1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc quyết tâm tự chủ về công nghệ để giành vị thế thống trị của Mỹ

Nguyên Long

(Dân trí) - Lưỡng hội Trung Quốc đã thông qua nhiều báo cáo và quyết sách quan trọng đối với định hướng phát triển của nước này trong năm 2024, đồng thời vạch chiến lược cho sự phát triển hơn nữa trong tương lai.

Trung Quốc quyết tâm tự chủ về công nghệ để giành vị thế thống trị của Mỹ - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội ngày 11/3 (Ảnh: Reuters).

Từ ngày 4 đến 11/3, Trung Quốc đã lần lượt tổ chức hai kỳ họp của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (gọi tắt là Lưỡng hội).

Lưỡng hội được tổ chức theo thông lệ thường niên vào tháng 3 hàng năm, là một trong những sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng nhất năm 2024 đối với Trung Quốc. Sự kiện diễn ra vào thời điểm nước này chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cũng như là khởi đầu để Trung Quốc tiến lên trong năm mới.

Lưỡng hội Trung Quốc 2024 đã thông qua nhiều báo cáo và quyết sách quan trọng đối với định hướng phát triển của Trung Quốc trong năm 2024, đồng thời vạch chiến lược cho sự phát triển hơn nữa trong tương lai.

Các mục tiêu, định hướng phát triển

Một là, ưu tiên ổn định kinh tế: Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 ở mức khoảng 5%, bằng với mục tiêu năm 2023; tạo thêm 12 triệu việc làm mới ở khu vực đô thị và duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mức khoảng 5,5%; duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động với tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính trên GDP vào khoảng 3%; duy trì tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ (NDT) ở mức cân bằng, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong các lĩnh vực tài chính, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân.

Chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai các biện pháp, chính sách nhằm ổn định lĩnh vực bất động sản, đảm bảo sự ổn định tài chính và kinh tế đất nước; có kế hoạch phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn trong nhiều năm liên tiếp, dự kiến phát hành 1.000 tỷ NDT trái phiếu loại này trong năm 2024 để tài trợ cho các dự án lớn phù hợp với chiến lược quốc gia, phát hành 3.900 tỷ NDT trái phiếu có mục đích đặc biệt cho chính quyền địa phương; đặt mục tiêu giải quyết một cách có hệ thống vấn đề vốn của một số dự án lớn trong quá trình xây dựng đất nước hùng mạnh và chấn hưng đất nước…

Hai là, chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Tại kỳ họp Lưỡng hội vừa qua, phát triển "lực lượng sản xuất mới" được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Trong Báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Lý Cường cho biết, nhiệm vụ chính của năm 2024 là thúc đẩy xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại và đẩy nhanh sự phát triển của "lực lượng sản xuất chất lượng mới" (lực lượng sản xuất mới).

Cụm từ này đã được Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập nhiều lần trong các phiên họp của cả Chính hiệp và Nhân đại (tức Quốc hội) cho thấy Trung Quốc đang hướng tới việc ngừng ưu tiên vào các động lực tăng trưởng "cũ", như các dự án cơ sở hạ tầng lớn, mà thay vào đó là ưu tiên cho "lực lượng sản xuất mới". Có thể kể đến là các ngành dịch vụ, tài chính, các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược như năng lượng mới, vật liệu mới, sản xuất tiên tiến và công nghệ thông tin nhằm giúp Trung Quốc đạt được sự tự chủ về khoa học và công nghệ.

Trong thời gian tới, Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng về năng lượng, hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát thải ít carbon và bảo vệ môi trường.

Ông Trịnh Sách Khiết - Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc - cho biết, trong năm 2024 Trung Quốc sẽ thực hiện điều tiết vĩ mô hiệu quả hơn và tăng cường phối hợp giữa các chính sách tài chính, tiền tệ, việc làm, công nghiệp và khu vực để tất cả các chính sách được đồng bộ và tạo thành sức mạnh tổng hợp; đồng thời tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thực, thúc đẩy tiêu dùng, mở rộng đầu tư và ổn định ngoại thương.

Ba là, quyết tâm tự chủ về công nghệ để giành vị thế thống trị của Mỹ: Trung Quốc đặt mục tiêu huy động toàn bộ nguồn lực quốc gia để nâng cao năng lực đổi mới trên diện rộng, thúc đẩy các đột phá về khoa học nhằm giành quyền tối cao về công nghệ, tái khẳng định ưu tiên cốt lõi là tự chủ trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến sản xuất chip nhằm đáp ứng mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế và đối phó với những hạn chế do phương Tây đưa ra.

Theo thống kê của hãng Soochow Securities, trong báo cáo công việc mà Thủ tướng Lý Cường đọc tại kỳ họp, cụm từ "công nghệ" được đề cập tới 26 lần, mức cao nhất kể từ năm 2015, cho thấy sự ưu tiên lớn của Trung Quốc đối với lĩnh vực này.

Hiện nay, Trung Quốc đã mở rộng quyền kiểm soát của nhà nước với các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược từ sản xuất chất bán dẫn đến điện toán lượng tử, đồng thời khởi xướng cách tiếp cận toàn dân để thúc đẩy tiến bộ công nghệ nhằm phá vỡ sự kìm kẹp của Mỹ đối với các lĩnh vực công nghệ quan trọng.

Dự kiến, Trung Quốc sẽ tăng chi cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ thêm 10% trong năm 2024, tương đương 370,8 tỷ NDT (51,5 tỷ USD). Đây là mức tăng lớn nhất so với các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và an ninh quốc phòng, qua đó cho thấy tầm quan trọng chưa từng có của lĩnh vực công nghệ trong chính sách phát triển của quốc gia này.

Bốn là, tiếp tục thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân đội: Mặc dù đặt mục tiêu khiêm tốn về tăng trưởng kinh tế (5%) nhưng Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng 7,2% trong năm 2024 lên 1,67 nghìn tỷ NDT (230,6 tỷ USD), đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng trên 7%.

Việc Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng qua các năm dù nền kinh tế tăng trưởng chậm lại dấy lên nhiều lo ngại.

Để trấn an dư luận, người phát ngôn kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc Vương Siêu cho biết, "Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng dựa trên nhu cầu đáp ứng các thách thức an ninh phức tạp và thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia lớn" và "việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới".

Một số chuyên gia Trung Quốc lý giải rằng, Bắc Kinh tăng chi tiêu quốc phòng theo kế hoạch và không nhằm phản ứng trước những căng thẳng an ninh trong khu vực, đồng thời khẳng định mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh nhận định, mua sắm trang thiết bị mới có thể sẽ chiếm phần lớn ngân sách quốc phòng của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa quân đội toàn diện trước năm 2035 như Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra.

Học giả Lý Minh Giang tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore đánh giá, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn nhưng vấn đề Đài Loan vẫn là yếu tố cân nhắc chính cho chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh và có thể trong thập kỷ tới họ muốn quân đội phát triển tới mức sẵn sàng giành chiến thắng trong một cuộc chiến tiềm tàng khi không có lựa chọn nào khác.

Đáng chú ý, trong báo cáo công việc thường niên của chính phủ, lần đầu tiên Thủ tướng Lý Cường đề cập đến việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến tranh bằng cách cải thiện lực lượng dự bị. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về lý luận chính trị và lòng trung thành với đảng trong lực lượng vũ trang.

Mục tiêu của Quân đội Trung Quốc là đến năm 2027 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập - sẽ hoàn thành hiện đại hóa quân đội, đặt nền tảng để nước này trở thành một lực lượng quân sự "đẳng cấp thế giới" vào năm 2049.

Năm là, kiên trì con đường ngoại giao hòa bình: Người phát ngôn kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần thứ 14 Lâu Cần Kiệm cho biết, Trung Quốc sẽ kiên quyết đi theo con đường phát triển hòa bình, sẵn sàng chia sẻ cơ hội phát triển với các nước khác, xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, công bằng, công lý và hợp tác cùng có lợi, cùng thúc đẩy xây dựng cộng đồng vì một tương lai chung cho nhân loại, có những đóng góp mới cho sự nghiệp cao cả vì hòa bình và tiến bộ cho toàn nhân loại.

Các báo cáo, diễn ngôn cũng phát biểu tại cuộc họp báo ngày 07/3 do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ trì đã cho thấy lập trường của Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề từ vấn đề Đài Loan đến cạnh tranh Trung - Mỹ, các điểm nóng xung đột, tầm nhìn hợp tác với các nước...

