1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc "ỉm" tiền mua tàu sân bay Liêu Ninh của doanh nhân Hồng Kông?

(Dân trí) - Vất vả tiếp xúc, đấu thầu và phải mất đến 3 năm mới đưa được tàu sân bay về cảng Liêu Ninh sau hành trình gian khổ, doanh nhân Hồng Kông Xu Zengping cho biết ông đã tiêu tốn tới 120 triệu USD trong thương vụ này, nhưng “chưa được chính phủ thanh toán một xu”.

Từng là một vận động viên bóng chuyền của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Châu, năm 1998 ông Xu được các sỹ quan hải quân Trung Quốc lúc bấy giờ tiếp cận, để nhờ đứng ra mua tàu sân bay Varyag của Ukraine, đang đóng bị bỏ dở sau khi Liên Xô (cũ) sụp đổ.

Xu Zengping đã bỏ ra khoảng 120 triệu USD để đưa tàu sân bay về Trung Quốc (Ảnh:
Xu Zengping đã bỏ ra khoảng 120 triệu USD để đưa tàu sân bay về Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Vị doanh nhân được chọn bởi trước đó, từ năm 1992, Trung Quốc đã ngỏ lời với Ukraine nhưng lập tức bị từ chối do lo ngại áp lực từ Mỹ. Nhưng ông phải hoàn toàn bỏ tiền túi, và cũng được thông báo về khả năng giới chức Bắc Kinh sẽ không phê duyệt cho hải quân tiếp nhận.

Sau những ngày thương thảo và tiệc tùng túy lúy, trong vai một doanh nhân muốn mua tàu sân bay về làm casino, Xu đã có được chiếc tàu sân bay với giá 20 triệu USD. Từ ngày 30/4/1999, khi khoản thanh toán cuối cùng được thực hiện, ông chính thức là chủ sở hữu mới. Nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ nhiệm vụ, bởi làm sao để kéo con tàu khổng lồ từ Biển Đen về Đại Liên là cả một thử thách khác.

Gian nan 3 năm kéo tàu về nước

Ngay trong quá trình đàm phán, xưởng đóng tàu của Ukraine đã tuyên bố sẽ không chịu trách nhiệm đưa tàu tới Trung Quốc. Và ông Xu sẽ phải làm sao đưa được chiếc tàu sân bay từ Biển Đen ra Đại Tây Dương rồi về Trung Quốc.

Ngày 14/6/1999, hành trình gian nan bắt đầu, với những tuần đầu khá suôn sẻ, cho đến khi họ đi vào eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ. Do vào thời điểm đó quan hệ Trung - Mỹ đang xuống dốc, còn Thổ Nhĩ Kỳ lại là đồng minh của Mỹ, chiếc tàu sân bay không được phép qua cánh cửa duy nhất mở đường ra Địa Trung Hải để từ đó ra Đại Tây Dương.

Sau một tháng ăn trực năm chờ, toàn bộ đoàn tàu kéo, cùng chiếc tàu sân bay phải quay trở lại Ukraine. “Tôi cảm thấy quá bất lực khi tàu đợi cả tháng tại eo biển Bosphorus. Đã có lúc tôi chuẩn bị cho tình huống xấu nhất: Chúng tôi thà để con tàu khổng lồ chìm xuống đáy eo biển này, hơn là để nó rơi vào tay các nước đối địch với Bắc Kinh”, ông Xu chia sẻ.

Xu Zengping trong một bức ảnh chụp gần tàu sân bay Liêu Ninh năm 2003 (Ảnh:
Xu Zengping trong một bức ảnh chụp gần tàu sân bay Liêu Ninh năm 2003 (Ảnh: SCMP)

Suốt 15 tháng sau đó, Varyag phơi mình tại một cảng ở Biển Đen, trước khi diễn biến tại Bắc Kinh có lợi cho ông Xu. Sau nhiều năm phản đối, lãnh đạo nước này cuối cùng cũng xem lại dự án tàu sân bay của hải quân, khi việc sở hữu tàu sân bay để ngăn chặn Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trước.

Tháng 4/2000, Chủ tịch Trung Quốc khi đó, ông Giang Trạch Dân, công du Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, ông hứa sẽ khuyến khích du khách Trung Quốc tới thăm nước này, và mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Động tác chính trị này đã giúp mở đường cho Varyag. Ngày 25/8/2001, giới chức Ankara chấp thuận cho tàu sân bay đi qua eo biển này vào Địa Trung Hải.

