1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc: Triều Tiên không có quyền "lấy oán báo ân"

Do Triều Tiên thay đổi thất thường, sự hữu hảo đối với Triều Tiên của Trung Quốc cũng cần phải được điều chỉnh. Khi Triều Tiên quá “ngông cuồng”, Trung Quốc cần tỏ ra lạnh lùng, thậm chí áp dụng biện pháp trừng phạt.

Chuyến thăm của nguyên soái Choe Ryong-Hae - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội Triều Tiên - tới Trung Quốc với tư cách là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.

Ông Choe Ryong-hae phát biểu trong cuộc họp mới đây tại Bình Nhưỡng. ẢNH: AP.

Ông Choe Ryong-hae phát biểu trong cuộc họp mới đây tại Bình Nhưỡng. ẢNH: AP.

'Thiếu tôn trọng Trung Quốc'

Tuy nhiên, Bắc Kinh có thái độ gì trước chuyến thăm của nhân vật được coi là đứng ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 của Triều Tiên, là “thân tín” đặc biệt của nhà lãnh đạo Kim Jong Un này? Hôm nay, tờ Hoàn Cầu đã có bài bình luận về vấn đề trên.

Ủy viên Bộ chính trị Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Triều Tiên Choe Ryong-Hae hôm qua đã có chuyến thăm Trung Quốc với tư cách là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, thu hút sự dò đoán của báo chí thế giới. Trong thời điểm quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên đang xấu đi vì Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, và mới chỉ cách đây mấy ngày, Triều Tiên lại bắt giữ tàu đánh cá của Trung Quốc. Sự xuất hiện của đặc phái viên Triều Tiên được coi là tín hiệu xoa dịu mà phía Triều Tiên muốn phát đi.

Tuy nhiên Hoàn Cầu cho rằng, Trung Quốc không cần thiết phải tỏ ra vui vẻ, phấn chấn vì chuyện Kim Jong-un cử đặc phái viên tới, Bắc Kinh càng không cần thiết phải dùng sự nhượng bộ của mình để bày tỏ sự trân trọng đối với cơ hội này. Một năm trở lại đây, Triều Tiên đã đi quá đã, không thể hiện sự tôn trọng tối thiểu đối với Trung Quốc. Muốn khôi phục lại mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Triều Tiên cần gánh vác trách nhiệm đó.

Nguyên nhân gây ra sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hết sức phức tạp, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản buộc phải đưa ra sự điều chỉnh của họ. Tuy nhiên chính sách hạt nhân cấp tiến của Triều Tiên cũng là một trong những căn nguyên gây ra sự xung đột trên bán đảo. Những năm vừa qua, Triều Tiên liên tục thử nghiệm hạt nhân, cộng với việc liên tục bắt giữ tàu cá Trung Quốc, gần như đã làm thay đổi triệt để cái nhìn của công chúng Trung Quốc đối với nước này. Trong môi trường dư luận hoàn toàn mới ở Trung Quốc, Triều Tiên làm như vậy đồng nghĩa với việc từng bước đứng sang vị trí đối lập với Trung Quốc.

Tàu cá được Trung Quốc gần đây đã mấy lần bị Triều Tiên bắt đòi tiền chuộc

Tàu cá được Trung Quốc gần đây đã mấy lần bị Triều Tiên bắt đòi tiền chuộc
Không để Triều Tiên thích làm gì thì làm

Hoàn Cầu khẳng định, hiện nay dư luận Trung Quốc ngày càng không tin tưởng vào Triều Tiên. Dù là trên trường quốc tế hay trong lãnh thổ Trung Quốc, đều có không ít người cho rằng Bắc Kinh đang “dung túng” Bình Nhưỡng, đồng thời cho rằng một số sự khiêu khích của Triều Tiên là “trắng trợn không nể mặt”. Những ngôn luận này chắc chắn sẽ dồn ép không gian chính sách đối với Triều Tiên do chính phủ Trung Quốc đề ra.

Hoàn Cầu cho rằng, bất luận Triều Tiên phái đặc phái viên đến Trung Quốc xuất phát từ mục đích gì, chúng tôi cho rằng Trung Quốc không nên lùi bước trong lập trường đối với Triều Tiên trong thời gian này. Bắc Kinh cần duy trì sức ép cần thiết đối với Bình Nhưỡng, thôi thúc nước này nghiêm túc nhìn nhận và điều chỉnh hành vi của mình.

