theo. Nhưng việc này cũng là nhân tố chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. 

Ở bên kia biên giới, một chính trị gia Ấn Độ nói rằng không khí độc hại đang bao trùm thủ đô New Delhi có thể đến từ Pakistan hoặc Trung Quốc. Ông Vineet Agarwal Sharda, lãnh đạo đảng BJP cầm quyền, nói rằng “khí độc” có thể do một trong hai nước láng giềng xả ra và gây ô nhiễm cho thủ đô của Ấn Độ, BBC đưa tin.

Theo Bình Giang

Tiền phong