Vậy là ngày 1/11 năm đó, Varyag cùng 11 tàu kéo và 15 tàu ứng cứu đi qua eo biển Bosphorus tiến ra Địa Trung Hải. Tuy nhiên, thử thách chưa phải đã dừng lại. Có thời điểm, tàu sân bay bị trôi dạt tới 4 ngày trên biển do bão khiến cáp neo với các tàu kéo bị đứt.

Trong những tuần còn lại của năm, đoàn tàu chậm chạp tiến qua Địa Trung Hải, qua eo biển Gibraltar vào Đại Tây Dương, trước khi vòng xuống mũi Hảo Vọng, qua eo biển Malacca của Malaysia để về Biển Đông. Ngày 3/3/2002, 5 tàu kéo đưa Varyag về đến Đại Liên.

Ông Xu cho biết vào thời điểm đó, ông cảm thấy như “một đứa con lưu lạc tìm được đường về nhà”. “Nhưng tôi không thực sự cảm thấy nhẹ nhõm cho đến khi nó được đưa vào biên chế hải quân 12 năm sau đó. Cảm giác giống như cuối cùng cũng được thấy con mình lớn lên và kết hôn”.

120 triệu USD chi phí chưa được thanh toán một xu

Những tháng ngày dài chờ đợi, thuê tàu kéo, tàu hộ tống và chi phí cảng biển đã khiến cho chi phí mua Varyag đội lên chóng mặt.

“20 triệu USD chỉ là mức giá khi đấu giá tàu sân bay. Trên thực tế tôi đã phải trả ít nhất 120 triệu USD cho thương vụ trong giai đoạn 1996 - 1999. Nhưng tôi vẫn chưa nhận lại được một xu nào từ chính phủ. Tôi đơn giản là bàn giao nó cho hải quân”, Xu chia sẻ.

Để có tiền trang trải, Xu phải bán đi ngôi biệt thự như cung điện của mình tại Hồng Kông năm 1999 cùng nhiều bất động sản khác.

Một nguồn tin cho biết, Xu phải gánh những chi phí này do nhiều quan chức hải quân từng tiếp cận ông để đề xuất nhiệm vụ đã chết hoặc đang bị tống giam. “Ji Shengde, cựu chỉ huy tình báo hải quân, là người đã giao cho Xu thực hiện thương vụ này”, nguồn tin cho biết. “Nhưng Ji bị sa thải và nhận án tử hình hoãn thi hành năm 2000, do dính líu vào một vụ bê bối buôn lậu tại Phúc Kiến”.

Gánh nặng tài chính khiến Xu tán gia bại sản, phải vay mượn khắp nơi, trong đó có 230 triệu đô la Hồng Kông (2,58 triệu USD) từ một người bạn.

“Tôi đã mất 18 năm trả nợ kèm tiền lãi, với khoản nợ cuối cùng được trả hết vào năm nay. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm bởi bạn tôi giờ đã 81 tuổi, và tôi từng hứa với ông ấy sẽ trả hết nợ khi ông ta còn sống”.

Theo cuốn sách Tàu sân bay, do China Development Press xuất bản, Xu đã thương lượng với chính quyền Bắc Kinh trong nhiều năm để được bồi thường. Nhưng chính phủ tuyên bố sẽ chỉ trả 20 triệu USD giá đấu giá, và khẳng định Xu chỉ được bồi thường nếu cung cấp được hóa đơn.

Xu cho biết chính phủ trung ương từ chối thanh toán bởi “hải quân không có đủ ngân sách vào thời điểm cuối những năm 1990, do kinh tế Trung Quốc khó khăn”.

“Nhưng đó không phải lí do hợp lý. Làm sao họ có thể triển khai chiến dịch “2 quả bom và một vệ tinh” trong những năm 1960? Đó là thời điểm khó khăn nhất của đất nước với nhiều người chết đói”, Xu nói, nhắc lại chương trình quốc gia thử nghiệm bom nguyên tử và bom hydro, cùng nỗ lực đưa vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ.

Dù sao ông cũng cảm thấy được an ủi phần nào. “Một số chuyên gia hải quân nói với tôi rằng thương vụ giúp đất nước này tiết kiệm ít nhất 15 năm nghiên cứu khoa học”, Xu nói. “Tôi không nản lòng và mong muốn của tôi là hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cuối cùng, thì nó cũng gián tiếp giúp thúc đẩy chính phủ thay đổi chính sách quân sự của họ”.

Thanh Tùng
Theo SCMP