1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc triển khai tên lửa ở Phú Lâm: Áp đặt cái giá phải trả (*)

Các ảnh vệ tinh của Mỹ ngày 14/2/2016 cho thấy Trung Quốc đã triển khai hai khẩu đội với tám bệ phóng tên lửa đất đối không, cùng một hệ thống radar trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Phía Mỹ xác định đó là hệ thống phòng không HQ-9, có khả năng tấn công bất kỳ máy bay dân sự hay quân sự nào trong tầm bắn đến 200km.
Trung Quốc triển khai tên lửa ở Phú Lâm: Áp đặt cái giá phải trả (*) - 1

Diễn biến này làm dấy lên lo ngại mới về việc Trung Quốc sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai các lực lượng quân sự có khả năng tấn công trên các đảo chiếm đoạt bất hợp pháp ở Biển Đông, bất chấp tuyên bố hùng hồn của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ tháng 9/2015 rằng sẽ không quân sự hoá Biển Đông.

Tạo sao là Phú Lâm?

Lựa chọn Phú Lâm làm điểm khởi đầu của quá trình này có thể làm giới báo chí quốc tế ngạc nhiên, song không gây bất ngờ đối với những ai quan tâm chặt chẽ đến các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cần nhớ rằng, trong khi hoạt động bồi đắp ở Trường Sa thu hút gần như toàn bộ sự chú ý của các nước, Trung Quốc cũng âm thầm mở rộng quy mô các cơ sở và trang thiết bị quân sự ở quần đảo Hoàng Sa. Phú Lâm thậm chí còn được Bắc Kinh đầu tư toàn diện từ sớm hơn, khi chính thức được tuyên bố là thủ phủ của cái gọi là Thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam tháng 7/2012.

Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã không tiếc tiền của, dành nguồn đầu tư khổng lồ xây dựng hàng loạt các công trình dân sự với mục tiêu biến nơi này thành trung tâm của quần đảo Hoàng Sa, có thể duy trì được cuộc sống dân sự bình thường.

Trung tâm hành chính, trường học, bệnh viện, các trạm năng lượng, trạm lọc nước, khách sạn, hạ tầng giao thông từng ngày được hình thành bất chấp phản đối của Việt Nam và quan ngại của cộng đồng quốc tế.

Tháng 7/2015, Trung Quốc khởi công xây dựng Trung tâm chỉ huy phòng thủ trên đảo Phú Lâm, là nơi tổ chức huấn luyện, chỉ huy phối hợp giữa quân đội và ngư dân đồn trú tại các đảo, đồng thời tích trữ trang thiết bị, vật tư phục vụ mục tiêu quân sự trong trường hợp có xung đột vũ trang trong tương lai.

Với các bước đi tiệm tiến như vậy, việc Bắc Kinh quyết tâm vũ trang hoá Phú Lâm và ngang nhiên tuyên bố việc Trung Quốc bảo vệ Phú Lâm một cách phi pháp là điều có thể dự đoán được.

Bên cạnh đó, việc chọn Phú Lâm làm điểm đầu cho quá trình vũ trang hoá Biển Đông còn đem lại nhiều thuận lợi cho Trung Quốc so với các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Thứ nhất, quần đảo Hoàng Sa là nơi chỉ có tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc (bên cạnh Đài Loan), do đó các hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa ít gây chú ý và phản ứng của cộng đồng quốc tế hơn so với ở Trường Sa.

Diễn biến trong những ngày qua đã phần nào chứng minh lập luận trên khi thông tin về sự kiện được nhiều nguồn tin dẫn, song phản ứng của các nước tương đối yếu ớt.

Đáng chú ý chỉ có Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh việc Trung Quốc cần dừng ngay hoạt động cải tạo, xây mới và vũ trang hoá các điểm chiếm đóng trên Biển Đông. Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thì gọi hoạt động lắp đặt tên lửa của Trung Quốc là hành vi không thể chấp nhận được. Trong khi đó, Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Edwin Lacierda chỉ tuyên bố Philippines “không muốn thổi phồng căng thẳng ở Biển Đông”.

Kể cả học giả và các cơ quan truyền thông quốc tế cũng muốn làm giảm tầm quan trọng của vấn đề này. Học giả Gregory Poling của Mỹ đánh giá việc triển khai tên lửa đất đối không ở Phú Lâm “không làm thay đổi cân bằng lực lượng ở Biển Đông”. Công ty tình báo Stratfor của Mỹ thì đánh giá sự xuất hiện của hệ thống tên lửa này chưa chắc đã là bước leo thang nghiêm trọng.

Điều đó cho thấy Trung Quốc đã ít nhiều thành công trong việc leo thang một bước quá trình quân sự hoá ở Biển Đông mà không gặp phản ứng mạnh mẽ.

