1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc và Nhật Bản “khai thác” lẫn nhau

(Dân trí) - Trong tương lai không xa, xã hội Nhật Bản sẽ chứng kiến sự xâm nhập đáng kể của nền văn hoá Trung Quốc. Đổi lại, Nhật Bản sẽ nhận và thu lợi từ một nguồn nhân công, năng lượng, chất xám dồi dào và tất nhiên, cả máu.

Khi ông Junichiro Koizumi còn là Thủ tướng, quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tokyo đã bị tổn hại vì những chuyến viếng thăm hàng năm của ông tới một ngôi đền gây nhiều tranh cãi. Các vụ tranh chấp về lãnh thổ cũng gây căng thẳng trong quan hệ Nhật-Trung.

Tuy nhiên, kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền, các công du qua lại gần đây giữa các quan chức cấp cao hai nước đã phần nào xoá đi những căng thẳng. Và dù còn có những thành kiến cũ và mâu thuẫn khó vượt qua, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn có nhiều điều để “khai thác” hơn là sự sợ sệt lẫn nhau.

 

Sự ảnh hưởng qua lại giữa 2 quốc gia, đều tốt cho cả 2 bên, có thể nhanh hay chậm phụ thuộc vào các nhà chính trị, nhưng dường như không có lý do nào để hoãn quá trình tác động qua lại này.

 

Trung Quốc sẽ “xâm nhập” Nhật Bản rõ nhất trong lĩnh vực nhập cư. Vào năm 2050, 1/3 dân số của Nhật Bản sẽ ở độ tuổi 65 hoặc già hơn. Năm 2006, dân số của Nhật Bản đã đạt đỉnh 127.7 triệu người nhưng dự kiến sẽ giảm khoảng 100 triệu vào năm 2050 với mức giảm sẽ tăng lên theo từng năm.

 

Nhật Bản muốn duy trì mức dân số 127.5 triệu và con số này chỉ có thể đạt được nếu Tokyo chấp thuận nhập cư 381.000 người/ năm. Điều này có nghĩa, Nhật Bản cần 17 triệu dân di cư trong khoảng thời gian từ 2005 tới 2050 và cộng thêm con cháu nữa sẽ thành 22.5 triệu người, chiếm 17.7% tổng dân số của Nhật Bản.

 

Mặc dù dân di cư của Nhật Bản có thể tới từ bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, nhưng không thể phủ nhận, Trung Quốc sẽ là số 1.

 

Masaru Tamamoto, một quan chức của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Tokyo nói: “Chúng ta phải có người nhập cư. Chúng ta có thể cố gắng tăng năng suất một cách tối ưu, nhưng vẫn cần những người công nhân có thể đọc và viết tiếng Nhật. Số lượng người mà chúng ta cần chỉ có thể tới từ Trung Quốc… Có thể điều này khó được chấp nhận nhưng đó là sự thực”.

 

Về phía Trung Quốc, sự thịnh vượng của của miền đất mới - Nhật Bản, sẽ khiến công dân nước này tìm tới tới xứ xở hoa anh đào nhiều hơn. Ngoài ra, những yếu tố như dân số Trung Quốc quá đông, đất tái sử dụng ngày càng ít, thiếu nước, ô nhiễm môi trường, sa mạc hoá… khiến người dân phải tìm tới các mảnh đất màu mỡ hơn.

 

Và khi mọi thứ trống rỗng, Nhật Bản sẽ là câu trả lời cho một số lượng không nhỏ người Trung Quốc, đặc biệt là những người có học thức ở miền đông đất nước muốn tự đứng trên đôi chân để bước vào một xã hội cạnh tranh cao.

 

Hiện đang có khoảng 80.000 sinh viên Trung Quốc học tập tại các trường cao đẳng và đại học của Nhật bản, chiếm 2/3 sinh viên quốc tế. Trong khi đó, số lượng các công ty Nhật làm ăn, kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng tăng, nhất là tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Dalian và Tianjin.

 

Ảnh hưởng của Nhật Bản lên nền văn hoá đương đại của Trung Quốc cũng là điều không thể phủ nhận khi ngày càng có nhiều người Trung Quốc bật đài và nghe những bài hát tiếng Nhật. Một số người nói họ bị ảnh hưởng mạnh từ Đài Loan và Hong Kong, nhưng có một điều họ không muốn thừa nhận, đó là sự ảnh hưởng từ phong cách và văn hoá của người Nhật.

 

Người Nhật có vốn hiểu biết xã hội rộng, sức chịu đựng cao - nhất là với sự tàn phá khốc liệt của môi trường, và luôn phát triển xã hội thân thiện với môi trường. Đó là những tính cách mà người Trung Quốc học tập được từ người Nhật.

 

Cho tới nay, giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều bất đồng. Những người có tư tưởng bài ngoại ở nước này đều phủ nhận sự ảnh hưởng của nước kia. Nhưng vượt qua những định kiến cũ, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn còn nhiều điều để tìm kiếm ở nhau.

 

VTH

Theo IHT