Trung Quốc trồng khoai tây để chống hạn hán
(Dân trí) - Trước tình trạng thiếu triền miên nước tưới cho nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp trong khi nhu cầu lương thực ngày càng lớn, chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích nông dân trồng khoai tây để có “một mũi tên trúng 3 đích”.
Trung Quốc từng là nước trồng khoai tây lớn nhất thế giới, với 5 triệu hecta đất trồng loại cây này vào năm 2007, chiếm 25% tổng sản lượng của toàn cầu. Hiện hầu hết sản lượng củ thu hoạch được là cho tiêu thụ trong nước. “Khoai tây có khả năng ‘kháng hạn’ tốt hơn nhiều gạo và lúa mì, rất thích hợp với Trung Quốc khi 60% diện tích đất trồng trọt của nước này bị khô hạn”, Qu Dongyu, một chuyên gia nông nghiệp của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc nói.
Mặt khác, diện tích đất canh tác của nước này chỉ chiếm 8% của thế giới. Diện tích này càng ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Trong khi đó, dân số Trung Quốc chiếm đến 20% dân số thế giới. Vì thế, cần một lượng thực phẩm bổ sung lớn để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Để tăng năng suất hơn nữa, chính phủ đã kêu gọi các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cải tiến giống khoai tây để cung cấp cho nông dân. Thành tựu kinh tế của cuộc “cách mạng nông nghiệp” này rất lớn. Ở một vài vùng, giá bán ra của khoai tây đã cao hơn gấp 3 lần giá của lúa.
Trong tình hình thu nhập người thành thị tăng nhanh hơn thu nhập người nông thôn, chính phủ đang tìm cách tăng nguồn thu cho người nông thôn, nhằm giảm nguy cơ bất bình trong dân và bất ổn xã hội. Dư luận cho rằng chính sách này của chính phủ không chỉ có lợi cho nông dân. Thị trường 1,3 tỷ người thu hút nhiều nhà đầu tư, nhất là giới công nghiệp nông - thực phẩm. Nhiều người đã trở nên giàu có nhờ kinh doanh khoai tây.