1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tự tìm chỗ trên “bàn tiệc quyền lực”

Ngày 14/5, Tạp chí Time đăng bài “Thế giới sẽ theo đồng tiền nào?” của tác giả Michael Schuman, một chuyên gia về kinh tế, chính trị và lịch sử châu Á. TG&VN xin lược dịch bài viết này.

Đồng USD và NDT. (
Đồng USD và NDT. (Ảnh minh họa)

Mỹ và Trung Quốc đang trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát thương mại và tài chính - nền tảng của kinh tế toàn cầu ngày nay.

TPP và AIIB hay đối chọi Mỹ - Trung

Những nỗ lực ban đầu của ông Obama trong việc giành quyền đàm phán nhanh TPP đã vấp phải sự cản trở của các Thượng nghị sĩ đảng Dân hôm 12/5. Những người phản đối TPP phê phán rằng, hiệp định này chẳng khác nào tặng thêm quà cho các doanh nghiệp lớn và gây thiệt hại cho lao động Mỹ. Nhưng, các Thượng nghị sĩ này cũng quên cả bức tranh địa chính trị rộng lớn hơn. TPP không chỉ mang nội hàm lợi nhuận và việc làm mà nó còn là nỗ lực của Nhà Trắng nhằm duy trì sự thống trị của Mỹ và đối mặt với một Trung Quốc đang lên trong trật tự kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không có mặt trong số các đối tác TPP của Mỹ. Có một lý do giải thích cho điều này: Đó là bởi TPP nhằm mục đích điều chuyển hướng thương mại tới Mỹ và củng cố vị thế kinh tế của Mỹ ở châu Á. Bằng cách đó, chính quyền Obama hy vọng sẽ gây áp lực buộc Bắc Kinh phải tôn trọng những quy tắc và tiêu chuẩn của Washington trong vấn đề tự do mậu dịch. Gần đây, ông Obama đã cảnh báo: "Nếu chúng ta không thành lập các quy tắc thương mại trên toàn thế giới, thì hãy đoán xem điều gì sẽ xảy ra? Trung Quốc sẽ làm điều đó!".

Trong khi những người phản đối TPP quên mất thực tế nói trên thì lãnh đạo Trung Quốc lại đang rất tỉnh táo. Đất nước này đã sẵn sàng lập một hành trình riêng của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Vào cuối tháng Tư vừa qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã công bố các đối tác trong Ngân hàng cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) - một tổ chức có thể cạnh tranh với Ngân hàng thế giới (WB) ở Washington. 57 quốc gia đã đăng ký tham gia làm thành viên sáng lập của AIIB mà nhiều nước trong số đó là đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Anh, Đức và Australia. Tuy nhiên, Mỹ vẫn quyết định đứng ở bên ngoài.

TPP và AIIB có thể được coi là biểu tượng của một trận chiến lịch sử: cuộc đấu Mỹ - Trung nhằm giành quyền kiểm soát thương mại và tài chính, nền tảng của nền kinh tế toàn cầu ngày nay.

Bề ngoài, AIIB có vẻ là một ý tưởng đúng thời điểm. Ngân hàng này có thể cung cấp một nguồn tài chính mới quan trọng với hàng nghìn tỷ USD cho các tuyến đường giao thông, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác rất cần thiết cho các nền kinh tế đang nổi lên nhanh chóng của châu Á. Điều này thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực và nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama lại không coi sáng kiến này của Trung Quốc như một chương trình phát triển, mà như một sự đe dọa chí tử đối với trật tự kinh tế toàn cầu hiện có. Ông Gerald Curtis - chuyên gia về châu Á (Đại học Columbia - Mỹ) cho biết: “Cuộc đấu tranh về AIIB là việc Mỹ cố gắng duy trì quyền lực chính trị, còn Trung Quốc thì thách thức quyền lực đó”.

