1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc "vỡ mộng" xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc

(Dân trí) - Việc xây dựng các đường sắt cao tốc ở nước ngoài nằm trong tham vọng “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc nhằm gia tăng các kết nối hạ tầng và thương mại với các quốc gia từ châu Á tới châu Phi, nhưng hầu hết các dự án đường sắt hiện thời đều bị đình trệ.


Một triển lãm tàu cao tốc của Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Một triển lãm tàu cao tốc của Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Nhiều thỏa thuận bị hủy

Các chuyên gia nhận định rằng, chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc ra nước ngoài đang gặp nhiều trở ngại, khiến mục đích của nước này nhằm thúc đẩy sự kiện trên với các quốc gia trên khắp các châu lục trở nên khó đạt được.

“Không có trường hợp nào cho thấy Trung Quốc xuất khẩu đường sắt cao tốc được xem là rất thành công. Tình hình rất không thuận lợi”, Thời báo Hoa nam Buổi sáng ngày 2/4 dẫn lời phát ngôn viên Dou Xin của công ty CRRC Qingdao Sifang, cho biết.

Sifang là một trong những hãng chế tạo đầu máy lớn nhất Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng một đoàn tàu cao tốc cho một dự án đường sắt ở Mexico. Nhưng kế hoạch đã thất bại sau khi Mexico hủy bỏ dự án đường sắt dài 210km hồi năm 2015 do cắt giảm ngân sách.

“Trở ngại lớn nhất đối với các quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc là thiếu nguồn lực tài chính. Các tàu và đường sắt cao tốc rất đắt đỏ”, phát ngôn viên Dou nói. “Dù công nghệ của Trung Quốc có giá cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác như nó vẫn quá đắt đối với nhiều nước”.

Việc ký kết các thỏa thuận đường sắt cao tốc đã trở thành vấn đề được ưu tiên trong các chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi có các chuyến thăm ra nước ngoài, nhưng nhiều trong số các thỏa thuận này thường bị trì hoãn do các vấn đề tài chính.

Tuyến đường sắt cao tốc nối Jakarta với Bandung tại Indonesia cũng bị ngừng hồi tháng 1 năm ngoái. Dự án liên doanh trị giá 5,1 tỷ USD chỉ nhận được giấy phép hoạt động hồi tháng trước, đưa nó tiến gần hơn một bước tới việc nối lại thi công.

Việc xây dựng tuyến đường sắt dài 150km đã bị chỉ trích tại Indonesia là quá đắt đỏ và không chú ý tới các khu vực ít phát triển hơn.

Năm ngoái, công ty XpressWest của Mỹ cũng hủy các cuộc thảo luận với hãng China Railway International của Trung Quốc để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc giữa Las Vegas và Los Angeles.

Yi Min, tư vấn trưởng về hợp tác với Trung Quốc tại công ty đường sắt MTR của Hong Kong, cho hay nhiều quốc gia không có nền tảng mạnh để hỗ trợ một mạng lưới đường sắt đắt đỏ. “Đối với các đường sắt cao tốc, vấn đề lớn nhất là việc bảo trợ - ai sẽ trả tiền?”, ông Yu nói.

Đất nước đông dân

Trung Quốc đã mạng lưới đường dắt dài 124.000km tính tới cuối năm ngoái, với hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới bao phủ trên 22.000km, hãng tin Xinhua cho biết hồi tháng 2. Tổng chiều dài của mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ tăng lên 30.000km vào năm 2020, kết nối hơn 80% các thành phố lớn nhất nước này.

Trong mùa đi lại kéo dài 40 ngày dịp năm mới âm lịch tại Trung Quốc vừa qua, 1,6 tỷ vé tàu cao tốc đã được bán ra.

Có nhiều lý do để Trung Quốc phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc.

“Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới và những ngày nghỉ như nghỉ tết âm lịch khiến nhu cầu đi lại rất lớn. Đó là một trong những lý do tại sao hệ thống đường sắt cao tốc phát triển nhanh tại Trung Quốc”, ông Dou nói.

Các khó khăn về địa lý trong việc xây dựng cầu và đường hầm, vốn cần thiết để giúp các hành trình ngắn hơn và dễ dàng hơn để tàu cao tốc đi qua, làm gia tăng chi phí của việc xây dựng đường sắt và làm tồi tệ thêm các vấn đề tài chính.

“Trung Quốc là một đất nước rộng lớn nên chúng tôi có thể dễ dàng tìm địa điểm thích hợp để xây đường sắt”, ông Dou nói.

Khi không có đủ diện tích đất bằng phẳng, những quốc gia nhiều đồi núi như Nam Á khó xây dựng các đường sắt như vậy.

Một trong số rất ít các đường sắt cao tốc của Trung Quốc thành công ở nước ngoài là tại Thổ Nhĩ Kỳ, với tuyến đường sắt nối Ankara và Istanbul. Tại đây, các công ty Trung Quốc đã liên kết với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng tuyến đường.

An Bình