1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Trung Quốc sẽ có nhu cầu thể hiện sức mạnh quân sự trên Biển Đông”

Tạp chí “Euroasia Review” mới đây đã đăng bài phân tích về những động thái mới của Trung Quốc ở Biển Đông của ông Mandip Singh – chuyên gia cao cấp Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng tại New Delhi, Ấn Độ.

Trong bài viết, tác giả nhận định Trung Quốc đang đi theo hướng từ từ củng cố tuyên bố chủ quyền của mình và “sớm hay muộn cũng có nhu cầu sử dụng sức mạnh quân sự” trên Biển Đông. Xin giới thiệu (lược dịch) bài viết trên như một thông tin tham khảo tới bạn đọc về góc nhìn của quốc tế với tình hình Biển Đông.

Ông Tập Cận Bình thị sát và thăm hỏi Hạm đội Nam Hải tại quân cảng Tam Á

Ông Tập Cận Bình thị sát và thăm hỏi Hạm đội Nam Hải tại quân cảng Tam Á

Đã tròn 1 tháng sau Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Quốc hội) Trung Quốc lần thứ 12 kết thúc bầu ra bộ máy lãnh đạo mới, hoàn thành êm xuôi cú chuyển giao quyền lực cứ 10 năm 1 lần. Những tưởng, giới lãnh đạo mới của Bắc Kinh sẽ có những động thái làm dịu đi tình hình căng thẳng ở Biển Đông nhưng trái lại, Trung Quốc lại liên tục có những hành động khiêu khích, khuấy động tình hình tranh chấp vốn đã sẵn căng thẳng - mặc dù so với hồi năm 2012, những động thái này của Bắc Kinh được xem là “kém phô trương hơn”.

Trong năm 2012, Trung Quốc đã giở mọi chiêu trò trên mọi mặt trận để khẳng định, thúc đẩy cái gọi là “chủ quyền” của mình đối với Biển Đông.

Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đã thành công trong việc trì hoãn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) tại Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Về mặt chính trị, Bắc Kinh tuyên bố Biển Đông là “lợi ích quốc gia cốt lõi” và là vấn đề “không thể thương lượng”, đồng thời lập nên một đơn vị hành chính mới, gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm quản lý trái phép các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam - PV) và Trung Sa.

Về mặt quân sự, Trung Quốc đã triển khai một đơn vị quân đội đồn trú trên đảo Phú Lâm với nhiệm vụ quản lý và kiểm soát hơn 200 đảo lớn nhỏ, bãi cát và rạn san hô ở quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa - PV), Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa - PV) và Trung Sa, cùng hơn 2 triệu km2 vùng nước nằm trong phạm vi cái gọi là “đường chín đoạn” (“đường lưỡi bò” - Bắc Kinh tự vẽ ra để nhận vơ chủ quyền trên Biển Đông – PV).

Từ chỗ khẳng định chủ quyền, những bước đi của Bắc Kinh hiện đang di chuyển theo hướng từ từ củng cố chủ quyền, dùng mọi thủ đoạn để “hợp pháp hóa” quyền và chủ quyền trên Biển Đông.

Đáng chú ý, vào đầu tháng 4, Trung Quốc đã đăng cai tổ chức Diễn đàn kinh tế châu Á Bác Ngao với sự tham gia của 2.500 nhà tư bản công nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp từ hơn 30 quốc gia tại Tam Á, tỉnh Hải Nam. Điều đáng nói là cái gọi là “thành phố Tam Sa” được đặt dưới sự quản lý của tỉnh Hải Nam và tỉnh này cũng tham gia tích cực nhất vào các hoạt động quấy rối ở Biển Đông trong thời gian qua. Việc Trung Quốc chọn Hải Nam làm nơi tổ chức Diễn đàn Bác Ngao đương nhiên không thoát khỏi sự chú ý của cộng đồng quốc tế và Bắc Kinh cũng không từ một cơ hội nào để có thể quảng bá, vận động cho cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông tại diễn đàn này.

Ngay tại đây, Phó Chủ tịch tỉnh Hải Nam Đàm Lực đã ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc sẽ khai trương tuyến du lịch (trái phép – PV) ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước thềm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tiếp đến, Trung Quốc lại thông báo phái “một biên đội 5 tàu Hải giám chịu trách nhiệm giám sát an toàn giao thông hàng hải, điều tra tai nạn hàng hải, phát hiện ô nhiễm môi trường và tiến hành các nhiệm vụ khác trong thời gian diễn ra hội nghị 24/24” và huênh hoang tuyên bố đây là một phần của hoạt động diễn tập an ninh trong khuôn khổ diễn đàn Bác Ngao. Chưa hết, Trung Quốc còn cấm máy bay bay thấp trong khu vực hội nghị nhưng không chỉ ra phạm vi rõ ràng.

Chiêu “đánh lận con đen” này của Trung Quốc nhằm thể hiện rằng, việc họ quản lý các khu vực tranh chấp ở Biển Đông cũng sẽ laf “việc làm hiển nhiên”.