Mỹ có nhiều thứ để mất trong sự xoay chuyển quyền lực không thể tránh khỏi từ Tây sang Đông này. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II, nước Mỹ đã đứng lên như một người khổng lồ cả về kinh tế và chính trị. Mỹ cũng đã định hướng cho các thể chế cơ bản của nền kinh tế thế giới hiện đại, như IMF và WB, cho phép nó thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế riêng của mình.

Washington cũng đã dung nạp những “kẻ phá đám” vào trật tự kinh tế của mình. Bốn mươi năm trước, một quốc gia châu Á đã đứng lên để khuấy động trật tự này là Nhật Bản. Khi nền kinh tế của nước này vươn lên, đứng vào hàng ngũ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tokyo trông đợi vào việc gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trong việc điều hành hệ thống tài chính. Nhìn chung, phương Tây đã thỏa hiệp. Nhật Bản đã được mời tham gia nhóm G7 gồm bảy nước công nghiệp hàng đầu khi thành lập vào năm 1975. Washington để Tokyo lãnh đạo việc quản lý một ngân hàng khu vực - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), có trụ sở tại Manila, được thành lập vào năm 1966 và Mỹ là một trong những thành viên sáng lập.

Trung Quốc là một câu đố khó hơn. Nhật Bản đã thách thức khả năng lãnh đạo công nghiệp của Mỹ, nhưng, với tư cách là một đồng minh tin cậy, họ không quan tâm đến việc thay đổi hệ thống hiện có. Còn các mục tiêu của Trung Quốc ít chắc chắn hơn nhiều. Một mặt, họ có động lực giữ gìn trật tự hiện nay bởi nước này đã hưởng lợi rất nhiều từ đó. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có một cách nhìn khác về vai trò của họ trên thế giới so với Tokyo. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra khó chịu với cơ chế tài chính và an ninh toàn cầu do phương Tây thống trị, cho rằng nó hạn chế ảnh hưởng của nước này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ám chỉ điều đó trong một bài phát biểu hồi cuối tháng Ba, khi ông kêu gọi "một trật tự khu vực thuận lợi hơn cho châu Á và thế giới" - trong đó, Trung Quốc đóng vai trò tối quan trọng. Ông Tập cho biết: "Là một nước lớn có nghĩa là phải gánh vác trách nhiệm to lớn hơn cho hòa bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới".

AIIB ra đời là để thực thi tham vọng đó, bởi Ngân hàng này do Trung Quốc chỉ đạo, nên Bắc Kinh có thể sử dụng nó để đưa các quốc gia mới nổi khác vào quỹ đạo của mình và thúc đẩy những lợi ích chính trị và kinh tế của riêng họ. Điều này được thể hiện rõ khi Trung Quốc từ chối sự đăng ký tham gia của Đài Loan, với lý do vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai.

Washington lo ngại Ngân hàng AIIB sẽ có các tiêu chuẩn lỏng lẻo, như về lao động và bảo vệ môi trường, làm cho các dự án tài chính của nó hấp dẫn hơn so với các ngân quỹ của ADB hoặc WB - vốn có tiêu chuẩn chặt chẽ hơn. Bằng cách đó, Trung Quốc có thể cuốn trôi được ảnh hưởng của Mỹ. Đó là lý do Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế Nathan Sheets gần đây đã nhấn mạnh rằng, thể chế mới như AIIB "nên được thiết kế để tăng thêm giá trị cho cả hệ thống, phải có một vai trò rõ ràng bên cạnh và bổ sung cho các thể chế hiện hành".

