1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc né tòa án quốc tế

Trung Quốc sẽ sử dụng trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế để củng cố yêu sách chủ quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Ý định thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế (TPHHQT) của Trung Quốc (TQ) có thể nhằm mục đích chuyển địa điểm giải quyết các vấn đề tranh chấp hàng hải ở London (Anh) và nhiều trung tâm khác ở châu Âu sang TQ.

Bên TQ tham gia vụ kiện tranh chấp hàng hải cũng sẽ được hưởng lợi thế hơn vì quen thuộc với cách thức giải quyết tranh chấp của luật pháp TQ.

Báo The Straits Times (Singapore) dẫn lời chuyên gia Susan Finder ở đặc khu Hong Kong nhận xét như trên.

Cậy thế sân nhà

Chuyên gia Susan Finder ghi nhận với ý định thành lập trung tâm TPHHQT, TQ còn nhằm mục đích khác như bảo đảm thẩm quyền về phát triển và sử dụng vùng biển mà TQ đòi yêu sách chủ quyền.

Báo cáo do Chánh án TAND Tối cao Chu Cường trình bày tại kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc TQ hôm 13-3 cho rằng TQ thành lập trung tâm TPHHQT “nhằm bảo vệ tốt hơn chủ quyền quốc gia, quyền lợi hàng hải và các lợi ích cốt lõi”.

Chánh án Chu Cường đưa ra các số liệu biện minh cho ý định thiết lập trung tâm TPHHQT rằng: TQ đứng đầu thế giới về số vụ án hàng hải. Năm 2015, 10 tòa án hàng hải của TQ đã xử lý 16.000 vụ so với 12.000 vụ năm 2014 và 11.000 vụ năm 2013.

Ông Chu Cường dẫn chứng trường hợp một tàu cá TQ va chạm với tàu chở hàng mang cờ Panama ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9-2014. Chủ tàu cá TQ đòi xử ở tòa án hàng hải TP Hạ Môn (TQ). Cuối cùng hai bên giải quyết bằng thương lượng.

Từ vụ đó, ông bao biện rằng tòa án TQ có thẩm quyền đối với các vụ tranh chấp xảy ra trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (Nhật và TQ đang tranh chấp).

Báo The Straits Times ghi nhận TQ công bố ý định thành lập trung tâm TPHHQT vào thời điểm căng thẳng trong tranh chấp liên quan đến biển Hoa Đông và biển Đông đang leo thang.

Ngoài ra còn có lo ngại về cách thức TQ đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) có thể sẽ được công bố trong vài tháng tới về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của TQ. TQ đã từ chối tham gia vụ kiện này.

Đảo Phú Lâm của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Ảnh: GOOGLE EARTH
Đảo Phú Lâm của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Ảnh: GOOGLE EARTH

Tránh né tòa án quốc tế

Chuyên gia Ian Storey nhận định TQ muốn thành lập trung tâm TPHHQT vì cho rằng các định chế tư pháp hiện nay là thân phương Tây và có thành kiến với TQ. Ông nói: “Có thể TQ muốn lập tòa án hàng hải riêng để tránh né các tòa án các nước khác”.

Trong khi đó, báo Japan Times (Nhật) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sử dụng trung tâm TPHHQT riêng chỉ để củng cố yêu sách chủ quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Chuyên gia Richard Javad Heydarian ở ĐH De La Salle tại Manila (Philippines) nhận định ý tưởng thành lập trung tâm TPHHQT là một thủ đoạn của TQ.

Ông ghi nhận: “Dù động thái này có thể tạo ra phản ứng với chủ nghĩa dân tộc tại TQ thì cũng không có bất kỳ liên quan nào đến dư luận quốc tế về giá trị pháp lý của thái độ ứng xử của TQ tại các vùng biển lân cận”.

Chuyên gia Sebastian Maslow ở trường Luật Sendai thuộc ĐH Tohoku (Nhật) nhận xét: “Chiến thuật của các nhà lãnh đạo TQ là nếu không thể thừa nhận yêu sách của đối thủ trên cơ sở quy định thiết lập từ luật pháp quốc tế, vậy phản bác luôn các quy định đó đi”.

Ông khẳng định trung tâm TPHHQT được lập ra chỉ nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của TQ.

Chuyên gia Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy ở Sydney (Úc), nhận định TQ dường như muốn làm thay cho các định chế như Tòa án Công lý quốc tế và Tòa án quốc tế về Luật Biển.

Ông cho rằng điều này không thể chấp nhận được bởi TQ chính là một bên tranh chấp trong nhiều vụ tranh chấp hàng hải trong khu vực, vì vậy không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Báo The Star (Malaysia) đưa tin: phát biểu ngày 14-3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết Malaysia sẽ bắt đầu điều tra TQ đưa các thiết bị quân sự đến biển Đông.

Ông nói ông sẽ gặp những người đồng cấp của Úc, Philippines và Việt Nam để thảo luận về yêu sách của TQ. Ông cho biết tuần tới ông sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne để chia sẻ thông tin và thảo luận về tình hình các đảo đang tranh chấp.

Ông nói: “Chúng tôi cần phải xem lời hứa TQ đưa ra không đưa thiết bị quân sự đến quần đảo Trường Sa là lời hứa có thể tin cậy được hay không”. Ông khẳng định Malaysia không thể hành động đơn độc trong việc ngăn chặn các hành động hung hăng xây dựng các phương tiện quân sự của TQ trên các đảo nhân tạo. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cần chỗ dựa của các nước khác trong ASEAN”.

Trước đó, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak đã khẳng định tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển. Ông mong muốn các nước trong khu vực đoàn kết với nhau và hành động hơn nữa.

________________________________

Không thể tin các nước láng giềng lại thừa nhận thẩm quyền của tòa án hàng hải TQ.

Chuyên gia IAN STOREY

Điều này không có gì khác hơn là thủ đoạn phản tuyên truyền nhằm cung cấp cho TQ vỏ bọc tưởng như pháp lý trước hành động hung hăng trên biển của TQ và nhằm tẩy chay vụ án trọng tài của tòa án ở La Haye.

Chuyên gia RICHARD JAVAD HEYDARIAN

Theo PH.QUỲNH

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm