1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc phóng tàu thăm dò Mặt trăng mới trong dịp quốc khánh

(Dân trí) - Khát vọng chinh phục vũ trụ của Trung Quốc tiếp tục được hiện thực hóa khi nước này chuẩn bị phóng tàu thăm dò Mặt trăng không người lái thứ hai vào cuối tuần.

 

Trung Quốc phóng tàu thăm dò Mặt trăng mới trong dịp quốc khánh - 1


Tên lửa Trường Chinh 3C đang được tiếp nhiên liệu tại trung tâm phóng Tây Xương.

 

Tàu thăm dò Hằng Nga II sẽ được phóng lên vũ trụ vào khoảng từ thứ sáu (hôm nay và cũng là ngày quốc khánh Trung Quốc) đến chủ nhật trên tên lửa Trường Chinh 3C, báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin.

 

Thời gian phóng chính xác sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết ở trung tâm phóng Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.

 

Theo dự báo thời tiết, ngày thứ sáu, ở Tây Xương có mưa và sấm. Trung Quốc thường sắp xếp các cuộc phóng tàu vũ trụ vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, khi trời quang mây tạnh.

 

Kế hoạch phóng tàu thăm dò là nhằm thử công nghệ, chuẩn bị cho chuyến đáp xuống Mặt trăng của tàu thăm dò không có người vào năm 2012 và có thể người Trung Quốc sẽ đặt chân lên Mặt trăng vào năm 2017.

 

Kế hoạch không gian khác của Trung Quốc ngoài ra còn bao gồm phóng khoang đầu tiên của một trạm vũ trụ tương lai vào năm tới. Và sau đó Trung Quốc sẽ triển khai  một tàu vũ trụ có người lái kết nối với khoang này.

 

Trung Quốc đã tiến hành chuyến bay đưa người vào vũ trụ vào năm 2003, gia nhập cùng Nga và Mỹ để trở thành những nước duy nhất đưa được người vào quỹ đạo. Trong hai sứ mệnh vũ trụ có người lái sau đó, mà gần đây nhất là vào năm 2008, người Trung Quốc đã thực hiện được chuyến “dạo bộ” ngoài không gian đầu tiên.

 

Chương trình vũ trụ của Trung Quốc đang đạt được những cột mốc mới, ngay cả khi Mỹ và các nước khác phải đối mặt với khoản ngân sách hạn hẹp. Trung Quốc cũng hoạt động khá độc lập với các nước và cơ quan khác, kể cả Trạm vũ trụ quốc tế.

 

Theo Tân Hoa xã, Hằng Nga II sẽ bay quanh Mặt trăng 100km trước khi chuyển vào quỹ đạo chỉ 15km bên trên bề mặt của nó.

 

Tàu thăm dò sẽ dùng camera siêu nét quay phim khu vực Trung Quốc dự định cho tàu thăm dò China-e III, hạ cánh. Rồi sau đó, Hằng Nga II sẽ chuyển lên quỹ đạo cao hơn, thực hiện phân tích bề mặt Mặt trăng và môi trường vũ trụ xung quanh.

 

Tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc, Hằng Nga I, được phóng vào năm 2007. Trung Quốc đã cho nó đâm vào bề mặt Mặt trăng 16 tháng sau đó, khi đã hết thời gian sử dụng.

 

Phan Anh

Theo AP