Trung Quốc - Không chỉ dựa vào một công cụ

AIIB chỉ là một phần trong chương trình nghị sự lớn của Bắc Kinh nhằm thiết lập lại trật tự kinh tế. Nước này đã kêu gọi chấm dứt sự thống trị của đồng USD Mỹ, thúc đẩy sử dụng đồng NDT như một sự thay thế trong thương mại quốc tế. Trung Quốc đã cho những quốc gia đang gặp khó khăn và túng thiếu vay tiền, như một ngân hàng thế giới. Trong khi Mỹ theo đuổi TPP, Trung Quốc lại đưa ra chương trình "một vành đai, một con đường" của mình với một loạt các dự án cơ sở hạ tầng nhằm liên kết chặt chẽ hơn giữa nền kinh tế Trung Quốc với phần còn lại của châu Á và châu Âu. Như ông Been Steil, Giám đốc Kinh tế Quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại New York nhận định: Các tổ chức như AIIB "sẽ cho TQ một tiếng nói lớn hơn nhiều và chúng ta sẽ không có ảnh hưởng nào tới họ. Đây chính là vấn đề".

Ít nhất ở một góc độ nào đó, trước những hành động của Trung Quốc, Mỹ có lẽ phải tự trách bản thân. Bắc Kinh đã yêu cầu cải tổ công tác quản trị IMF ​​để nước này có quyền kiểm soát tương xứng với tầm quan trọng của nó trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tham vọng này đã vấp phải trở ngại là tình hình chính trị nội bộ bất kham của Mỹ. Việc Washington không sẵn sàng chia sẻ cho Bắc Kinh một ví trí ở “bàn tiệc quyền lực” có thể đã làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy họ không được hoan nghênh.

Liệu Trung Quốc có thể được đồng chọn tham gia vào trật tự của Mỹ? Có thể không có cách nào cả! Vị trí số 1 hiện nay của đồng USD làm cho của cải và tình hình kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào chính sách của Mỹ - một tình thế mà Bắc Kinh rất muốn thay đổi. Trong tháng Ba, Trung Quốc và Canada đã cho ra mắt Trung tâm Giao dịch NDT đầu tiên tại châu Mỹ. Tại London, Singapore và một số nơi khác cũng xuất hiện các trung tâm như vậy.

Bắc Kinh còn một chặng đường rất dài trước khi thực sự có thể thách thức được trật tự tài chính hiện nay. AIIB - với vốn ban đầu là 50 tỷ USD, sẽ có một tác động nhỏ hơn rất nhiều so với WB - dự kiến ​​sẽ có 278 tỷ USD tính đến thời điểm AIIB thu nạp ngân quỹ của mình. Bên cạnh đó, việc cho vay quốc tế của Trung Quốc đã đặt Bắc Kinh vào thế rủi ro. Hàng chục tỷ USD mà Trung Quốc cho Venezuela vay đã làm cho tình hình suy giảm kinh tế của quốc gia Mỹ Latin này thêm xấu đi. Chỉ có 2% thanh toán toàn cầu được thực hiện bằng NDT trong tháng 3/2015, theo thống kê của hệ thống thanh toán bù trừ Swift, so với 45% bằng USD Mỹ.

Trước khi Trung Quốc thực sự có thể cạnh tranh với Mỹ trong vai trò chỉ huy nền tài chính toàn cầu, nước này có thể sẽ phải trải qua một cuộc cải biến triệt để về kinh tế và có lẽ cả về chính trị. Đồng NDT chưa có tính chuyển đổi hoàn toàn, nước ngoài tiếp cận các tài sản của Trung Quốc bị hạn chế và các dòng vốn chảy vào và chảy ra khỏi nước này bị kiểm soát. Quy trình ra các quyết định kinh tế của Bắc Kinh hiện đang bị "khóa chặt" trong "một chiếc hộp đen". Nói một cách đơn giản là, đất nước này hiện vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thế giới để có thể nắm vai trò lãnh đạo và có lẽ còn lâu mới đáp ứng được.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy ngày một tăng của quốc gia này là tất yếu. Ông Gerald Curtis nhận định: "Nỗ lực ngăn chặn không cho Trung Quốc giữ một vai trò lớn hơn trong hệ thống quốc tế nhất định sẽ thất bại". Nếu Bắc Kinh không được mời có một chỗ tại “bàn tiệc quyền lực”, thì họ đơn giản là sẽ tự tìm lấy một chỗ cho mình.

Theo Lệ Chi (lược dịch)
Thế giới và Việt Nam