Trung Quốc: Vật tế thần hay chiếc tàu vũ trụ Sputnik*
(Dân trí) - “Nếu kỷ nguyên này được viết thành sử, dấu ấn quan trọng nhất... sẽ là sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ” - Thomas Friedman, tác giả “Thế giới phẳng”, “Chiếc Lexus và cây Olive” lại vừa có một bài viết về quá trình ”phẳng” hóa thế giới của người Trung Quốc.
Vào lúc tôi đang nói đây, thưa ông Rove**, người Mỹ không còn ngốc như ông nghĩ.
Giờ thì mọi chuyện đã lắng lại, và chúng ta đã có một cuộc bầu cử cho thấy quốc gia nào góp phần quan trọng nhất trong việc vẽ nên diện mạo chính trị Mỹ trong năm 2006 - Iraq - Tôi thì vừa đến thăm đất nước có lẽ có nhiều khả năng sẽ vẽ nên diện mạo nền chính trị Mỹ vào năm 2008: Trung Quốc
Cuộc đấu đá nội bộ của Đảng Cộng hòa, như bạn thấy hiện nay, sẽ xoay quanh vấn đề về Iraq - ai là kẻ phải chịu trách nhiệm chính và nên rút quân như thế nào - trước khi nó quét sạch các ứng cử viên Đảng Cộng hòa vào năm 2008. Nhưng cuộc đấu đá sắp tới trong nội bộ Đảng Dân chủ sẽ là vì Trung Quốc.
Tôi vẫn tin rằng nếu kỷ nguyên này được viết thành sử, cái khuynh hướng mà các sử gia sẽ đề cập tới như dấu ấn quan trọng nhất không là sự kiện 11 tháng 9 và việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan và Iraq sau đó. Nó sẽ là sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ. Bằng cách nào thế giới này tự nó có thể tiếp sức cho những cường quốc đang trỗi dậy kia, và bằng cách nào nước Mỹ kiểm soát được những cơ hội và thách thức kinh tế mà những nước này mang lại. Đó vẫn là những khuynh hướng mang tính toàn cầu quan trọng nhất cần dõi theo.
Nếu không nhìn với con mắt của một người Mỹ, bạn sẽ thật sự sững người khi nhìn những tòa nhà chọc trời đang mọc lên ở Thượng Hải, hay khi bạn nhìn vào cái thế giới này. Kishore Mahbubani, hiệu trưởng trường chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore, đã có lần nói với tôi rằng ngay lúc này châu Á “là nơi lạc quan nhất thế giới”. Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới có nhiều người thoát khỏi đói nghèo nhanh đến như vậy, và kết quả là, ông lưu ý, hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, châu Á là nơi mà nhiều nguời “thức dậy mỗi buổi sáng để cảm thấy vững tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm qua”
Nhưng niềm lạc quan của người này có thể lại là đồng lương giảm sút của người kia. Và đó là lý do tại sao Đảng Dân chủ và Trung Quốc hầu như luôn đối đầu nhau. Sự tập trung của chính quyền của Tổng thống Bush vào Iraq và khủng bố, đi đôi với nó là sự thiếu kiểm soát của Đảng Dân chủ tại Quốc hội, đã tránh cho quan hệ Trung Quốc - Mỹ khỏi trở thành mục tiêu công kích và ít sóng gió trong những năm cầm quyền của Bush đệ nhị.
Nhưng có hai điều sẽ thay đổi. Một là sự quay trở lại kiểm soát cả Thượng viên và Hạ viện – tiếp năng lượng bởi những chính trị gia như Nancy Pelosi, người đã từ lâu kiên quyết đối đầu với Trung Quốc cả về các vấn đề kinh tế và nhân quyền, và Sherrod Brown, Thượng nghị sĩ mới được bầu của bang Ohio, người mang đến Washington D.C khuynh hướng bảo hộ mạnh mẽ từ một bang đã bị châu Á lấy mất hàng nghìn việc làm.