Trung Quốc mãi mãi sẽ không đối xử với Triều Tiên như Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, mối quan hệ tốt đẹp Trung – Triều là xuất phát điểm cơ bản trong chính sách Triều Tiên của Trung Quốc. Tuy nhiên do thái độ của Triều Tiên thay đổi thất thường, sự hữu hảo đối với Triều Tiên của Trung Quốc cũng cần phải được điều chỉnh. Khi Triều Tiên quá “ngông cuồng”, Trung Quốc cần tỏ ra lạnh lùng, thậm chí áp dụng biện pháp trừng phạt. Đây là không gian linh hoạt cần phải có trong mối quan hệ Trung – Triều.

Nếu Triều Tiên tỏ thái độ về sự “rắn mặt” của Trung Quốc, Trung Quốc buộc phải kiên trì sự tự tin của mình. Trung Quốc không có bất cứ lý do gì để sợ Triều Tiên, chỉ cần Trung Quốc có quyết tâm, là có đủ khả năng để giữ vững lập trường của mình. Cho dù Triều Tiên đi bao nhiêu đường vòng, cuối cùng cũng đều phải quay trở lại với điểm xuất phát ban đầu giao lưu với Trung Quốc.

Hoàn Cầu nhấn mạnh rằng, chính sách Triều Tiên của Trung Quốc không cần phải thay đổi lại toàn bộ, nhưng Trung Quốc không thể để Triều Tiên thích làm gì thì làm. Cần yêu cầu quốc gia này giữ chừng mực, nếu không sẽ phải trả giá nhất định, đây là sự kỳ vọng phổ biến của công chúng Trung Quốc đối với sự điều chỉnh chính sách Triều Tiên của chính phủ.

Mặc dù trên các website, diễn đàn có một số phát ngôn cực đoan, nhưng xét về tổng thể, xã hội Trung Quốc không có ác ý đối với Triều Tiên. Hầu hết người Trung Quốc không mong muốn bị chính sách hạt nhân cực đoan của Triều Tiên bắt cóc, không muốn nhìn thấy Triều Tiên có những hành vi quá đà đối với người Trung Quốc trên đất liền và trên biển. Người Trung Quốc sẽ nghĩ rằng: Một đất nước mà chúng tôi đã phải đổ máu vì họ, đồng thời không ngừng phải tiếp máu cho họ sẽ không có quyền lấy oán báo ân.

Trung Quốc tin rằng giữa lợi ích của Triều Tiên và lợi ích của Trung Quốc có rất nhiều điểm tương thông. Rất nhiều người Trung Quốc kỳ vọng Bình Nhưỡng có thể hiểu ra vấn đề, những kiến nghị của Trung Quốc đều là thiện chí, Trung Quốc, Triều Tiên tăng cường hợp tác tốt đẹp là lợi ích then chốt cơ bản của Triều Tiên. Trung Quốc cảm thấy rất tiếc vì Triều Tiên đã không hiểu hết được điều đó.

Hoàn Cầu nhận định có thể là do các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước ít thăm nhau quá. Kể từ khi nên nắm quyền hơn 1 năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong – un chưa từng gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc. Do tính đặc thù của Triều Tiên, tầm quan trọng của việc nhà lãnh đạo cấp cao hai nước Trung – Triều sang thăm nhau lớn hơn so với mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia khác, một điều cần nói rõ là, tầm quan trọng này có giá trị với Triều Tiên hơn là với Trung Quốc.

Triều Tiên cần tăng cường giao lưu với Trung Quốc để hiểu được rằng Trung Quốc đang có những thay đổi sâu sắc. Nếu Triều Tiên không quan tâm đến dư luận Trung Quốc, có thể họ sẽ phạm sai lầm lớn trong thái độ đối với Trung Quốc. Chính vì vậy, Trung Quốc hy vọng lần này ông Choe Ryong-Hae có thể mang được nhiều thông tin quan trọng của xã hội Trung Quốc về Bình Nhưỡng.

Theo Huy Long
Tiền phong