Trung Quốc "thất thế" trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Trung Quốc vẫn là nền kinh tế số 2 thế giới và là "gã khổng lồ" trong các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, đất nước của ông Tập Cận Bình đang thất thế trong cuộc chiến thương mại, gần như ở mọi ngóc ngách có thể tưởng tượng được, theo nhận định của Forbes ngày 14-1.
Việc bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei Meng Wanzhouin tại Canada hồi tháng trước do vi phạm luật trừng phạt Mỹ, theo sau đó là vụ giám đốc bán hàng của tập đoàn này ở Ba Lan Wang Weijing bị sa thải tuần rồi đã phơi bày hình ảnh của Trung Quốc mà Washington muốn "vạch trần" từ lâu.
Những thông tin bất lợi nổi lên liên tục về Huawei chỉ ra cách thức mà tập đoàn công nghệ khổng lồ này của Trung Quốc có thể đã chiếm lĩnh thị trường - bằng cách sao chép các công nghệ nước ngoài trong các thỏa thuận liên doanh hoặc thông qua các hành động tội phạm cổ cồn trắng như đánh cắp tài sản trí tuệ và gián điệp doanh nghiệp.
Huawei vốn là một trong những hãng công nghệ tư nhân quan trọng nhất của Trung Quốc. Một phần vì lùm xùm của công ty này, Bắc Kinh đang bị đánh bại trên mặt trận quan hệ công chúng trong cuộc chiến thương mại.
Ở giai đoạn đầu cuộc chiến thương mại, Trung Quốc tưởng rằng họ có thể trông cậy vào châu Âu. Lục địa già cũng nhiều khó chịu với Tổng thống Trump, thế nhưng Trung Quốc đã không lôi kéo được Liên minh châu Âu (EU).
Chỉ số Shanghai Composite sụt giảm khoảng 30% trong 12 tháng qua. Thị trường chứng khoán đang là cách tồi tệ nhất để bắt mạch tăng trưởng của Trung Quốc. Giới đầu tư biết điều đó. Thế nên họ nhìn về phía các dữ liệu kinh tế. Sản xuất công nghiệp vẫn còn chút tích cực nhưng cũng sụt giảm. Tăng trưởng GDP quý tụt dốc. Hôm 14-1, Trung Quốc đã công bố những dữ liệu xuất khẩu cho thấy sự suy yếu trong tháng 12-2018.
Cụ thể, xuất khẩu tháng 12-2018 của nền kinh tế số 2 thế giới bất ngờ giảm 4,4% so với năm ngoái, với nhu cầu tại hầu hết các thị trường chính đều yếu. Nhập khẩu cũng giảm mạnh 7,6%, đánh dấu đợt giảm lớn nhất kể từ tháng 7-2016.
Trước đó, các chuyên gia đã dự đoán tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm còn 3% với nhập khẩu tăng 5%.
Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 3,7% - đánh dấu mức sụt giảm đáng kể đầu tiên kể từ tháng 10-2016. Điều này phản ánh sự chấm dứt của tình trạng đổ xô mua hàng né thuế quan của các công ty Mỹ trong quý III và tiếp tục ở đầu quý IV. Xuất khẩu sang Mỹ trước đó tăng hơn 12% trong 3 tháng liên tiếp.
"Những con số Trung Quốc vừa công bố là một hồi chuống báo động"- chiến lược gia thị trường trưởng Naeem Aslam của Think Markets (ở London-Anh) nói với Forbes. "Nếu bạn cần bất cứ bằng chứng nào về tác động của chiến tranh thương mại tác động lên sức khỏe kinh tế của một quốc gia thì không cần nhìn đi đâu xa hơn Trung Quốc. Dữ liệu xuất khẩu giảm sút có nghĩa là số lượng việc làm đi xuống, điều đó còn gây tác động trực tiếp lên nền kinh tế. Tổng thống Donald Trump có thể hài lòng. Chính sách của ông đã lấn lướt Bắc Kinh".
Dữ liệu tăng trưởng xuất khẩu công bố ngày 14-1 cũng cho thấy sức mạnh nổi lên gần đây của đồng nhân dân tệ có thể chỉ mang tính nhất thời, ngắn hạn. Ông Tập có thể nhắm tới đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ hơn nếu nền kinh tế không được vững vàng như trông đợi.
Ngoài ra, dữ liệu công bố hôm 14-1 cũng cho thấy Trung Quốc đang có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ trong năm 2018, điều có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực lên Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, về phía Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới cũng đối mặt với không ít bất lợi vì cuộc chiến thương mại. Trung Quốc có thể chơi một canh bạc dài hơi. Họ nắm được rằng tăng trưởng của kinh tế Mỹ cũng đang chậm lại. Những công ty Mỹ như Apple đang thiệt hại không nhỏ. Thậm chí, giới chuyên gia đánh giá Bắc Kinh có thể thắng thế nếu thị trường chứng khoán bị bán tháo và quay lưng với quan điểm cứng rắn của ông Trump với thương mại.
Theo Đỗ Quyên
Người lao động