Thứ hai, Phú Lâm gần Trung Quốc hơn nhiều so với các đảo nhân tạo tại Trường Sa, đồng thời địa hình và cơ sở hạ tầng tại đây thuận lợi hơn cho việc triển khai các lực lượng quân sự. Phú Lâm cách căn cứ Tam Á, quân cảng khổng lồ của Trung Quốc tại Hải Nam hơn 700km, chưa bằng nửa đường so với quãng đường từ Hải Nam tới Trường Sa. Việc di chuyển của tàu vận tải chở các trang thiết bị quân sự tới Hoàng Sa vì thế thuận lợi hơn, nhanh hơn, và bí mật hơn.

Các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự phục vụ quân nhân tại Phú Lâm cũng hoàn chỉnh hơn so với tại các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Do vậy, đây sẽ là điểm khởi đầu cho bước tiến quân sự của Trung Quốc xuống phía nam của Biển Đông. Nhiều học giả quốc tế cho rằng mô hình tại Phú Lâm có thể được đúc rút để Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự tại Trường Sa trong thời gian tới.

Thứ ba, Trung Quốc có thể đang áp dụng chiến thuật lấn dần từng bước như cách họ vẫn sử dụng lâu nay tại Biển Đông. Hiện các khẩu đội tên lửa HQ-9 của Trung Quốc được đặt sát mép nước khiến giới quan sát tin rằng việc triển khai này là tạm thời phục vụ các mục tiêu cụ thể ngắn hạn như thể hiện phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands hoặc sử dụng để tập trận.

Mục tiêu quân sự của việc triển khai này có thể chỉ mang tính tạm thời, thậm chí hình thức, song ý nghĩa chiến lược là rõ ràng. Trung Quốc từng bước đạt được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về một “nguyên trạng mới”, trong đó có sự hiện diện của các lực lượng tấn công của Trung Quốc tại Biển Đông. Việc triển khai tạm thời sẽ là tiền đề chuẩn bị dư luận cho việc triển khai lâu dài các lực lượng này ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Cấm vận thông minh và công cụ pháp lý

Bốn nhóm công cụ đối ngoại chính các quốc gia thường sử dụng là quân sự, kinh tế, chính trị-ngoại giao và pháp lý. Trong gần một thập kỷ gần đây, khi Trung Quốc bắt đầu bộc lộ và thể hiện ngày càng rõ tham vọng ở Biển Đông, cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, luôn ưu tiên các biện pháp chính trị - ngoại giao nhằm đưa nước Trung Quốc đang trỗi dậy vào trật tự quốc tế hiện có, duy trì môi trường hoà bình và ổn định trong khu vực.

Tuy nhiên, dường như Trung Quốc chưa nhận thức đúng về những nỗ lực này của cộng đồng quốc tế, liên tục có các bước leo thang, gây căng thẳng; trong đó đáng kể có việc xây dựng đảo nhân tạo với quy mô cực lớn ở các điểm chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, từng bước quân sự hoá Biển Đông, và có các hành vi có thể dẫn đến mất tự do, an toàn hàng hải, hàng không nói riêng và an ninh khu vực nói chung.

Trong bối cảnh đó, các công cụ tiếp theo có thể tính đến để sử dụng là các biện pháp kinh tế và pháp lý. “Cấm vận kinh tế chống Trung Quốc” là khái niệm tưởng chừng bất khả thi, song đã được các học giả và chính giới Mỹ đề cập trong thời gian gần đây. Các biện pháp buộc Trung Quốc phải trả giá đối với các hành vi vượt quá giới hạn và các biện pháp cấm vận thông minh có chọn lọc đã được thảo luận rộng rãi tại các phiên điều trần Quốc hội Mỹ cũng như trên các tạp chí uy tín.

Bên cạnh đó, các công cụ pháp lý cũng cần được cân nhắc nghiêm túc. Dù chính phủ Trung Quốc từ đầu bác bỏ vụ kiện của Philippines tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan, học giả Trung Quốc vẫn thống nhất đánh giá vụ kiện này là một nhân tố quan trọng tác động đến tình hình Biển Đông trong thời gian qua và những năm tới.

Chỉ ít tháng nữa phán quyết cuối cùng của toà sẽ được đưa ra, là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia hành xử và đấu tranh trong tranh chấp ở Biển Đông. Viễn cảnh về một hoặc nhiều vụ kiện có chọn lọc nội dung của các bên tranh chấp khác chống lại hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông có thể là yếu tố buộc Bắc Kinh phải cân nhắc về cách hành xử của mình.

Theo

Thế giới và Việt Nam

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả