Trung Quốc lên tiếng việc đưa 6 tàu chiến tới Trung Đông
(Dân trí) - Trung Quốc đã phản hồi thông tin 6 tàu chiến nước này được triển khai tới Trung Đông giữa lúc xung đột Israel - Hamas leo thang.
"Hạm đội của Hải quân Trung Quốc khởi hành để thực hiện nhiệm vụ hộ tống và đang có chuyến thăm hữu nghị tới các nước liên quan. Các bên liên quan nên tôn trọng sự thật và ngừng thổi phồng vô căn cứ", người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu tuyên bố hôm 22/10.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có thông tin 6 tàu chiến Trung Quốc, bao gồm một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, đã hoạt động ở Trung Đông kể từ tuần trước, trong đó có cuộc tập trận chung với hải quân Oman.
Theo truyền thông đưa tin, hải quân Trung Quốc đã tham gia các hoạt động triển khai thường kỳ tới khu vực Trung Đông kể từ tháng 5, đặc biệt là các nhiệm vụ hộ tống tàu.
Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas khiến căng thẳng leo thang ở Trung Đông trong 2 tuần gần đây. Việc các nước triển khai binh sĩ và khí tài quân sự tới khu vực làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng.
Báo Nikkei Asia (Nhật Bản) đưa tin, 12.000 quân nhân của Lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến trên 10 tàu chiến của Mỹ đã đến hoặc sắp đến khu vực phía đông Địa Trung Hải, sát Israel.
Tàu sân bay Gerald R. Ford của Mỹ đã được triển khai đến Địa Trung Hải với hơn 4.500 thủy thủ trên tàu, cùng với 5 tàu chở hơn 1.600 quân nhân.
Ngoài ra, tàu sân bay Dwight D. Eisenhower cũng đã được điều tới Trung Đông, mang theo 5.000 quân nhân trên tàu, cùng 3 tàu hộ tống chở khoảng 1.000 quân nhân Mỹ.
Washington Post và Fox News đưa tin quân đội Mỹ đang điều hơn 4.000 quân tới Trung Đông.
Đặc phái viên Trung Quốc về Trung Đông Zhai Jun hôm 22/10 tuyên bố Bắc Kinh "tin rằng vũ lực không phải là cách giải quyết vấn đề và việc đáp trả bạo lực bằng bạo lực sẽ chỉ dẫn đến một vòng luẩn quẩn trả thù".
Trung Quốc tuần trước cho biết nước này "thất vọng sâu sắc" trước việc Mỹ phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi "ngừng bắn nhân đạo" trong cuộc xung đột Israel - Hamas.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Ai Cập và các quốc gia Ả Rập để thúc đẩy giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine.
Theo ông Tập, giải pháp cốt lõi để giải quyết cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Palestine là "thực hiện "giải pháp hai nhà nước", thành lập một nhà nước Palestine độc lập và hai bên cùng chung sống hòa bình".
Các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine đến nay chủ yếu xoay quanh giải pháp hai nhà nước, nghĩa là Nhà nước Palestine độc lập tồn tại song song với Nhà nước Israel theo đường biên giới được quốc tế công nhận trước năm 1967.
Trước đây, các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine ở Dải Gaza thường kết thúc sau vài ngày với nỗ lực hòa giải của Qatar, Ai Cập và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, mức độ giao tranh hiện nay cho thấy căng thẳng có thể leo thang nguy hiểm hơn nữa.