Trung Quốc mời lính Nga tới duyệt binh tại Bắc Kinh
(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo đã mời quân đội Nga tham gia buổi duyệt binh kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến II tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới. Báo chí Mỹ nhận định động thái này sẽ khiến các nhà lãnh đạo phương Tây “quay lưng’” với lễ kỷ niệm này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ hai, bên trái) ngồi cạnh và nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ duyệt binh tại Mátxcơva ngày 9/5. (Ảnh: AP)
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đã có gửi lời mời chính thức tới Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Theo đó, Trung Quốc “nhiệt liệt chào đón các nhà lãnh đạo quân sự và lực lượng quân đội Nga” đến Bắc Kinh tham gia vào sự kiện diễn ra vào tháng 9 sắp tới.
Ngày 9/5 vừa qua, ông Tập đã tham dự cuộc duyệt binh ở Mátxcơva nhân dịp 70 năm Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát-xít Đức.
Ông Phạm cho biết thêm, chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Nga và tham dự cuộc diễu binh lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại đã “thúc đẩy toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung lên một tầm cao mới”.
Phía Trung Quốc khá kín tiếng về các nước còn lại sẽ được mời đến dự lễ kỷ niệm tại thủ đô Bắc Kinh vào tháng 9 tới, nhưng cho hay nước này sẽ mời các lãnh đạo của các nước Đồng minh từng “kề vai, sát cánh” với Trung Quốc trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, hiện quan hệ Nga - phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay. Điều này khiến các lãnh đạo và quan chức ngoại giao phương Tây có thể sẽ từ chối đến Bắc Kinh nếu có sự hiện diện của Putin.
Cuộc diễu hành ở Bắc Kinh, có thể sẽ diễu binh tại Quảng trường Thiên An Môn, là cuộc diễu binh đầu tiên của ông Tập kể từ khi ông trở thành Tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc và Chủ tịch quân ủy trung ương nước này vào cuối năm 2012, sau đó trở thành Chủ tịch nước đầu năm 2013.
Đánh giá về cuộc diễu binh này, cố vấn về Châu Á của tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Evan Medeiros, đã đặt câu hỏi rằng liệu cuộc duyệt binh rầm rộ tại Bắc Kinh có gửi đi tín hiệu hòa giải hay lại là một thông điệp của sự hằn học gửi đến Nhật Bản, nước láng giềng có nhiều mâu thuẫn về lịch sử với Trung Quốc.
Bắc Kinh và Tokyo từ lâu đã có những bất đồng không thể hóa giải, trong đó có vấn đề lịch sử xoay quanh cách nhìn nhận về thời kỳ Nhật chiếm đóng Trung Quốc trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trung Quốc từng nhiều lần phản ứng dữ dội trước những động thái “xét lại lịch sử” của Nhật và Bắc Kinh sẽ tận dụng lần duyệt binh này như một cơ hội để gửi những thông điệp mạnh mẽ tới nước láng giềng.
Thoa Phạm
Tổng hợp