1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc và chính sách “cây gậy nhỏ” ở Biển Đông

(Dân trí) - Sau khi có thái độ cứng rắn trên Biển Đông, Trung Quốc đã quay sang thuật ngoại giao “cây gậy nhỏ”, dùng các tàu tuần tra được trang bị vũ khí hạng nhẹ, thay vì tàu chiến. Nhưng Bắc Kinh không hề tỏ vẻ thỏa hiệp.

 

Trung Quốc và chính sách “cây gậy nhỏ” ở Biển Đông

Hai tàu hải giám Trung Quốc tham gia chặn Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc ở Scarborough/Hoàng Nham.

Trong cuộc đối đầu kéo dài hơn một tháng giữa Trung Quốc và Philippines quanh một bãi đá ngầm trên Biển Đông, cho đến nay Bắc Kinh vẫn kìm chế phái tàu chiến trong lực lượng hải quân ngày càng hùng mạnh và hiện đại của mình tới để khẳng định tuyên bố chủ quyền.

 

Thay vào đó, Trung Quốc triển khai các tàu tuần tra trong hạm đội tàu bán quân sự đang ngày một lớn mạnh của mình tới bãi đá Scarborough mà người Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham. Các chuyên gia hải quân đánh giá mục đích là nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột giữa hai nước và kìm chế xung đột khu vực.

 

Sau khi “đánh động” tới một số nước láng giềng bằng thái độ cương quyết trong vấn đề Biển Đông những năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển sang thuật ngoại giao “cây gậy nhỏ”, dùng những tàu tuần tra được trang bị vũ khí hạng nhẹ hoặc không trang bị vũ khí trong đội tàu ngư chính, hải giám và các cơ quan dân sự khác, chứ không dùng tàu chiến.

 

Shen Dingli, một chuyên gia an ninh ở Đại học Fudan, Thượng Hải, cho biết vai trò của các tàu này là nhằm giương “quyền lực mềm” và tránh cảm giác Trung Quốc đang triển khai tàu chiến. “Vì vậy mà cảm giác sẽ hòa bình hơn”, ông cho hay.

 

Tuy nhiên, Bắc Kinh không hề tỏ dấu thỏa hiệp trong vụ căng thẳng, bắt đầu vào tháng trước khi tàu tuần tra Trung Quốc ngăn chặn Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở vùng biển tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham. Giới phân tích an ninh cho rằng, chắc chắn những vụ việc tương tự sẽ xảy ra, nếu Philippines không đương đầu với thách thức, bằng chính sức của mình hoặc với sự hỗ trợ của các đồng minh.

 

Đá và tài nguyên

 
Trung Quốc và chính sách “cây gậy nhỏ” ở Biển Đông
Trung Quốc dùng chính sách "cây gậy nhỏ" trong căng thẳng với Philippines, khi chỉ triển khai tàu bán quân sự.
 

Cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền với nhóm bãi đá, đá ngầm và các đảo nhỏ nằm cách Philippines khoảng 220km bằng việc triển khai tàu tuần tra, tàu đánh bắt cá tới khu vực.

 

Trong một động thái bất thường, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuần trước đã phủ nhận thông tin họ đang chuẩn bị chiến tranh, nhưng tờ Nhật báo quân đội giải phóng Trung Hoa, cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng, lại cảnh báo Philippines đang phạm “sai lầm nghiêm trọng” khi vẫn tuyên bố chủ quyền với bãi đá.

 

“Chúng tôi muốn nói rằng chính phủ, người dân và các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ ai muốn lấy đi chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Hoàng Nham”, tờ báo cho biết.

 

Manila đã kêu gọi Tòa án quốc tế về Luật biển của Liên hợp quốc (ITLOS) can thiệp vào tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông, khu vực giàu tài nguyên và đóng vai trò quan trọng chiến lược. Một nửa tàu thuyền thương mại của thế giới đi qua vùng biển này và quanh các hòn đảo ở đây, mang lại 5 nghìn tỉ USD giá trị thương mại mỗi năm.

 

Mặc dù cho đến nay Bắc Kinh vẫn giữ lực lượng hải quân đứng ngoài vụ tranh chấp, song Philippines, cũng như hầu hết các nước khác trong khu vực, thừa hiểu họ sẽ bị “nhấn chìm” trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nếu xảy ra chiến tranh.

 

Sau hơn 2 thập niên tăng chi tiêu cho quốc phòng lên hai con số, Trung Quốc đã củng cố được hạm đội tàu chiến, tàu ngầm tiên tiến, trở thành hạm đội lớn nhất châu Á. Đó là chưa kể nước này còn sở hữu cả máy bay tấn công tầm xa.

 

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh dùng đến vũ lực, gần như chắc chắn các nước tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông tự động sẽ được đẩy xích lại gần nhau hơn. Hơn nữa, những nước này, cùng với Philippines, đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hiệp hội đang hướng tới xây dựng cộng đồng chung kiểu EU, trong đó có cả phối hợp an ninh.