Dư luận cũng không bỏ sót sự kiện ngày 19/3, 4 tàu chiến Hạm đội Nam Hải, bao gồm: tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, tàu khu trục mang tên lửa Lan Châu, 2 khinh hạm Ngọc Lâm và Hành Thủy cùng 4 máy bay lên thẳng và một đại đội lục chiến đã tham gia một đợt “huấn luyện, tuần tra” kéo dài 16 ngày trên Biển Đông và biển Tây Thái Bình Dương. Trong hành trình dài 5.000 hải lý, đội tàu trên đã “diễu võ dương oai” qua một loạt khu vực nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” (phi pháp – PV) nhằm thể hiện trắng trợn yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ngay cả bãi ngầm James – điểm cực Nam của “đường lưỡi bò” - nơi cách Trung Quốc tới 1.800km và chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km, đội tàu chiến này cũng ngang nhiên “tới thăm” và bày trò thượng cờ. Theo tờ Straight Times, tại khu vực rõ ràng nằm trong thềm lục địa của Malaysia này, thủy thủ đoàn Trung Quốc đã ngang nhiên thực hiện lễ tuyên thệ trung thành với đất nước, “bảo vệ Biển Đông, duy trì chủ quyền quốc gia và phấn đấu xây dựng một Trung Quốc hùng mạnh”. Hành động này thể hiện sự hiếu chiến, khích động chủ nghĩa dân tộc.

Chỉ huy đội tàu – Đô đốc Tưởng Vĩ Liệt thừa nhận, gần đây, những hoạt động tập trận kiểu như trên đã diễn ra thường xuyên với hơn, từ mức “vài năm một lần lên vài lần một năm”, nhằm xác nhận sự hiện diện “tích cực” của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông. Ngoài ra, trong khuôn khổ cuộc tập trận, lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc đã tham gia diễn tập các chiến dịch đổ bộ chiếm đảo và tấn công tàu đối phương trên biển.

Bên cạnh đó, việc vượt ra khỏi Biển Đông, tiến ra Tây Thái Bình Dương tập trận, cho thấy Bắc Kinh đang muốn thể hiện khả năng có thể hoạt động và triển khai sức mạnh hải quân ở các khu vực khác, ngoài khu vực truyền thống.

Bước đi mang tính biểu tượng cao nhất là chuyến thăm của Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến căn cứ hải quân Tam Á hôm 9/4. Đây là cơ sở đặt tàu ngầm của Trung Quốc, đáng chú ý là có cả tàu ngầm hạt nhân, được thả neo trong đường hầm khoan thông từ đất liền ra biển. Căn cứ Tam Á được đánh giá là “con át chủ bài” trong chiến lược khống chế Biển Đông của Trung Quốc, là cơ sở phía Nam của hầu hết các lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, là cảng nhà của Hạm đội Nam Hải.

Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11 năm ngoái, ông Tập Cập Bình đã thường xuyên thị sát có những chuyến thị sát, thăm hỏi các lực lượng vũ trang Trung Quốc, trong đó đặc biệt ưu ái đến thăm Hạm đội Nam Hải 2 lần – một lần trên cương vị Tổng Bí thư và một lần với tư cách Chủ tịch nước.

Đây là một dấu hiệu cho thấy mối quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Quân đội Trung Quốc với việc phát triển quân sự về phía Nam. Cũng như tại các căn cứ quân sự khác, trong đợt thị sát tại quân cảng Tam Á, ông Tập đã kêu gọi các binh sỹ, mỗi người đều phải “lồng ghép mục tiêu cá nhân của mình với mục tiêu xây dựng quân đội vững mạnh” và nhấn mạnh lực lượng Hải quân Trung Quốc cần thiết phải “nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu”, nâng cao tác phong chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Đây là một xu hướng không thể nhầm lẫn. Trong tất cả các chuyến thăm các cơ sở quân sự, ông Tập đều yêu cầu quân đội phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, ý ra rằng, sớm hay muộn Trung Quốc sẽ có nhu cầu thể hiện sức mạnh quân sự.

Chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình diễn ra chỉ một ngày sau khi ông này bất ngờ đến thăm các ngư dân thường xuyên làm việc ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông và lên thăm tàu Quỳnh – Quỳnh Hải 09045. Đây là chiếc tàu cá đã bị cảnh sát Palau bắt giữ cách đây một năm vì tội đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển Palau. Một ngư dân Trung Quốc đã bị bắn chết và 25 người khác đã bị bắt trong vụ việc này.

Sau khi thăm hỏi ngư dân về tình hình an toàn của họ khi đánh bắt cá trên Biển Đông, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ bảo vệ cuộc sống và an toàn cho ngư dân trên toàn bộ chặng hành trình ở ngư trường Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành hợp nhất các cơ quan giám sát biển nhằm tăng cường hiệu quả tuần tra, chấp pháp, bảo vệ cái gọi là “quyền lợi” của ngư dân nước này trên các vùng biển. Động thái này được xem là một thông điệp mà ông Tập Cận Bình muốn gửi đến các nước láng giềng có liên quan đến tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Nói tóm lại, trong ngắn hạn, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông, phối hợp tất cả các bộ, ngành quân sự, chính trị và ngoại giao cùng thực hiện những hành động được lên kế hoạch từ trước. Quan trọng hơn, giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ cho báo chí phát “hỏa lực mồm”, bằng những bài viết thể hiện sự hung hăng, hiếu chiến và tiếp tục theo đuổi chính sách “không đàm phán” về vấn đề liên quan đến “đường chín đoạn” (phi pháp - PV) của họ. Chính sách này được cho là sẽ tiếp tục trở nên hung hăng và hiếu chiến hơn theo thời gian bởi giới lãnh đạo Trung Quốc đã đẩy cuộc tranh chấp này lên cao. Bất kỳ sự thỏa hiệp hay động thái làm dịu nào cũng sẽ bị đánh giá là yếu kém và thiếu khả năng, gây tổn hại cho hình ảnh của thế hệ cầm quyền mới của Trung Quốc trong bối cảnh họ đang phải củng cố quyền lực ở giai đoạn đầu.

Theo Minh Châu
Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm