1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc vạch 3 lằn ranh đỏ với Mỹ trong cuộc họp căng thẳng

Minh Phương

(Dân trí) - Trung Quốc đã đưa ra hai danh sách cho phía Mỹ gồm những hành động Washington cần chấm dứt và các vụ việc mà Bắc Kinh quan ngại, cảnh báo Mỹ không vượt qua những lằn ranh đỏ đó.

Trung Quốc vạch 3 lằn ranh đỏ với Mỹ trong cuộc họp căng thẳng - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 26/7 tại Thiên Tân (Ảnh: Reuters).

Ba lằn ranh đỏ

Straits Times đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 26/7 đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thành phố Thiên Tân sau cuộc họp với người đồng cấp Tạ Phong. Đây là cuộc họp cấp cao Mỹ - Trung đầu tiên kể từ cuộc họp hồi tháng 3 của phái đoàn hai bên tại Alaska.

Tại cuộc gặp này, ông Vương Nghị cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục các chính sách "khắc nghiệt và sai lầm" chống lại Bắc Kinh. Ông Nghị cũng kêu gọi phía Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt và hạn chế thị thực nhằm vào các quan chức, sinh viên và doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như xóa bỏ chính sách áp thuế với hàng hóa Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tối muộn ngày 26/7 đã đăng tải một thông cáo cho biết, ông Vương Nghị hối thúc Mỹ tiếp tục đối thoại để tìm ra giải pháp cho mối quan hệ song phương bất chấp những bất đồng.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đã vạch ra 3 lằn ranh đỏ cho phía Mỹ. Các lằn ranh đỏ này gồm: Không thách thức hệ thống chính trị của Trung Quốc, không làm gián đoạn sự phát triển của Trung Quốc, cũng như không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc như Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan.

Về phía Mỹ, thông cáo của Bộ Ngoại giao nước này cho biết, cuộc họp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Sherman và các quan chức Trung Quốc diễn ra "thẳng thắn, cởi mở" và Washington tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh phá bỏ các chuẩn mực quốc tế trong đó có việc từ chối hợp tác với một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19.

"Thứ trưởng Ngoại giao đã nhấn mạnh rằng Mỹ hoan nghênh sự cạnh tranh giữa hai nước và Mỹ sẽ tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, nhưng không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết.

Động thái chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc

Trung Quốc vạch 3 lằn ranh đỏ với Mỹ trong cuộc họp căng thẳng - 2

Xe của Đại sứ quán Mỹ bên ngoài một khách sạn ở Thiên Tân, nơi diễn ra cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc ngày 26/7 (Ảnh: AP).

Trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị, bà Sherman đã có cuộc họp khá căng thẳng với người đồng cấp Trung Quốc Tạ Phong. Tại đây, nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng, mối quan hệ Trung - Mỹ đang rơi vào "bế tắc" và đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng". Ông cáo buộc, Mỹ đang coi Trung Quốc như một kẻ thù "tưởng tượng".

Tại họp báo sau đó, ông Tạ cho biết đã đưa cho phái đoàn Mỹ hai bản danh sách, gồm danh sách những hành động Mỹ cần chấm dứt và danh sách những vấn đề khiến Trung Quốc quan ngại hàng đầu. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra những danh sách kiểu này cho phía Mỹ.

Danh mục những hành động mà Trung Quốc đề nghị Mỹ cần làm là dỡ bỏ hạn chế thị thực với công dân Trung Quốc, dỡ lệnh trừng phạt với các quan chức và thực thể của nước này, xóa bỏ hạn chế đối với Viện Khổng tử và các doanh nghiệp Trung Quốc, chấm dứt việc coi truyền thông Trung Quốc là đặc vụ nước ngoài, từ bỏ đề nghị dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.

Danh sách những quan ngại hàng đầu của Bắc Kinh gồm có tình trạng đối xử không công bằng với công dân Trung Quốc tại Mỹ, các hành động quấy rối đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc, sự trỗi dậy của tư tưởng phân biệt chủng tộc chống lại người Trung Quốc và người châu Á, các hành động bạo lực nhằm vào công dân Trung Quốc.

Ông Tạ Phong cho biết, phía Trung Quốc cũng bày tỏ bất bình với những bình luận và hành động của phía Mỹ liên quan đến cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, vấn đề Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong và Biển Đông.

Cuộc gặp cấp cao giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bên tiếp tục leo thang căng thẳng kể từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Khi nhận nhiệm sở vào đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden tiếp tục các chính sách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh, trong đó có việc duy trì chính sách áp thuế, áp hàng loạt các trừng phạt mới nhằm vào quan chức Trung Quốc nhằm phản đối các hành động của Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan và Biển Đông. Trung Quốc cũng đáp trả bằng các lệnh trừng phạt nhằm vào giới chức và doanh nghiệp Mỹ, gần đây nhất là lệnh trừng phạt với 7 công dân Mỹ, trong đó có cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.

Trước cuộc họp, hai bên đều tìm cách thể hiện thế thượng phong của mình. Ngoại trưởng Vương Nghị nói, Trung Quốc có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế khiến Mỹ nhận được "một bài học" về đối xử bình đẳng với các nước khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 23/7 nói, Mỹ "không đủ tư cách để nói chuyện ở vị thế sức mạnh", một quan điểm mà giới ngoại giao Trung Quốc từng đưa ra trong cuộc họp nảy lửa với phái đoàn Mỹ ở Alaska hồi tháng 3.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Sherman sẽ đối thoại với giới chức Trung Quốc ở "vị thế sức mạnh".