Về vấn đề Đài Loan: Trung Quốc "kiên định phản đối hoạt động ly khai" trên đảo Đài Loan và mọi động thái "can thiệp của nước ngoài". Trong báo cáo công tác chính phủ, Thủ tướng Lý Cường cho hay, Bắc Kinh vẫn chủ trương "phát triển hòa bình" quan hệ với đảo Đài Loan, tái khẳng định mục tiêu "thống nhất" với Đài Loan, nhấn mạnh quá trình này phải được thực hiện "một cách vững chắc", tuy nhiên, cụm từ "thống nhất hòa bình" đảo Đài Loan đã được loại bỏ.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bỏ cụm từ "thống nhất hòa bình" khi đề cập đến vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, điều đó có thể dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn nữa với vấn đề Đài Loan trong thời gian tới.

Về quan hệ Trung - Mỹ: Bộ trưởng Vương Nghị cho biết, quan điểm của Trung Quốc về quan hệ Trung - Mỹ dựa trên 3 nguyên tắc được Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh là "tôn trọng lẫn nhau; chung sống hòa bình, hợp tác cùng có lợi" và Bắc Kinh sẽ "nỗ lực để ổn định quan hệ với Washington".

Ông Vương Nghị khẳng định đã có một số cải thiện trong quan hệ Trung - Mỹ kể từ khi lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước gặp nhau vào năm ngoái, tuy nhiên, cho rằng Mỹ vẫn có những nhận thức sai lầm về Trung Quốc và dùng nhiều phương pháp để kiềm chế Trung Quốc; nhấn mạnh Trung Quốc luôn sẵn sàng tăng cường liên lạc với Mỹ để loại bỏ những hiểu lầm và định kiến không đáng có.

Về quan hệ Nga - Trung: Đối với Trung Quốc, phát triển quan hệ với Nga là lựa chọn chiến lược của hai nước dựa trên những lợi ích cơ bản và cũng là điều hai nước cần phải thực hiện để bắt kịp với xu hướng của thế giới; nhấn mạnh "Trung Quốc và Nga đã xây dựng hình mẫu mới cho quan hệ giữa các nước lớn, khác hoàn toàn cách tiếp cận lỗi thời từ Chiến tranh Lạnh".

Về quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc khẳng định sẵn sàng cùng các nước láng giềng xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai cho châu Á và nhân loại; khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước lớn trong lĩnh vực AI, cũng như việc xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển; thể hiện quan điểm tiếp tục thúc đẩy đàm phán hòa bình tại Ukraine; kêu gọi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; hoan nghênh các bên cùng hợp tác, phát triển với châu Phi...

Một số thách thức với tham vọng của Trung Quốc trong thời gian tới

Các nhà phân tích đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc mất đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 và đối mặt với hàng loạt thách thức do tác động từ khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, giảm phát ngày càng sâu, nợ chính quyền địa phương tăng, vốn hóa thị trường của nhiều doanh nghiệp niêm yết giảm mạnh,... mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024 là đầy tham vọng, đòi hỏi có các biện pháp kinh tế và tài chính hiệu quả hơn nữa mới có thể đạt được.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Ông Larry Hu - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Tập đoàn Tài chính Macquaire cho rằng, mặc dù mục tiêu 5% là đầy tham vọng nhưng có thể đạt được. Hơn nữa, đây cũng là cách để giúp các nhà lãnh đạo Trung Quốc tăng niềm tin và tránh vòng xoáy giảm phát đi xuống.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc vào khoảng 4,6% và sẽ giảm còn 3,5% vào năm 2028.

Theo đánh giá của hãng Reuters, việc Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không hề dễ dàng vì còn nhiều thách thức và điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện được, nhất là trong bối cảnh các lực lượng thị trường đang rút lui và chính phủ đang chi phối động lực này.

Ông Hoàng Kỳ Phàm - cựu Thị trưởng Trùng Khánh nổi tiếng với những hiểu biết sâu sắc về kinh tế nói rằng, điểm nghẽn lớn nhất của Trung Quốc trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế nằm ở những hạn chế trong việc phát triển các dịch vụ sản xuất - một thuật ngữ chung mô tả các lĩnh vực và công nghệ được thiết kế chủ yếu để tăng cường sản xuất truyền thống, chẳng hạn như điện toán đám mây hoặc tư vấn tài chính và pháp lý.

Bên cạnh đó, việc ưu tiên "lực lượng sản xuất mới" trong chương trình nghị sự còn phản ánh sự lo lắng của các nhà lãnh đạo về việc Trung Quốc có khả năng tụt hậu so với Mỹ về các công nghệ như chip tiên tiến và AI.

Nhìn chung, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong chiến lược phát triển công nghệ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Mỹ ngày càng gay gắt và nhiều công ty công nghệ nước ngoài đang dần dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác như Ấn Độ và Đông Nam Á để giảm thiểu rủi ro.