Điều còn lại là tâm trạng được phản ánh trong bản phân tích trên The Finance Time (Thời báo Tài chính) ngày 2 tháng 11, với tiêu đề: “Tầng lớp trung lưu lo lắng: Tại sao những người Mỹ bình thường lại không được hưởng lợi gì từ tăng trưởng”
Ngày nay, công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đang làm phẳng sân chơi kinh tế toàn cầu, các nước đang phát triển ngày càng có khả năng cạnh tranh ngay với những công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, vốn từng được cọi là dành riêng cho các nước phát triển. Đây là một nguyên nhân tại sao tốc độ tăng lương lao động của những công nhân trung bình ở Mỹ không tương xứng với tốc độ tăng của năng suất và GDP.
“Các nhà kinh tế gọi đây là hiện tượng đình trệ lương lao động ở nhóm trung bình” chú dẫn của The Finance Times. “Thông số nhóm trung bình (median – trung vị) cho hình ảnh tốt nhất về những gì đang xẩy ra với tầng lớp trung lưu bởi vì, không giống như mức lương bình quân, mức lương của nhóm trung bình không bị đẩy lên cao do tốc độ tăng nhanh của nhóm ở đỉnh. Giống như câu chuyện hài hước sau: Bill Gates bước vào quán bar và, tính theo thu nhập bình quân, tất cả những người ở đó trở thành triệu phú. Nhưng nhóm thu nhập trung bình không thay đổi.”
Nhiều người Mỹ gần đây đã bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa câu chuyện hài hước này, và đó là nguyên do cho việc, với tin tức mới đây về việc Đảng Dân chủ lãnh đạo Quốc hội, chúng ta rồi sẽ thấy các luật mang tính bảo hộ xuất hiện nhiều hơn, hơn cả sự bành trướng của Wal-Mart, quá trình mở rộng tự do thương mại chậm lại và ngày càng nhiều những lời kêu gọi các hành động trừng phạt nếu Trung Quốc không giảm thặng dự thương mại của mình – đã lên đến mức kỷ lục trong tháng Mười.
Trung Quốc, nói cách khác, đang thẳng tiến đến trung tâm chính trường nước Mỹ, bởi vì những sự kết tinh của nó là những thách thức kinh tế mà lực lượng lao động Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21. Câu hỏi lớn với tôi là: Tổng thống Bush và Đảng Cộng hòa sẽ sử dụng mối đe dọa Trung Quốc theo cách nào: như một vật tế thần hay như một chiếc tàu Sputnik.
Họ sẽ sử dụng nó như một cái cớ để tránh phải làm những việc khó khăn, bởi vì có thể đổ tất cả lỗi cho Trung Quốc, hay như một lý do để tập hợp lại đất nước – như chúng ta đã từng làm sau khi Liên Xô vượt qua chúng ta trong cuộc chạy đua vào vũ trụ và phóng tàu Sputnik – để thực hiện một sự thay đổi gần như toàn diện trong việc chăm sóc sức khỏe, lương hưu, những quyền lợi và nỗ lực trong thời gian dài, nhằm trao cho tầng lớp trung lưu Mỹ những công cụ tốt nhất có thể để đạt được sự thịnh vượng? Lịch sử đang ủng hộ việc đòi hỏi một câu trả lời, vì nếu người dân không cảm thấy họ có những công cụ hay kỹ năng để trở nên thịnh vượng trong một thế giới không còn nữa những bức tường ngăn cách, áp lực dựng lên những bức tường, đặc biệt để ngăn chặn Trung Quốc, chắc chắn sẽ tăng lên.
* Tên nguyên gốc của bài báo này là “China: Scapegoat of Sputnik”. Sputnik là tên con tàu vũ trụ của Liên Xô, phóng lên vũ trụ trước người Mỹ. Đây được coi là thất bại của người Mỹ trong cuộc đua chinh phục không gian với Liên Xô.
** Karl Rove, cố vấn của Tổng thống Mỹ George W.Bush
Trương Trí Vĩnh
Theo NewYork Times