 

Các nước trong khu vực cũng bắt đầu củng cố mối quan hệ quân sự thân cận hơn với Mỹ. Bắt đầu bằng chuyến đi vào cuối năm ngoái, Tổng thống Mỹ Obama đã đưa ra chính sách chuyển dịch trọng tâm về phía khu vực châu Á-Thái Bình Dương với kinh tế năng động, để tái khẳng định với các đồng minh cam kết ủng hộ của Mỹ, khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế và quân sự.

 

“Những sự kiện có thể kiềm chế được”

 
Trung Quốc và chính sách “cây gậy nhỏ” ở Biển Đông
Một nhóm hải quân và chính trị gia Philippines thăm Scarborough trong một bức ảnh năm 1997.
 

Theo các chuyên gia an ninh, chắc chắn Trung Quốc sẽ vẫn gửi thông điệp mạnh mẽ bằng các tàu tuần tra dân sự trong khi giữ hỏa lực chính của mình trong “dự phòng”.

 

“Các tàu bán quân sự sẽ dễ khẳng định chủ quyền hơn, ít gây leo thang tới xung đột vũ trang hơn”,  Christian Le Miere, nhà nghiên cứu an ninh biển tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London cho biết. “Nó cho phép xảy ra các sự kiện và các vụ việc dễ kiềm chế hơn”.

 

Các nước châu Á khác cũng tăng cường hạm đội tàu bán quân sự của mình trong những năm gần đây, đặc biệt là Nhật Bản. Nước này có lực lượng bảo vệ bờ biển hùng mạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc lại gây được sự chú ý hơn khi sử dụng các tàu này.

 

Chỉ dấu đầu tiên cho thấy tính hiệu quả của chiến lược này là vụ “quấy nhiễu” liêu tục của Trung Quốc đối với tàu do thám Mỹ Impeccable vào đầu năm 2009 ở Biển Đông, ngoài khơi đảo Hải Nam.

 

Tàu tuần tra và tàu hải giám Trung Quốc đã “chọc ghẹo” Impeccable trong suốt nhiều ngày, và có thời điểm còn cố gắng bắt giữ hệ thống định vị siêu âm dưới nước của tàu, thiết bị dùng để phát hiện và lần theo đường đi của tàu ngầm.

 

“Nếu Trung Quốc triển khai tàu hải quân, phản ứng của Mỹ có thể hiếu chiến hơn”, Le Miere, người nghiên cứu hoạt động sử dụng tàu bán quân sự ở châu Á cho hay.

  

Phối hợp rời rạc

 

Các chuyên gia hàng hải Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh quan tâm hơn nữa đối với các cơ quan dân sự chịu trách nhiệm thực thi pháp luật trong nước và duy trì trật tự trên các vùng biển của nước này.

 

Các cơ quan chính phủ chủ yếu triển khai tàu tuần tra trên Biển Đông và các vùng bờ biển khác gồm Cơ quan an toàn hàng hải, Cảnh sát biên giới biển, Bộ Chỉ huy Lực lượng Chấp pháp Ngư nghiệp, Tổng cục hải quan và Tổng cục Hải dương nhà nước.

 

Ngoài ra các cơ quan nhỏ hơn, gồm chính quyền tỉnh, cảnh sát và hải quan địa phương, cũng phái tàu tuần tra và hải giám ra biển.

 

Các tàu bán quân sự được Trung Quốc phái đến Scarborough/Hoàng Nham gồm tàu 1.300 tấn Haijian 75, tàu 1.740 tấn Haijian 84, các tàu hải giám tiên tiến của Tổng cục hải dương nhà nước.

 

Bắc Kinh cũng phái tàu Ngư Chính-310, trọng tải 2.580 tấn, tàu ngư chính tiên tiến nhất nước này tới vùng đảo tranh chấp.

 

Một số chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài cho rằng giữa các lực lượng này có sự phối hợp rất rời rạc. Thiếu tướng Luo Yuan của quân đội Trung Quốc, hồi tháng 3 vừa qua đã kêu gọi Trung Quốc thành lập một lực lượng bảo vệ bờ biển hợp nhất, giống như Nhật Bản, Mỹ và Nga.

 

Trong các bài phỏng vấn với báo chí nhà nước Trung Quốc, ông Luo cho rằng có tới 9 cơ quan khác nhau hiện đang chịu trách nhiệm thi hành luật biển, khiến đôi khi dẫn đến lãng phí và kém hiệu quả.

 

“Nếu Trung Quốc hợp nhất các lực lượng này, nó có thể hoạt động linh hoạt hơn khi xảy ra các vụ việc trên biển”, ông cho hay.

 

Khi căng thẳng gia tăng ở bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nha, Nhóm khủng hoảng quốc tế ở Brussels, cảnh báo trong một báo cáo cuối tháng vừa qua rằng sự phối hợp yếu kém và đôi khi là xung đột giữa các cơ quan dân sự của Trung Quốc đang đổ thêm dầu vào lửa căng thẳng.

 

“Bất kỳ giải quyết trong tương lai nào đối với tranh chấp Biển Đông cần phải giải quyết vấn đề đang có quá nhiều nhân vật khác nhau của Trung Quốc tham gia và cần phải xây dựng một chính sách biển và chiến lược thực thi tập trung, chặt chẽ”, cơ quan này cho hay.

 

Vũ Quý

Theo Reuters